Thành tựu xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hòa Vang là thành quả của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng thanh niên. Tuổi trẻ ở huyện nông thôn duy nhất của Đà Nẵng sẽ “làm mới’ mình như thế nào để tiếp tục góp phần xây dựng NTM trong giai đoạn tới?
Mô hình trồng rau thủy canh của đoàn viên Nguyễn Hữu Cường (ảnh trái) và nuôi ếch của đoàn viên Tống Trường Giang góp phần nâng cao kinh tế trong xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang. Ảnh: V.T.L |
Hỗ trợ thanh niên lập thân lập nghiệp
Từ cổng nhà họp thôn Trà Kiểm chạy theo đường bê-tông vào tầm 700m là thấy tấm bảng to đùng ghi “Giang Farm” – Trang trại của Giang.
Chàng trai 9X đầu đời tên họ đầy đủ là Tống Trường Giang, từng học Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, đi bộ đội, rồi 2 năm làm công an viên ở xã. 4 năm trước Giang lên xã Hòa Khương mày mò học nghề nuôi ếch thịt từ ông Sáu Ếch, về mở trang trại 700m2, bắt tay vào thực hành. Gần năm nay, anh mở rộng sang lĩnh vực sản xuất ếch giống.
Gần đó là trang trại của ông chủ 8X đời cuối Nguyễn Hữu Cường, đang thực hiện dự án sản xuất và kinh doanh rau thủy canh. 2 năm trước, khi đang là cán bộ Huyện Đoàn Hòa Vang, Cường một lần lên Đà Lạt thấy trồng rau thủy canh quá hay. Về, thích làm cái gì đó thiết thực, gần gũi với điều mình đeo đuổi, anh thuê đất mở trang trại tại thôn Giáng Nam, sau chuyển lên Trà Kiểm.
Để giải quyết vấn đề kỹ thuật, anh tìm tài liệu trên mạng, học hỏi kinh nghiệm ở Hội Trồng rau thủy canh trên Facebook. Xã hội đang có nhu cầu dùng rau sạch, anh rao bán rau trên Facebook, mọi người nghe dân Đà Nẵng trồng là mua cái vèo.
Sát bên là trang trại nuôi chim cút của ông chủ trẻ Nguyễn Thành Trung, nguyên Bí thư Chi đoàn Quá Giáng 1, xã Hòa Phước. Mấy tháng trước, Thành Đoàn Đà Nẵng tìm đến anh để quay phim về thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2019.
3 chàng trai với 3 trang trại cùng một địa chỉ như thế là không nhiều ở Hòa Vang thời xây dựng NTM. Theo nhận định của Huyện Đoàn Hòa Vang, việc phát triển các mô hình kinh tế, phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp ở Hòa Vang vẫn chưa tạo được hiệu ứng rõ nét do nhu cầu đi làm ăn xa của thanh niên vẫn còn nhiều.
Thêm vào đó, cơ chế về chính sách vốn vay khởi nghiệp tuy có nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất cập khiến hoạt động khởi nghiệp của thanh niên còn gặp nhiều khó khăn.
Để tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp, Huyện Đoàn Hòa Vang thời gian tới sẽ tiếp tục là cầu nối để thanh niên tiếp cận được nguồn vay.
Anh Nguyễn Văn Quyên, Phó Bí thư Huyện Đoàn cho biết, thanh niên muốn vay cỡ 50 triệu đồng thì nhanh, nhưng vay tầm 100 triệu đồng phải qua nhiều thủ tục ràng buộc nên rất lâu. Vay ngoài rất nhanh nhưng lãi suất quá cao nên không ai dám vay. Huyện Đoàn và Đoàn cơ sở hỗ trợ giúp đoàn viên thanh niên hoàn thiện thủ tục hồ sơ xin vay để được giải ngân nhanh.
Với dự án sản xuất và kinh doanh rau thủy canh của Nguyễn Hữu Cường, Huyện Đoàn liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng hoàn tất nhanh hồ sơ xin vay. Trường hợp Giang Farm, Huyện Đoàn phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến khảo sát thực tế để có phương án hỗ trợ.
Những năm qua, Huyện Đoàn Hòa Vang duy trì tổ chức các diễn đàn thanh niên với cơ hội khởi nghiệp, tạo điều kiện cho thanh niên có nhu cầu được trực tiếp đối thoại với lãnh đạo huyện về những cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tăng cường việc phát hiện các gương thanh niên khởi nghiệp, kịp thời hỗ trợ vay vốn, đầu vào, đầu ra cho các sản phẩm của các mô hình khởi nghiệp từ thanh niên.
Tạo nguồn lực cho thanh niên
Nhìn chung, nguồn kinh phí được giao của Huyện Đoàn chỉ mới bảo đảm cho việc phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chưa có cơ chế về kinh phí để thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ xây dựng NTM tại các địa phương.
Nhằm đẩy mạnh vận động các nguồn lực về xây dựng NTM trên địa bàn huyện, trong nhiều năm qua, với vai trò là cầu nối, Huyện Đoàn đã kết nối các đơn vị về hỗ trợ xây dựng NTM trên địa bàn huyện với nhiều phần việc thiết thực, hiệu quả.
Theo số liệu của Huyện Đoàn, các đơn vị Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) thành phố, Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, Đoàn khối Các cơ quan thành phố đã hỗ trợ xây dựng khu vui chơi cho trẻ em ở các thôn, trong đó, khu vui chơi ở hai thôn Hòa Phát (xã Hòa Phú) và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) vừa hoàn thành nhằm chào mừng Đại hội Hội LHTN thành phố. Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Đoàn khối Các cơ quan thành phố năm nào cũng phối hợp xây dựng đường điện chiếu sáng trên địa bàn huyện tầm 1 đến 1,5km với kinh phí từ 400 đến 500 triệu đồng.
Chi đoàn các thôn vận động dân góp tiền đổ trụ bê-tông thay trụ gỗ để chống giật điện ở các kiệt hẻm, nhất là ở các thôn xây dựng Thôn NTM kiểu mẫu...
Năm 2018, Huyện Đoàn phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Mobifone tổ chức bán SIM gây quỹ xây mới một ngôi nhà trị giá 60 triệu đồng cho anh Nguyễn Hồng Chương, nguyên Bí thư Chi Đoàn thôn Bồ Bản 1, xã Hòa Phong, nay là dân quân thường trực xã Hòa Phong.
Từ hiệu quả của “cầu nối” nói trên, trong thời gian tới, Huyện Đoàn đưa ra phương án khả thi để đẩy mạnh công tác xây dựng NTM theo tiêu chí của giai đoạn 2020 – 2025.
Trong đó, một trong những hoạt động hàng đầu là phối hợp với các đơn vị có nguồn lực dồi dào tổ chức các chương trình gây quỹ, nhằm xây dựng những công trình, phần việc thanh niên ứng với xây dựng NTM tại địa phương.
Ví như việc Huyện Đoàn phối hợp với Trung tâm Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai Đà Nẵng tặng quà học sinh xã Hòa Bắc trong “Chiến dịch Hoa Phượng Đỏ” năm 2019.
Trong 11 xã trên toàn huyện có một số xã có thanh niên hoạt động sôi nổi trong xây dựng NTM. Đoàn Xã Hòa Nhơn kêu gọi đoàn viên thanh niên bảo vệ môi trường, xử lý “điểm nóng” môi trường; trồng cây ở các tuyến đường hoa kiểu mẫu.
Đoàn Xã Hòa Tiến xây dựng các tuyến đường nông thôn, nhất là những nơi có di tích lịch sử, văn hóa; dựng các pa-nô tuyên truyền về xây dựng NTM… Xây dựng NTM giai đoạn 2020 – 2025 đòi hỏi nhiều tiêu chí cao hơn, vì thế đoàn viên thanh niên trước hết phải “làm mới” mình mới có thể góp phần xây dựng quê nhà giàu đẹp.
VĂN THÀNH LÊ