Gia đình hạnh phúc

Đón con gái từ lớp học võ, tôi nghe con hí hửng: “Hôm nay, con vừa làm quen được một bạn mới”. Không chờ tôi trả lời, con tiếp tục huyên thuyên: “Mẹ ơi, con thấy làm quen bạn mới khó thiệt, phải bắt chuyện, phải hỏi thăm nhiều thứ lắm.

Trong lớp có rất nhiều bạn nhưng con chỉ làm quen được một bạn thôi”. Nghĩ ngợi thêm một lúc, con thắc mắc: “Vì sao ngày xưa mẹ và ba làm quen với nhau được? Quen nhau, cưới nhau, sinh ra con mà sao giờ lại không sống chung với nhau?”. Tôi chỉ có thể trả lời qua loa: “Sống chung rồi mới thấy không hợp nhau nên không sống chung nữa”. Thắc mắc của con gái lại làm tôi nghĩ ngợi.

Giữa một triệu dân, một vạn cá thể, hai con người xa lạ gặp nhau, quen nhau, thân nhau, yêu nhau, cưới nhau và về chung nhau một mái nhà. Từ quá xa lại thành quá gần, quá lạ lại ra quá quen, từ chưa hiểu bao nhiêu lại là hiểu được nhiều điều về nhau… Rồi với một số ít cặp vợ chồng, hành trình ấy lại đến lúc đi ngược lại. Từ rất gần lại hóa xa xôi, xa đến mức không thể nhìn mặt nhau, từ quá quen lại trở thành người dưng, kẻ xa lạ, có khi là kẻ thù buông lời cay nghiệt, quá hiểu nhau để rồi đổ vỡ, thất vọng không có hồi cứu vãn... Loanh quanh trà chanh chém gió, tôi lại góp nhặt được vài mẩu chuyện để phụ họa thêm cho những vẩn vơ này.

Anh là công chức cấp Bộ, có nhà ở khu chung cư cao cấp giữa lòng thủ đô. Anh đã có vợ và một cậu con trai 8 tuổi kháu khỉnh. Cuộc sống hiện tại đủ đầy, ấm êm của gia đình anh là niềm ước ao của biết bao người. Sau buổi họp lớp, anh tuyên bố ly hôn, gửi lại nhà cửa, tài sản và cả đứa con trai cho vợ để ra đi tay trắng bắt đầu cuộc sống mới với người vợ mới. Cô vợ mới vốn là người yêu cũ từ thời phổ thông. Cô là mẹ đơn thân. Anh cho rằng, anh phải có trách nhiệm với những đau khổ, đổ vỡ mà người yêu cũ đang gánh phải nên anh ly hôn vợ, từ bỏ con để bù đắp cho mối tình xưa dang dở.

Ông T. năm nay đã 64 tuổi, có vợ và hai con trai đã trưởng thành, công việc ổn định. Một hôm, ông T. rủ rê mấy ông bạn già trong khu phố uống vài lon bia tâm sự: “Vợ chồng tôi quyết định ly hôn. Vợ tôi không đồng ý cho mẹ tôi về sống chung. Sau hơn 30 năm làm dâu, vợ tôi vẫn không xem mẹ tôi là mẹ bà ấy. Chúng tôi thuận tình ly hôn, bán nhà chia đôi, đường ai nấy đi”.

Cậu của bạn tôi là giảng viên của một trường đại học có tiếng. Mặc cho vợ ông làm mình làm mẩy, kiện thưa, đánh ghen, ông vẫn quyết định xách vali ra đi sống chung với cô sinh viên đã sinh cho ông một bé gái. “Già nhân ngãi, non vợ chồng”, ông cứ sống như thế với cô sinh viên kia đã mấy năm nay.

Vì sao người ta dễ dàng từ bỏ một cuộc hôn nhân đã khó khăn gầy dựng? Vì sao đến hơn hai phần ba đời người, người ta lại cho rằng mình đang có một cuộc sống hôn nhân “đồng sàng dị mộng”? Chúng ta được gì và mất gì khi đưa ra quyết định từ bỏ một người đã đầu gối tay ấp bao nhiêu tháng ngày qua? Khi đưa ra những quyết định ấy, liệu anh ta, ông ấy có hồi tưởng lại những tháng ngày đồng cam cộng khổ mà cả hai vợ chồng đã cùng chung sức. Khi chọn đi con đường ấy, những người chồng, người vợ có đặt mình vào vị trí của người còn lại để suy nghĩ, đắn đo. Cuộc sống hôn nhân không tránh khỏi những lúc cãi vã, to tiếng, bất đồng. Những tẹp nhẹp mưu sinh làm cho đời sống vợ chồng dần trở nên nhàm chán, mệt mỏi với nhiều ràng buộc trách nhiệm. Để thỏa mãn cho nhu cầu cái tôi cá nhân trong tức thời, chúng ta phải chăng lại đánh mất đi rất nhiều điều mà bản thân đã tiêu tốn bao công sức, thời gian để gầy dựng: uy tín, sự tôn trọng, tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm… Và hơn hết là đánh mất đi một-gia-đình-hạnh-phúc.

Gặp được nhau là duyên, sống được với nhau dài lâu nhất có thể là ước mơ của bất kỳ cặp vợ chồng nào. Có thể bạn không sống hạnh phúc đến trăm năm như những lời chúc tụng thì hãy dành lấy hạnh phúc trong từng giây, từng phút, từng khoảnh khắc đang còn ở cạnh nhau. Đừng viễn tưởng với tay đến những hạnh phúc xa xôi mà để tuột tay những hạnh phúc giản đơn trong tầm tay. Đời vô thường, thoáng chốc gió thổi mây bay nhưng nghĩa vợ chồng mãi son sắc khó phai. Gom góp, chắt chiu hiện tại để bồi đắp hạnh phúc cho ngày sau. Gia tài hạnh phúc ấy giàu lên hay nghèo đi là do chính chúng ta quyết định.

Thiên Di
 

;
;
.
.
.
.
.