Niềm hân hoan và cả tiếng thở dài (*)

.

“Kết hợp âm nhạc, bài bản, kịch nghệ và diễn xuất, cải lương kể những câu chuyện lịch sử, huyền thoại, hài kịch, kinh nghiệm xã hội cũng như kinh nghiệm cá nhân. Cải lương xuất phát từ lòng yêu nước của người Việt muốn sáng tạo nghệ thuật ca kịch riêng của mình. Cải lương là một hình thức văn hóa độc đáo mà nghệ sĩ Năm Châu từng nói: Thật và Đẹp”.

Bìa sách Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp bản tiếng Việt.
Bìa sách Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp bản tiếng Việt.

Đó là góc nhìn của hai tác giả người Anh - Hugo Frey, Giáo sư Lịch sử Văn học và Hình ảnh, Giám đốc Viện Nghệ thuật - Khoa học Xã hội và Suzanne Joinson, nhà văn, giảng viên ngành viết sáng tạo của Trường Đại học Chichester (Vương quốc Anh) sau 10 ngày làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai để ghi lại những kỷ niệm và hồi ức về nghệ thuật cải lương.

Tác giả Hugo Frey và Suzanne Joinson khẳng định cải lương là một mảnh bảo tàng, là một dạng thức giải trí sống động có thông tin, giáo dục và yếu tố giải trí; không chỉ là một phần quá khứ của Việt Nam mà còn thể nghiệm của hiện tại và tương lai. Bằng phương pháp nghiên cứu lịch sử truyền khẩu, họ đã thu thập ký ức về cải lương thông qua ngôn từ và hình ảnh từ 4 thế hệ các nghệ sĩ cải lương - người lớn tuổi nhất đã hơn 80 tuổi và người trẻ nhất hơn 30 tuổi. Không nặng về những cột mốc ngày tháng và số liệu, qua những câu chuyện rời rạc của 24 nhân vật của làng cải lương Nam bộ, cả hai phác họa bức tranh cải lương đa chiều và sống động qua cuốn sách Câu chuyện Cải lương: Thật và Đẹp.

Từ sự gợi mở ký ức của họ, cải lương hiện lên qua lời kể của 24 nhân vật với hình ảnh của những người xuôi theo các dòng sông để hát hết nơi này đến nơi khác, của những sân khấu chật kín người vào thời hoàng kim thập niên 60-80 của thế kỷ 20 và của những hy sinh cá nhân vì nghệ thuật.

Trong hồi ức của nghệ sĩ Thành Lộc, các đoàn cải lương như những gia đình cùng nhau trên chiếc ghe, di chuyển trên các con sông. Mỗi khi đến nơi phù hợp sẽ dựng sân khấu diễn. Cả đoàn cứ chu du trên các chiếc ghe, di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Trên đường mưu sinh, có thể, các gia đình sẽ sinh thêm con cái. Đến nơi nào có trường thì những đứa trẻ sẽ được gửi học ở đó. Nghệ sĩ Nam Hùng hồi tưởng: “Sài Gòn là trung tâm của cải lương nhưng chính các tỉnh như Hậu Giang và miền Trung mới nuôi sống các đoàn hát. Hồi thập niên 40-50, đoàn giàu đi ghe. Đoàn nghèo phải dùng xe trâu hoặc xe bò để di chuyển cả gánh hát, đào kép ngồi xe ngựa”.

Nghệ sĩ Lê Thiện, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, lại hoài nhớ những đêm lưu diễn phải mắc võng ngủ bên dưới sàn sân khấu mới dựng, gặp mưa phải chạy nhưng rất vui. Nghệ sĩ Mỹ Hằng cho hay, đời hát về nhiều nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, sân khấu do bàn học ghép thành. “Có nơi không có nước, phải lấy xô đi hứng nước, bận nguyên áo quần để tắm rửa giữa đường. Ở đó cũng không có nhà vệ sinh, không có gì che.

Hôm sau tìm được chỗ khuất, rủ cô bạn diễn ngâm mình dưới ao đầm một hồi mới biết có cả trăm con vịt bơi lội trên đầu nguồn nước”, nghệ sĩ Mỹ Hằng chia sẻ.

Những câu chuyện đơn lẻ không đại diện cho ai cả, mang tính cá nhân rất rõ, từ nghệ sĩ tới soạn giả, đạo diễn, nhà quản lý, nhạc sĩ, phục trang... nhưng vẫn phác họa đủ đầy về những ngày khởi đầu của cải lương, về thời kỳ “vàng son” và cả thực tại. Nghệ sĩ Kim Tử Long lưu giữ hình ảnh cải lương ở giai đoạn hoàng kim: “Đoàn 3 do Nhà hát Trần Hữu Trang lập ra cho những học viên vừa ra trường; vậy mà mới mười giờ sáng đã bán sạch 2.000 vé”. Với nghệ sĩ Linh Trung, cải lương là “những hôm cả xóm tụ lại coi ti-vi chung mà im re, nín thở không một tiếng động, muỗi cắn không dám đập, đứa nào làm ồn sợ bị đuổi ra ngoài”. Đó còn là thời mà mỗi đoàn hát có thể diễn ngày ba suất và suất nào cũng nghẹt rạp; hình ảnh nhiều nghệ sĩ tài danh được in bán kèm những bịch me, bịch kẹo...

Thế nhưng, sách không chỉ chở những niềm hân hoan mà còn có cả tiếng thở dài. Đó là niềm nuối tiếc của nghệ sĩ Thành Lộc khi những nghệ sĩ thời xưa luôn đau đáu mong muốn cho cải lương phải luôn mang tính thời đại đã qua đời: “Thật tiếc là họ đã không truyền kịp những tri thức đó cho thế hệ sau. Cải lương do vậy cũng mai một”.

Đó là nỗi trăn trở của nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang về những kịch bản cũ đã không còn phù hợp, trong khi khán giả rất mong đợi những câu chuyện về các vấn đề hiện tại. Đây là một trong những thử thách của sân khấu cải lương. “Rất khó để đào tạo soạn giả mới một cách chính quy trường lớp, vì cải lương sinh ra và gắn liền với những câu chuyện cuộc sống. Các soạn giả cũ càng không tha thiết sáng tác vì thù lao không xứng với công sức, thời gian họ bỏ ra. Soạn giả cải lương hiện nay đa phần là các diễn viên làm nghề lâu năm rồi tự mày mò học cách viết kịch bản”, ông cho hay.

Nữ tác giả Suzanne Joinson cho hay, trong quá trình tìm hiểu về cải lương, bà không còn là khách du lịch tò mò nữa. Cải lương mở ra nhiều điều thú vị về con người, văn hóa Việt Nam. Nhưng bà quan tâm nhiều đến thân phận những người phụ nữ gắn bó với cải lương. Cũng chính vì thế, trong những trang sách, đan xen giữa dòng chảy của cải lương là nỗi niềm chông chênh của các cô đào.

Nghệ sĩ Phương Hồng Thủy tâm sự: “Làm đào phải hy sinh nhiều hạnh phúc gia đình. Chồng rời tôi khi tôi sanh con chỉ vài tháng. Con vốn sanh non, bồng theo đặt võng gần nơi diễn, ai đi qua đẩy giúp, giải lao vô cho con bú, vãn tuồng về trạm y tế hay nhà dân cho ở nhờ. Con lớn chút, gửi má trông, đánh đổi việc thiếu tình mẫu tử, đi hát gửi tiền về cho má nuôi con với đám em. Tôi cứ lo con bịnh, sợ mất con, chuyện đời nhòa với vai hát, cảm xúc cứ vậy mà dâng trào”.

Có thể nói, mỗi nhân vật trong Câu chuyện Cải lương: Thật và Đẹp là một “hoa văn” ký ức, cùng dệt nên bức tranh về nghệ thuật cải lương. Câu chuyện nào cũng thấm đẫm mồ hôi và nước mắt nhưng đều rất đẹp!

KHA MIÊN

(*) Đọc Câu chuyện Cải lương: Thật và Đẹp.Sách in song ngữ Anh - Việt, do Hội đồng Anh và Nhà xuất bản Tổng hợp phối hợp ấn hành. Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc phụ trách biên tập tiếng Việt.

;
;
.
.
.
.
.