Bây giờ không kể đến giới trẻ hay trung niên mà đến cả một đứa bé lên 5 cũng biết hí hoáy điện thoại để vào YouTube xem ca nhạc thiếu nhi hay phim hoạt hình… Còn các cụ độ tuổi “cổ lai hy” cũng đã thôi than thở là cô đơn buồn bã vì con cháu đi làm ăn xa, cả năm không thấy mặt. Chỉ cần mở mạng gọi video call là có thể trò chuyện với con cháu như đang ở trước mặt. Thế mới biết, thời buổi công nghệ số đã làm con người có thể xích lại gần nhau dù cách xa vời vợi về mặt địa lý.
Hơn 20 năm Internet có mặt (từ năm 1997), với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Cứ 100 người sử dụng Internet thì có đến 99 người đăng ký tài khoản Facebook. Bây giờ gặp nhau, người ta người ta không chỉ trao đổi số điện thoại mà còn cả địa chỉ Facebook, Zalo…, để kết bạn.
Nói không ngoa rằng, mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber, Instagram, YouTube…) đã trở thành một phần cuộc sống của người Việt. Ái ố hỉ nộ gì cũng “lên phây” để chia sẻ với cộng đồng. Và trong thế giới ảo ấy, người ta tha hồ thích (like), bình luận (comment), chia sẻ (share) mà không cảm thấy e ngại hay chịu trách nhiệm về những phát ngôn và hành xử của bản thân.
Mấy ngày qua cộng đồng mạng dậy sóng vì tài khoản Facebook của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được cho là kích động, kêu gọi “anh em giang hồ” tát vô mặt người cha bạo hành con ở Tiền Giang. Thậm chí tài khoản này còn kêu “treo thưởng 20 triệu đồng uống cà-phê chơi cho ai tát vô mặt nó liên tục y chang như vậy”. Hệ lụy là sau dòng trạng thái đó, vào ngày 18-10, khoảng 100 người tìm đến thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) để đánh người đàn ông này.
Đành rằng sự việc đúng sai thế nào đã có pháp luật xử lý, tuy nhiên một thực tế cho thấy rằng, từ ngoài đời thực lẫn trên thế giới mạng, vẫn có nhiều người “vô tư” dùng cách này để thể hiện bản lĩnh mà không ý thức được hành vi của mình sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy, thỉnh thoảng trên Facebook lại dậy sóng với clip chửi rủa, hay bạo lực học đường. Đã có nhiều học sinh, sinh viên phải bỏ học hoặc dẫn đến trầm cảm, thậm chí nghĩ đến cái chết vì bị bạn bè bêu xấu, tung những clip nhạy cảm để hạ nhục nhằm giải quyết những mối tư thù. Lại có nhiều người mượn mạng xã hội để chửi đời, chửi người, hay dựa hơi người khác để được nổi tiếng...
Dường như, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) một cách cố tình hoặc vô ý thức thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực mà không màng đến các hệ lụy gây ra cho người khác. Nhiều người còn có thói quen “like dạo” một cách vô thưởng vô phạt mà không hề biết rằng, thế giới mạng tuy là ảo nhưng hậu quả gây ra lại là rất thật và rất đau lòng… Dù chưa có một thống kê cụ thể nào về số người bị tổn thương thể chất lẫn tinh thần vì sự xúc phạm, kích động do mạng xã hội nhưng con số ấy chắc rằng không hề nhỏ.
Từ thời hồng hoang, con người đã biết dùng âm thanh, lửa để truyền tin tức cho nhau. Bây giờ thời hiện đại, chúng ta có mạng xã hội để trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, sinh động và hữu hiệu. Tuy nhiên, người ta ví dùng mạng xã hội như dùng lửa, lửa sẽ thổi bùng những thông tin tích cực, kéo mọi người xích lại gần nhau; nhưng nếu dùng không khéo là lửa không chỉ bỏng tay mình mà còn cháy lây cả nhà hàng xóm.
Chính vì vậy, giữa một thế giới mạng đầy thị phi, phức tạp, trước khi bấm nút thích (like), chia sẻ (share) hay bình luận (comment) thì phải biết phân biệt đúng, sai, thật, giả… Một cái nhấp chuột đầy trách nhiệm là thái độ sống văn minh và nhân ái của mỗi người chúng ta trong một thế giới số vậy!
Như Hạnh