Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được khởi công xây dựng vào năm 1915, đến năm 1919 khánh thành, tới nay là vừa tròn 100 tuổi. Trải qua nhiều lần mở rộng và nâng cấp đã hình thành nên diện mạo bảo tàng như ngày hôm nay.
Ảnh tư liệu trưng bày tại kỷ niệm 100 năm khánh thành và mở cửa đón khách tham quan, ngày 22-11-2019, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. (Ảnh chụp lại) |
Đáng chú ý là đợt mở rộng từ ngày 14-6-1935 đến ngày 11-3-1936, sau hai đợt khai quật tại Trà Kiệu, Quảng Nam vào năm 1927-1928, và tại tháp Mẫm, Bình Định, vào năm 1934, nhằm bảo đảm không gian trưng bày cho những hiện vật mới phát hiện. Tại buổi lễ khánh thành mở rộng lần này, Bảo tàng Chàm, Đà Nẵng (Musée Cham, Touran) đổi thành Bảo tàng Henri Parmentier (Musée Henri Parmentier) để ghi công vị kiến trúc sư, nhà khảo cổ của Viện Viễn đông bác cổ Pháp (École Francaise d’Extrême
Orient – EFEO), người có công lớn trong việc hình thành bảo tàng.
Cũng vào dịp này, người Pháp đã dựng một số bảng bằng xi-măng chỉ dẫn đến Bảo tàng Henri Parmentier, trong đó có bảng tại khu vực trước Tòa án nhân dân thành phố cũ (nay là khu đất gần khách sạn Novotel) và cũng là bảng duy nhất còn lại cho đến ngày nay (so với ảnh chụp một bảng chỉ dẫn thời đó với bảng còn lại này thì không phải là một, vì thứ tự hàng chữ Pháp không khớp nhau (hình1,2). Đặc biệt, các bảng chỉ dẫn đều có cùng mô-típ với hai trụ mới của cổng chính Bảo tàng Henri Parmentier (hình 3).
Ngày nay, qua hơn 80 năm với nhiều biến động, nhất là khi giải tỏa khu Tòa án nhân dân thành phố và mở rộng nâng cấp đường Bạch Đằng, điều kỳ lạ là bảng chỉ dẫn này không bị dỡ bỏ mà vẫn lưu lại tại vị trí cũ trên vỉa hè, sát lề đường Bạch Đằng, mặt bảng hướng ra bờ sông, những dòng chữ Pháp đã bị đục bỏ từ lúc nào không rõ, mũi tên chỉ hướng không còn, chiều cao của thân trụ cũng bị lấp một phần bởi việc nâng cao lề đường (hình 4,5).
Sự tồn tại của bảng chỉ dẫn này có lẽ ít người chú ý. Chúng ta phải ứng xử như thế nào đối với bảng này mà số phận kỳ lạ của nó đã lặng lẽ đứng bên lề đường như một chứng nhân của thành phố trong nhiều thập niên qua? Bảng chỉ dẫn duy nhất còn lại này gắn liền với lịch sử Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Phá dỡ đi hay cứ dửng dưng để mặc như nó đã từng đứng tại đây trong thời gian qua khi không còn chức năng chỉ dẫn nữa?
Ảnh mặt sau và mặt trước của bảng chụp ngày 3-12-2019. Ảnh: VŨ HÙNG |
Nên chăng vẫn giữ lại bảng này tại vị trí cũ và khắc hay gắn lên hàng chữ mới Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, vẫn kèm theo mũi tên, phía dưới cần có thêm một bảng nhỏ ghi chú rằng bảng này chỉ dẫn đến Bảo tàng Chàm, Đà Nẵng, khi được đổi thành Bào tàng Henri Parmentier vào năm 1936?
Việc lưu giữ lại cả trụ và bảng này như ý tưởng trên tại khu vực từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với thành Điện Hải, tòa nhà Hội đồng Nhân dân thành phố có kiến trúc Pháp đã trên 100 tuổi và trên con đường thuộc loại đẹp nhất thành phố tấp nập khách du lịch bốn phương, vừa hướng dẫn du khách đến với một bảo tàng độc đáo của thế giới về điêu khắc Champa và mở cửa đón khách tham quan cũng không thừa, vừa góp phần lưu dấu nét xưa phố cũ, có nên hay không ?
Vũ Hùng