Trước tình hình giá điện liên tục tăng cao, để tiết kiệm, nhiều cơ sở kinh doanh, hộ gia đình chọn giải pháp lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) áp mái. Liệu đây có phải là giải pháp tối ưu giúp tiết kiệm điện cũng như là một kênh đầu tư hiệu quả?
Quy trình thu cũng như sử dụng điện năng lượng mặt trời. (Ảnh do Công ty Sunrise Dana cung cấp) |
Hệ thống ĐNLMT nối lưới (hay còn gọi là ĐNLMT hòa lưới) là một trong những giải pháp được khách hàng/doanh nghiệp lựa chọn. Hệ thống này nhằm tiết kiệm điện năng với ưu điểm nổi bật là tối ưu lợi ích kinh tế và giúp góp phần giảm thải khí CO2 ra môi trường. Ở miền Trung (cụ thể là Đà Nẵng), với cường độ bức xạ mặt trời trung bình cao, hệ thống ĐNLMT đạt hiệu suất tối ưu. Đây là giải pháp tiết kiệm điện năng bằng cách giảm sử dụng năng lượng trên lưới điện. Diện tích lắp pin mặt trời càng lớn càng tạo ra nhiều điện năng để sử dụng và hòa vào lưới điện. Theo cơ chế, điện mặt trời dư sẽ được tự động đẩy lên mạng lưới điện để bán lại cho Nhà nước. Như vậy, bất kể lúc nào người dân không sử dụng, điện sẽ được đẩy lên và công tơ 2 chiều hiện nay cũng đã được lắp đặt miễn phí. Do đó, nếu tính ra, lắp công suất càng lớn thì càng có lợi.
Giá bán điện Nhà nước. |
Hiện nay có hàng trăm nhà cung cấp và rất nhiều thiết bị lắp đặt ĐNLMT với giá cả cạnh tranh. Theo một số chuyên gia trong ngành, để tiết kiệm khi lắp đặt điện mặt trời, chủ đầu tư không nên lắp công suất lớn quá nhu cầu sử dụng, đầu tư tốn kém mà không hiệu quả. Điện dư ra chỉ có thể bán cho điện lưới quốc gia, nếu hòa lưới trước ngày 30-6-2019, công ty điện lực mua với giá 2.086 đồng/kWh, còn sau thời điểm đó thì vẫn cho hòa lưới và ghi nhận chữ số điện nhưng chưa được thanh toán (Chính phủ đang cân đối giá điện NLMT), nhưng có thể sau này giá mua sẽ giảm.
Bên cạnh vấn đề tài chính, vấn đề thứ hai khiến người tiêu dùng băn khoăn là liệu NLMT có thực sự là nguồn năng lượng sạch, điện mặt trời có gây ô nhiễm môi trường? Là kỹ sư điện, có sự tìm hiểu nhất định về NLMT, anh Ngô Đình Tấn, Công ty TNHH Trung Mang chuyên cung cấp thiết bị thu NLMT cho biết, thực tế, nguồn năng lượng nào cũng có hai mặt. Dù vậy, trong tất cả các nguồn năng lượng sản xuất điện hiện nay, điện mặt trời là nguồn năng lượng “sạch” nhất, cho khả năng ứng dụng và hiệu quả phát điện lớn nhất trong các nguồn năng lượng mới và tái tạo. Nhưng dù là nguồn điện nào thì đi cùng với lợi thế cũng có những tồn tại cần được xử lý để hạn chế tới mức thấp nhất có thể. Những tấm pin điện mặt trời gần giống như các thiết bị điện tử, nếu xử lý không tốt sẽ gây các vấn đề về môi trường, nhưng trong quá trình vận hành thì sự tác động đến môi trường rất ít. Hiện nay, thế giới có đủ công nghệ để xử lý các loại vật liệu thải, trong đó đặc biệt là các linh kiện, phần tử từ thiết bị điện tử, trong đó có pin điện mặt trời.
KHÁCH HÀNG Chị Đoàn Thị Kim Bình (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ): Gia đình tôi lắp đặt hệ thống ĐNLMT từ tháng 8-2019. Trước khi lắp đặt, gia đình 6 người, sử dụng 3 máy điều hòa, 3 ti-vi, 3 máy nóng lạnh, mỗi tháng, nhà tôi trả trung bình 2 triệu đồng tiền điện. Anh Võ Văn Quang (đường Bùi Thiện Ngộ, quận Cẩm Lệ): Gia đình tôi mới lắp đặt hệ thống ĐNLMT được vài tháng. Tôi nhận thấy rất hiệu quả. Tôi mắc 5kW trên khoảng 30m2 với giá 18 triệu đồng/kWh. Với những ngày trời không nắng gắt, tôi thấy hệ thống đẩy lên đồng hồ 25kWh. Như vậy, trung bình mỗi tháng sẽ dư ra 600kWh. Số dư ra như vậy là rất tiết kiệm. Gia đình tôi sử dụng điều hòa, máy nóng lạnh, bếp từ… nhưng tiết kiệm một nửa tiền điện so với trước. Thông tin về lượng điện sản xuất trong ngày, tháng và tổng lượng điện sản xuất của hệ thống đều được cập nhật, báo cáo mỗi ngày và tôi có thể kiểm soát lượng điện tiêu thụ. Đến tháng, sau khi khấu trừ điện tiêu thụ và được thanh toán tiền ngay trên phần mềm điện thoại. Anh Trần Hòa Huy (chủ khu căn hộ Ming Home, đường Trần Phú, quận Hải Châu): Khu căn hộ của tôi có 21 căn. Trung bình mỗi tháng tôi trả 20-25 triệu đồng tiền điện. Vừa rồi, tôi lắp đặt 35 kWp ĐNLMT. Số tiền điện tôi phải trả đã giảm đi đến 50%. Dù chi phí lắp đặt khá lớn nhưng theo tôi tính toán thì chỉ 3-4 năm sẽ hoàn vốn. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của thiết bị cao (nhà cung cấp cam kết bảo hành 25-30 năm hiệu suất trên 80%), tính ra vẫn rất có lợi. |
NHÀ CUNG CẤP Công ty TNHH Trung Mang (17 Bãi Sậy, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) Ông Ngô Đình Tấn (đại diện công ty): Mô hình ĐNLMT áp mái mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội: Nhà nước giảm tiền đầu tư nhà máy điện, trạm biến áp, đường dây; các công ty điện lực giảm quá tải và sự cố điện. Ngoài ra, hộ tiêu thụ điện giảm chi phí tiền điện, được bán điện cho công ty điện lực với giá cao hơn giá mua điện bậc 1-2-3... Tuy nhiên, để mô hình này phát triển nhanh, bền vững, Chính phủ cần xem xét cơ chế hỗ trợ về vốn vay ưu đãi và xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả cho khách hàng, cũng như hệ thống lưới điện. Bởi hiện tại, dù giá chi phí lắp đặt giảm nhiều so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao, trung bình 1 kWp dao động 16-18 triệu đồng (hộ gia đình thường phải lắp từ 3-5 kWp mới đáp ứng được số kW điện sử dụng khi có nắng). Công ty TNHH Năng lượng mặt trời Sunrise Dana (3 Phần Lăng 17, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) Ông Nguyễn Thanh Ân (Chủ tịch Hội đồng thành viên): Sử dụng hệ thống ĐNLMT đã được chứng thực hiệu quả nhưng thực tế vẫn có không ít hộ gia đình chưa cảm nhận được sự hiệu quả này. Hộ gia đình hiện tại đang bị áp giá điện theo bậc (từ 1 đến 6). Với các hộ đi làm cả ngày, chỉ có nhu cầu sử dụng điện vào ban đêm, tiền điện trung bình hằng tháng dưới 1 triệu đồng thì theo tôi cũng không nên lắp đặt hệ thống ĐNLMT. Bởi vì nó cũng không giúp giải quyết được bài toán kinh tế. Điện năng ban ngày sử dụng không hết sẽ được bán lại cho ngành điện, trong khi giá thu mua của ngành điện thấp hơn giá bán ra. Các khu căn hộ cho thuê, khách sạn, trường học… nếu lắp đặt hệ thống này sẽ cảm nhận rõ rệt về giá trị kinh tế. |
Đại diện Phòng Kinh doanh - Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết: Đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 973 khách hàng/chủ đầu tư thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN), với tổng công suất điện mặt trời là 6.716kWp. Tổng lượng điện năng phát ra lưới từ các dự án ĐMTMN đạt 1.464.586kWh. - Các lợi ích khi lắp đặt ĐMT trên mái nhà: + Đây là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không gây ô nhiễm môi trường, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch. + Khách hàng tiết kiệm chi phí tiền điện nhờ giảm mua điện lưới quốc gia, có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện với giá quy định của Chính phủ. + Điều kiện tự nhiên ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên có bức xạ mặt trời và số giờ nắng trung bình khá cao, rất có tiềm năng phát triển ĐMTMN. + Hệ thống ĐMT góp phần chống nắng hiệu quả cho nhà được lắp đặt. + Đối với ngành điện, ĐMT góp phần giảm tải cho các công trình cấp điện trong giờ cao điểm, làm giảm áp lực đầu tư nguồn và các công trình điện. |
QUỲNH TRANG