Lạm bàn chuyện bia, rượu

Đêm giao thừa dương lịch, đứa bạn thân định cư ở Mỹ nhắn tin “Nhớ nhà quá mi!”. Tôi hỏi nó nhớ nhất điều gì về cái thành phố ồn ã này, nó nhắn: “Ta nhớ nhất tiếng 1… 2... 3… zô! zô! zô”. Vừa buồn cười bởi nỗi nhớ kỳ quặc của nó, vừa chột dạ với ý nghĩ điều nhớ nhất trong ký ức người ta bao giờ cũng là điều ấn tượng nhất – hoặc lặp lại nhiều nhất, hoặc độc đáo riêng có! Tôi bâng quơ: “Ừ, bây chừ ngoài phố đang ầm ào cái mi nhớ nhất đó, và chồng ta tối ni chắc tắt thở với mấy ca trực cấp cứu nè”. Nó cười hì hì, nghe chừng nỗi nhớ nhà đã nguôi hơn.

Có lẽ, tiếng hô vang hào hứng trong những cuộc tiệc tùng với men rượu và hơi bia ấy không chỉ xuất hiện ở thành phố này. Nó là tiếng hô quen thuộc của đám đông “những người bạn chiến hữu” tụ tập trong các nhà hàng, quán nhậu mọc lên ngày một đông. Ở tuyến đường ven biển, đường dành cho khách du lịch, đường mặt tiền có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố... từ giờ tan tầm vào lúc xế chiều đến tận đêm khuya, âm thanh “zô! zô! zô!’ vẫn đều đặn vang lên, không kể nắng hay mưa, đầu tuần hay cuối tuần!

Không thể phủ nhận, thiếu bia rượu, cuộc vui sẽ mất đi cái thú riêng có. Hương thơm nồng của ly rượu sóng sánh hay vị đắng đặc trưng trên những vại bia tươi hấp dẫn đã góp phần tạo nên không khí sôi nổi của những buổi gặp mặt, đoàn tụ của bạn bè, người thân và gia đình. Ngày đầu xuân nâng ly rượu, thấy đất trời tươi đẹp và lòng người rạng ngời. Đám cưới nâng ly rượu chúc mừng, đám tang uống cạn ly chia buồn cùng gia quyến…

Uống rượu là nét văn hóa truyền thống của người Việt, là một tập quán trong giao tiếp xã hội từ xa xưa “phi tửu bất thành lễ”. Trong cuộc sống tất bật ngày nay, người ta nhờ men rượu bia để ngồi lại cạnh nhau, chia sẻ và lắng nghe.

Có người từ chỗ e dè, khép lòng trước đám đông xô bồ, bỗng nhờ có rượu mà lâng lâng, mạnh dạn tỏ bày, bộc bạch. Đúng là, rượu vào lời ra! Thời nay, người ta bàn bạc công việc thuận tình thuận ý hơn, ký kết hợp đồng kinh doanh nhanh và hiệu quả hơn ngay trên bàn nhậu, với ly rượu “đưa đường”. Để hiểu, bia rượu đã trở thành một yếu tố không thể thiếu và không thể thay thế trong đời sống tinh thần hằng ngày của nhiều người.

Thế nhưng, cứ mỗi dịp lễ, Tết, nếu phải trúng ca trực qua đêm, chồng tôi – bác sĩ trong một bệnh viện lớn của thành phố, đều trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi vô cùng. Đó là đêm “chiến đấu” với những ca chấn thương nặng, mà đa phần nạn nhân đều là “đệ tử Lưu Linh”, độ tuổi từ 20 đến 30.

Trong tình trạng quá chén, không kiểm soát được nhận thức và hành vi, họ đã tự biến mình thành nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, hoặc là nạn nhân hay thủ phạm của những vụ đâm chém, xô xát, ẩu đả trên bàn nhậu. Cho đến khi nhập viện, bác sĩ vẫn không thể tiến hành gây mê vì họ còn say khướt! Họ đánh đổi sự sống chỉ bằng việc cố thêm một, hai rồi ba ly!

Là sinh mệnh của chính mình, là cuộc đời của con mình, là hạnh phúc của vợ và người thân mình, phút chốc đánh đổi chỉ bởi đôi phút ham vui hay lòng tự ái bị “động chạm” trên bàn nhậu, bởi lý lẽ bao biện “nam vô tửu như kỳ vô phong”, bởi lệ “vào ba ra bảy”!

Bao nhiêu người mẹ đứng ngồi không yên khi đứa con đi quá mười hai giờ đêm vẫn chưa thấy về, bao nhiêu người vợ ôm con chờ mà ruột gan như lửa đốt bởi khuya rồi mà chồng vẫn bặt vô âm tín. Đến khi về nhà, khật khưỡng nằm luôn ngoài ngõ, hoặc chì chiết đay nghiến, thậm chí đánh đập vợ con. Đó là chưa kể, họ không bao giờ còn được trở về nhà nữa!
Những pa-nô tuyên truyền với co chữ thật lớn, treo ở những vị trí dễ nhìn nhất ở ngã tư đường “Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông”, “Tính mạng là trên hết”, “Phía trước tay lái là sự sống”… dường như bị bỏ quên trong mắt của nhiều người. Đến hôm nay, sau ngày 1-1-2020, khi quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được thực thi, “đệ tử Lưu Linh” chỉ còn cách đối phó duy nhất là xác định tâm thế: Đã uống rượu bia là không lái xe!

Nhưng thiết nghĩ, những điều luật ấy chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó thấm sâu vào nhận thức, suy nghĩ và hành động của con người. Cái gốc của luật là đạo đức! Chỉ khi nào, bản thân mỗi người Việt ý thức được việc dừng lại đúng lúc trước sự mời gọi của hương thơm men bia rượu, tạo thói quen uống có văn hóa, có trách nhiệm, có ý thức, việc uống rượu trong những cuộc giao tiếp mới lại trở về với vẻ đẹp văn hóa vốn có của nó. Bởi, văn hóa không bao giờ chấp nhận những gì thái quá!

Trần Thị Hồng Vân

;
;
.
.
.
.
.