Ngửa mình trên cỏ xanh

.

Những khi lòng dạ thảnh thơi
Ngửa mình trên cỏ, ngắm trời
hoàng hôn
Thử xem sau cuộc Vuông – Tròn
Một mình với đất, cô đơn thế nào

Một lần nào đó, cũng không còn nhớ rõ là lần nào, trong đầu tôi chợt nảy ra mấy câu thơ như vậy. Đọc cho thằng bạn thân nghe, nó bảo: “Đồ điên!”. Ngẫm nghĩ một hồi rồi chợt cười mà tự nhủ: “Ừ, mình cũng điên điên thật. Ai lại….!”

Không hiểu sao dạo này tôi hay nghĩ vẩn vơ về cái chết. Nhiều người nghe chuyện ắt sẽ mắng: “Đừng có nói chuyện xúi quẩy”. Tôi cũng rất không muốn rước lấy một sự xúi quẩy nào, tuy nhiên, đôi lúc tôi lại nghĩ ngợi rằng, mình cũng cần ý thức thật kỹ về cái chết để mà sống bớt toan tính nhỏ nhặt; để sống với những suy nghĩ hay hớm hơn; sống cho nên hồn.
Thực ra ý này là của bố tôi mà tôi “tiếp chỉ” được.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Quê tôi ở bờ nam dòng Bến Hải. Năm 1954, ông cùng 5 người anh vượt vĩ tuyến 17 tập kết ra Bắc, sau đó lại gác sự nghiệp gõ đầu trẻ để “đi B” vào Nam chiến đấu. Năm nay đã qua tuổi 85 nhưng đầu óc bố tôi vẫn còn vô cùng minh mẫn. Ông thuộc làu nhiều mệnh đề của Khổng, Mạnh và đặc biệt là viết chữ Hán rất đẹp. Trong gác hai nhà tôi tại Đà Nẵng hiện treo nhiều chữ của ông. Những lần về quê, tôi thường nhờ ông viết cho ít chữ. Mục đích là để sau này khi ông khuất núi thì vẫn còn những “di chỉ” của ông cho con cháu biết. Nhưng hóa ra, mỗi khi nhớ quê mà không về được, tôi lại leo lên gác nhìn chữ ông cho… đỡ thèm. Và dần dà, tôi cũng học được khối điều từ những chữ ấy.

Trước con cái, bố tôi rất ít bộc lộ mình. Tuy nhiên, đôi khi con cháu quây quần vui vẻ, ông cũng làm dăm ba ly và trở nên hoạt bát vô cùng. Có lần, sau vài lần nâng lên đặt xuống, tự dưng ông nheo nheo mắt nhìn lũ con cháu, dâu rể, đằng hắng một tiếng thu hút sự chú ý rồi nói:

- Các con ạ, “thịnh suy như lộ thảo đầu phô”, đời người thực ra như giọt sương đầu ngọn cỏ. Bố vẫn nhớ như in thuở còn con nít, ngồi chồm hổm xem ông nội của bố làm thịt mèo trong chiếc cối đá lớn gần bằng hòn non bộ ngoài sân kia kìa. Ấy vậy mà bây chừ, tuổi bố còn nhiều hơn tuổi của ông thuở đó.
Ông nhấp thêm một chút chén đắng, rồi nâng một chiếc đũa, cẩn thận đưa đầu đũa vào miệng, mút khẽ cho nó thật sạch và nâng lên ngang mày mà rằng:

- Xét đến cùng, đời người trước sau cũng một chút chừng này thôi. Có người suôn sẻ, đi hết từ đầu này đến đầu kia chiếc đũa; có người đứt gánh giữa chừng, lại có người đến gần cuối chiếc đũa mới giật mình ngộ ra rằng, té ra mình đã chết ở đâu đó từ lâu rồi. Tóm lại, ai rồi cũng phải chết thôi các con à. Thế nên đừng sợ chết mà hãy nên nghĩ cần sống như thế nào.

Buông đũa, kéo thằng con trai của tôi vào lòng, bố tôi “kết”:

- Đó là bố nói với các con, chứ bố thì đã ở tận cùng đầu đũa mất rồi!
- Ông ni, miệng mồm tầm bậy tầm bạ…! Mẹ tôi ngồi phía bên kia nồi cơm thốt lên, người giật bắn như bị bỏng. Tụi tôi thì chẳng biết nói gì, bèn giả tảng nâng ly mà thấy cổ họng đăng đắng.

Từ đó, tôi cũng cảm thấy cái chết phần nào bớt đáng sợ và có phải cũng từ xuất xứ ấy mà mấy câu thơ trên của tôi đã ra đời chăng?!

Một lần, về quê vợ ở Thăng Bình, Quảng Nam vào một dịp giỗ. Chiều ấy, tôi bị mấy anh em “nhà vợ” tổng tấn công bằng đủ thể loại bia, rượu, rồi cả xôi đường nữa (trong các đám giỗ chạp, Thăng Bình có một món rất độc đáo mà quê tôi không có là xôi đường. Thứ xôi đậu đen trộn với đường, gừng tươi, nấu xong đóng thành những bánh vuông vuông xinh xắn, ăn vào cuối bữa. Những “cao thủ” uống rượu thường hay lấy nó để khích bác vui với nhau rằng: “Tao phải vừa uống với tụi bây, vừa ăn thêm mấy khuôn xôi đường lấy chất đường cho… đủ đô!”). Bữa rượu đó, không thể cầm cự nổi nữa, tôi bèn giả vờ ra ngoài rồi nhân khi mọi người không để ý, tôi vọt thẳng ra cánh đồng xa xa phía trước mặt nhà. Đồng ruộng Thăng Bình mượt mà, phẳng phiu và mênh mông hơn ở Quảng Trị sỏi đá quê tôi. Nhưng đồng ruộng nào ở Việt Nam cũng giống nhau ở vẻ thanh bình, yên ả. Giữa những thảm xanh dịu dàng vẫn là những cây gạo, cây đa chông chênh đổ bóng, những nấm mồ rậm rì cỏ dại, chơ vơ giữa đồng với dáng vẻ trầm mặc nhẫn nại. Tôi chếnh choáng bước ra giữa cánh đồng, tìm đến bên một ngôi mộ đơn độc nhỏ nhoi. Chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, tôi nằm vật xuống cỏ, gối đầu lên ngôi mộ mồ côi và thiếp đi nhanh chóng.

Khi tôi tỉnh dậy thì hoàng hôn cũng vừa đi qua. Cơn say cũng kịp đi qua. Đồng lúa nhòa nhòa tối, trên trời có đôi ba ngôi sao trân trối nhìn tôi. Tôi ngồi dậy, nhìn cánh đồng đầy vẻ liêu trai, nhìn những vì sao nửa quen nửa lạ. Những vì sao đã mặc định có mặt với trời, với đời trừ khi mưa gió. Và tôi nhìn xuống ngôi mộ đã làm gối cho mình ngủ. Một cảm giác vừa sợ hãi, vừa trìu mến ùa đến, nao nức đầy lòng. Không biết “dưới kia” là ai, của thời đại nào đấy nhỉ? Rồi thì khi mình đang nhìn “họ”, chẳng hay “họ” có nhìn mình?! Rồi thì hôm nay “họ” thấy vui hay buồn bực khi có kẻ không mời đường đột đến xin… ngủ ké?! Chợt tôi nhớ da diết hình dáng cao gầy của bố tôi. Ông đang ngồi thật thẳng, tay hua hua chiếc đũa…
Không biết tôi sẽ ngồi miên man và trầm tư như vậy thêm bao lâu nữa, nếu như không có tiếng gọi đầy lo âu của bà mẹ vợ lưng còng đáng yêu. Bà vừa lọm khọm băng ra giữa cánh đồng vừa réo gọi tên tôi. (Trong mớ 6 thằng rể, bà thương tôi nhất vì “hắn ẻo lả thư sinh!”).

Tôi vụt đứng lên, lấy lại dáng vẻ hào sảng, tay chân khua rối rít:

- Má, con đây má!
- Chớ mi ngồi đây mần chi rứa!
- Dạ, con tìm hái mấy bông cỏ.
- Túi (tối) thui rồi, cỏ rả cái chi!
- Chớ má đi tìm con à?!
- Mô có, tau đi… đi… tìm mấy con vịt lạc!

Chao, cuộc đời buồn cười chi lạ: Ganh ghét, thù hận nhau thì lừa dối; yêu thương, lo lắng cho nhau cũng nào dám nói thiệt lòng. Mà cuộc đời thì có dài chi mấy đâu. Cũng một khúc đũa ấy mà!
Sau này, tôi cũng vậy, khi chén vào chén ra với bạn bè và say say, tôi cũng thường đưa ra trước mắt mọi người một chiếc đũa rồi lè bè:

- Mấy ông à, đời người trước sau cũng chút chừng này thôi…!

                                          Đoàn Triệu Long

;
;
.
.
.
.
.