Đà Nẵng cuối tuần

Sinh viên Việt - Lào học nhóm

17:55, 03/11/2019 (GMT+7)

Sáng cuối tuần, khu D Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) trở nên nhộn nhịp. Trong phòng D105, một nhóm sinh viên (SV) Việt Nam và Lào đang chăm chú với những bài tập môn Toán ứng dụng. Ở dãy bàn đầu, đôi bạn Lào Vongsavanh Sonelam (khoa Ngân hàng) và Manosak Vilaphan (khoa Du lịch) cười thật tươi sau khi hoàn thành một bài tập khó.

Buổi học nhóm đặc biệt diễn ra trong không khí vui vẻ. Ảnh: H.T
Buổi học nhóm đặc biệt diễn ra trong không khí vui vẻ. Ảnh: H.T

Manosak Vilaphan và Vongsavanh Sonelam là hai trong số nhiều SV tham gia chương trình hỗ trợ học tập của SV Việt - Lào do Câu lạc bộ (CLB) Amigos tổ chức. Với chương trình này, các SV Lào được cải thiện kiến thức thông qua những buổi học nhóm với SV Việt Nam. Ý tưởng cho hoạt động này đến từ thầy Bùi Trung Hiệp, một giảng viên trẻ của trường.

Là người tham gia phụ trách công tác SV, thầy Hiệp thấu hiểu được những khó khăn của SV Lào trong quá trình học tập, đặc biệt là khó khăn về ngôn ngữ khiến cho các bạn không theo kịp bài giảng trên lớp cũng như tham gia các hoạt động của trường.

“Bản thân nhà trường mong muốn các bạn SV Lào học tập và hòa nhập tốt hơn với SV Việt Nam. Chính vì thế nên hoạt động hỗ trợ học tập giữa SV hai nước ra đời nhằm thực hiện mục đích này”, thầy Hiệp cho biết. Theo đó, buổi học nhóm được tổ chức vào sáng chủ nhật hằng tuần với thời lượng 3 tiếng đồng hồ. Trước mắt, các bạn SV Lào sẽ được trau dồi kiến thức hai môn học là Toán ứng dụng và Nguyên lý kế toán. Những kiến thức được chia sẻ chủ yếu lấy từ giáo trình cùng sự hỗ trợ, tư vấn của các giảng viên.

Để vận động các bạn SV Lào tham gia chương trình học nhóm đặc biệt này, nhà trường và các thành viên CLB đã tổ chức những buổi gặp gỡ, chia sẻ, nắm bắt tâm tư của những người bạn Lào.

Là người “thấm” những khó khăn khi học ở Việt Nam, sở hữu khả năng nói tiếng Việt trôi chảy cùng thành tích học tập tốt, Souphavady Khampatha (SV năm 3, khoa Kinh doanh quốc tế) được thầy Hiệp và các bạn tin tưởng giao nhiệm vụ kết nối những người bạn đồng hương với buổi học nhóm.

Souphavady Khampatha cho biết: “Để các bạn đồng hương của mình tham gia, các bạn trong CLB đã gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của các bạn, từ đó thuyết phục các bạn chịu khó một chút vì việc học, bởi không phải ai cũng có thể tự giác đi học nhóm vào ngày cuối tuần”.

Trong khi đó, tham gia nhóm học với vai trò hỗ trợ kiến thức, bạn Tống Thị Thanh Tuyền cho biết: “Ở đây sức học của mỗi bạn mỗi khác nên CLB cần rất nhiều thời gian để quan sát, nắm bắt mức độ tiếp thu kiến thức của SV và đưa ra phương án học tập hiệu quả. Để việc học nhóm đạt kết quả và ngày càng hoàn thiện, tụi mình rất cần những phản hồi và ý kiến đóng góp của các bạn SV đến từ Lào”.
Chia sẻ sau buổi học nhóm, bạn Manosak Vilaphan (khoa Kinh tế chính trị) cho hay: “Mình cảm thấy hoạt động này rất bổ ích, rất cần thiết với những bạn du học sinh Lào như mình. Bản thân mình cũng mong muốn thời lượng mỗi buổi học nhóm được tăng thêm một tiếng nữa để trao đổi được nhiều kiến thức hơn”.

Được sự ủng hộ của Trường Đại học Kinh tế, thầy Bùi Trung Hiệp và các thành viên CLB Amigos hy vọng hoạt động học nhóm giữa SV Việt - Lào sẽ được duy trì lâu dài. Chủ nhiệm hiện tại của CLB Amigos là Đỗ Thảo Phương, khoa Kinh doanh quốc tế, cho biết: CLB đã ra đời được 4 năm, với nhiều hoạt động vì cộng đồng như hỗ trợ tuyển sinh, tổ chức ngày tết truyền thống cho SV Lào, hoạt động thể dục, thể thao… tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị của các bạn SV. Bên cạnh đó, CLB còn thực hiện chương trình Rêver radio (Tạm dịch là “Những kẻ mộng mơ”), là nơi tâm sự, trải lòng của nhiều SV nhà trường.

Theo thầy Bùi Trung Hiệp, hiện tại Trường Đại học Kinh tế có 15 CLB, đội, nhóm hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự hoạt động năng nổ, nhiệt tình của các bạn SV đã tạo nên môi trường thân thiện, năng động trong nhà trường… Thầy Hiệp hy vọng thời gian tới các CLB sẽ có thêm nhiều chương trình, hoạt động hay, kết nối SV không chỉ trong phạm vi nhà trường mà còn mở rộng ra nhiều trường khác trên địa bàn thành phố.

Huyền Trâm

.