"Nguyên tố hạnh phúc"

.

Nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm kéo dài, đâm ra lo âu, hoảng sợ khiến bệnh trở nên nặng thêm. Các thầy thuốc khuyên mọi người nên hiểu rõ về căn bệnh này và một khi đã xác định mình bị mắc thì không phải lo âu, bởi đã có một loại “thuốc” đặc trị, đó là “nguyên tố hạnh phúc”.

Chị Nguyễn Thị Chính (trái) đã tìm thấy lại mình sau những tháng ngày bị trầm cảm nặng. Ảnh: V.T.L
Chị Nguyễn Thị Chính (trái) đã tìm thấy lại mình sau những tháng ngày bị trầm cảm nặng. Ảnh: V.T.L

Những người tìm thấy lại mình

Ngôi nhà số 25 đường Cổ Mân Mai 5, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ có một tiệm tạp hóa nhỏ. Chủ nhà là chị Nguyễn Thị Chính, chào buổi sáng chúng tôi bằng nụ cười thật tươi. Ít ai ngờ rằng, gần 2 năm trước chị đã có một thời gian, nói như dân gian, “chết mà biết thở”.

7-8 năm trước, khi còn ở Kon Tum, chị mất một người con. Đầu năm 2017, thêm một người con nữa bị tai nạn giao thông qua đời. Đau thương chồng chất lên trái tim người mẹ, chị sốc nặng, dễ nổi nóng, cáu giận, bực bội, đóng cửa ngồi khóc một mình.

Khi Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng triển khai dự án “Kết hợp sinh kế trong quản lý trầm cảm có hiệu quả - Life-DM tại cộng đồng” do Tổ chức BasicNeeds tài trợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) và Trạm Y tế phường Hòa Xuân phối hợp tiến hành khảo sát, sàng lọc các trường hợp phụ nữ địa phương bị sang chấn tâm lý do sốc, sau sinh hoặc có hoàn cảnh khó khăn... Kết quả, có 5 trường hợp được xác định bị trầm cảm, được điều trị bằng hình thức Life-DM tại cộng đồng đợt đầu tiên. Nặng nhất là một chị bị tâm thần phân liệt do học hành quá mức, xếp tiếp sau là chị Chính.

Chị Phạm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Xuân cho biết, 5 chị này tham gia sinh hoạt mỗi tuần 3 buổi tối tại Trạm Y tế. Các chị như con ốc thu mình, ít nói, buồn phiền, không thích hoạt động nên phải kích hoạt hành vi bằng nói chuyện, giao lưu. Hội tổ chức chương trình nào ở khu dân cư đều “kéo” các chị đi để các chị mở lòng hơn.

Cùng với đó, để hỗ trợ sinh kế, Hội LHPN giới thiệu các chị vay gói 20 – 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong 5 chị, chỉ có chị Chính và một chị nữa bán hàng ngay tại nhà nên vay vốn mở rộng kinh doanh.

Kết thúc đợt 1 vào đầu năm 2018, chị bị nặng nhất trước đây đi đâu cũng không buồn mở miệng, nay đã tự mình đạp xe đi tới Trạm Y tế phường tham gia sinh hoạt. Qua đợt 2, Hội mời chị này tham gia nói chuyện với cộng đồng nơi chị sinh sống. Gia đình rất vui khi thấy chị đã tìm thấy lại mình, chan hòa trong sinh hoạt với cộng đồng.

Chị Chính, ngoài tiệm tạp hóa, chị bán lại cà-phê, sữa bắp, sữa mè đen. Mỗi khi Hội LHPN phường tổ chức hoạt động gì có phần ẩm thực đều giới thiệu chị đến phục vụ. Chị giờ như bông hoa đã tươi lại sắc màu, khép những tháng ngày đau buồn cũ.

“Quẳng gánh lo đi và vui sống”

Nhiều người không hiểu rõ căn nguyên bệnh lý của chứng trầm cảm nên mỗi khi thấy buồn lại nghĩ mình… trầm cảm, từ đó đâm ra lo, làm trầm cảm giả nhiều khi thành trầm cảm… thiệt!

BS.CK2 Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, phân tích 3 nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. (1) Về sinh lý: Thiếu hụt chất Serotonin có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh thực vật; (2) Về tâm lý: Kỹ năng vượt qua stress không có, luôn bi quan hóa trước các vấn đề xảy ra đối với mình, không có khả năng giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống; (3) Về xã hội: Căng thẳng trong cuộc sống, xung đột trong gia đình.

Để điều trị bệnh trầm cảm, theo BS Trung, người bệnh cần sử dụng một số thuốc chống trầm cảm, bổ sung Serotonin - được gọi là “Nguyên tố hạnh phúc” được tìm thấy trong não bộ con người. Hoạt chất dẫn truyền thần kinh này sẽ gửi các thông điệp khác nhau tới toàn bộ cơ thể, ví dụ như cảm xúc, cảm nhận giác quan, nhận thức…

Đối với người dân, cần phải giáo dục tâm lý để mọi người hiểu biết bản chất bệnh trầm cảm mà phòng tránh. Với bệnh nhân, cần một liệu pháp tâm lý, tạo kỹ năng để vượt qua các khó khăn trong cuộc sống. “Nhàn cư vi bất thiện”, đang buồn rầu mà ngồi một chỗ sẽ nghĩ ngợi lung tung càng buồn thêm. Cần kích hoạt hành vi, làm cho bệnh nhân tăng hoạt động.

Cử nhân tâm lý Đàm Thị Quế Anh, chuyên viên của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng sáng đó trò chuyện với bà Văn M., một bệnh nhân thuộc thể bệnh trầm cảm nặng, nhiều lần tái diễn. Bà nhập viện hơn tháng trước với tình trạng không ngủ được, lo lắng, bồn chồn, rầu rĩ; tê chân tay, ăn kém; ngồi nói chuyện tầm 5-10 phút là đứng dậy bỏ đi. Qua điều trị nội trú, nay bà đã hiểu ra mình bị bệnh gì, ăn được, đêm ngủ được 5-6 tiếng. Tuy còn chút tê tay nhưng thần sắc đã cải thiện rõ rệt, nói cười với mọi người tự nhiên hơn.

Theo các chuyên gia y dược, “thủ phạm” của tình trạng mệt mỏi, mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc có thể có nguyên nhân từ các bệnh về tuyến giáp khiến hormone sản xuất tại đây bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến lượng Serotonin trong não. Do đó, khi tuyến giáp hoạt động không tốt, lượng Serotonin trong não bị giảm, dẫn đến con người luôn cảm thấy chán nản, mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng, làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm.

Việc xem xét bệnh nhân trầm cảm có phải do bị các bệnh về tuyến giáp hay không là chức năng của thầy thuốc. Với bệnh nhân, cần có một chế độ ăn uống hợp lý và nghỉ dưỡng thật thoải mái về tinh thần theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nói như tên một cuốn sách nổi tiếng của tác giả người Mỹ Dale Carnegie qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, đó mới chính là “nguyên tố hạnh phúc” được sản sinh ngay trong mỗi người để chống lại căn bệnh nhiều hệ lụy này!

Việt Nam hiện có 20% trên tổng dân số có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm, trong đó khoảng 0,25% - 0,35% thực sự mắc bệnh trầm cảm (tương đương 5% - 7% trên tổng dân số). Tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, trong hai năm 2017 và 2018, số bệnh nhân trầm cảm nội trú dao động từ 44 đến 46 người. Trong năm 2019, tính đến ngày 23-10 có 37 bệnh nhân trầm cảm điều trị nội trú; số liệu ước tính cả năm 2019 cũng xấp xỉ số liệu của các năm trước.

Nguồn: Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng

VĂN THÀNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.