Tính đến cuối năm 2019, Đà Nẵng tiết kiệm được gần 91 triệu kWh điện, bằng 3,01% tỷ lệ điện thương phẩm của năm.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng luôn chú trọng công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. (Ảnh: PC Đà Nẵng cung cấp) |
1. Công tác tiết kiệm điện đã được Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) triển khai trong nhiều năm qua, với nhiều nội dung thiết thực như: đưa vào sử dụng hệ thống tra cứu chỉ số điện hằng ngày, tự động cảnh báo sản lượng điện tiêu thụ… Việc thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 của thành phố cũng đã được Chính phủ phê duyệt.
Trên cơ sở phát triển hệ thống đo đếm từ xa, PC Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai hệ thống cảnh báo sản lượng tiêu thụ nhằm cung cấp cho khách hàng một công cụ để tự theo dõi, kiểm tra hằng ngày chỉ số điện, giúp khách hàng chủ động điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời kịp thời phát hiện sản lượng điện tăng bất thường do rò rỉ, thất thoát.
Hệ thống có các chức năng chính như: cập nhật chỉ số công tơ điện 4 lần/ngày, hiển thị sản lượng điện đã tiêu thụ trong kỳ, tạm tính hóa đơn tiền điện, có biểu đồ so sánh sản lượng điện tiêu thụ, số ngày sử dụng điện so với 2 tháng trước đó và cùng kỳ năm trước, tự động cảnh báo sản lượng điện vượt quá ngưỡng… Sau khi đưa vào vận hành, số lượt truy cập hệ thống để tra cứu thông tin tăng nhanh, nhất là trong giai đoạn nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cao. Thời điểm tháng 5-2019, cao điểm nắng nóng, có 21.054 lượt truy cập.
Sổ tay “Sử dụng điện an toàn và tiết kiệm” cũng được công ty in ấn và phát đến từng hộ dân. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với Sở Công thương, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình địa phương thực hiện các phóng sự, video clip tuyên truyền tiết kiệm điện đến từng nhóm đối tượng khách hàng và các hoạt động tiết kiệm điện khác do Bộ Công thương, EVN phát động; tuyên truyền đến cộng đồng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành, UBND thành phố Đà Nẵng; tuyên truyền vận động khách hàng hưởng ứng chương trình điều chỉnh phụ tải điện; vận động người dân hưởng ứng tham gia lắp đặt điện mặt trời. Năm 2019, điện cấp cho thành phần công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 34,68%; thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng chiếm 21,63%; quản lý và tiêu dùng dân cư chiếm 37,66% và hành chính sự nghiệp chiếm 5,85%.
Tuần lễ tuyên truyền hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2019, PC Đà Nẵng đã triển khai treo 180 phướn tiết kiệm điện và phướn Giờ Trái đất 2019 trên các tuyến đường chính, tại trụ sở cơ quan ngành điện trên địa bàn thành phố; tuyên truyền trên các trang web, Facebook, thư điện tử (email), tin nhắn (sms)...
Với những khách hàng sản xuất kinh doanh có mức tiêu thụ điện lớn trung bình từ 30.000 kWh/tháng trở lên, công ty tư vấn chuyển sử dụng điện giờ cao điểm (từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30, từ 17 giờ đến 20 giờ) sang giờ thấp điểm (từ 22 giờ đến 4 giờ) để giảm tiền điện hằng tháng của khách hàng.
Hướng đến đối tượng là các học sinh - những tuyên truyền viên tích cực mang kiến thức tiết kiệm điện đến bạn bè và những người thân trong gia đình, những năm qua, PC Đà Nẵng tích cực triển khai chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện trong trường học với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
2. Từ tháng 4 đến hết tháng 9-2019, PC Đà Nẵng vận động cán bộ, công nhân viên tích cực thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan, đơn vị thuộc PC Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Điện lực Liên Chiểu chia sẻ: “Điện lực Liên Chiểu đã lập kế hoạch và triển khai quán triệt đến tất cả cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm túc. Kết quả năm 2019 tiết kiệm được 12.888kWh tương đương 11,54% tổng sản lượng tiêu thụ năm 2018”.
Ông Huỳnh Thanh Thuần, Phó Giám đốc Nhà máy thuộc Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát Đà Nẵng, một trong những khách hàng thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả, cho biết: “Năm 2019, trung bình mỗi tháng công ty tiết kiệm được khoảng 70 triệu đồng tiền điện (chưa tính thuế - PV) so với thời điểm chưa thực hiện việc tiết kiệm điện”.
Theo đó, căn cứ quy định giá điện, công ty linh hoạt bố trí các hoạt động sản xuất để chuyển tỷ lệ sử dụng điện năng từ khung giờ cao điểm sang khung giờ thấp điểm, như giờ ăn ca của công nhân, tắt tất cả thiết bị điện vào giờ nghỉ (đối với các dây chuyền không sản xuất liên tục), bảo dưỡng, bảo trì các thiết bị máy móc, tổ chức sản xuất những sản phẩm ít tiêu thụ điện năng vào khung giờ cao điểm từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 17 giờ đến 20 giờ; những sản phẩm tiêu thụ điện năng lớn bố trí sản xuất vào khung giờ thấp điểm từ 22 giờ đến 4 giờ hằng ngày; đồng thời tiến hành cải tiến kỹ thuật bằng việc thay thế một số thiết bị ít tiêu thụ điện năng.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát Đà Nẵng còn xây dựng định mức đơn giá điện trung bình cho 1kWh để biết được mỗi ngày tiết kiệm được bao nhiêu tiền điện. Hằng ngày, Phòng Kỹ thuật truy cập dữ liệu từ trang web thu thập và quản lý dữ liệu công tơ của PC Đà Nẵng, báo cáo kết quả tiết kiệm điện so sánh với đơn giá điện trung bình/1kWh đã được định mức và báo cáo biểu đồ phụ tải của từng trạm biến áp cho các bộ phận liên quan. Nếu tiền điện của phân xưởng không tiết kiệm được theo đơn giá quy định thì các quản đốc phân xưởng phải giải trình nguyên nhân.
Là một khách hàng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiết kiệm điện, ông Phạm Văn Chánh (ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Gia đình tôi có những giải pháp tiết kiệm điện như: bật bình nước nóng lạnh 15 phút trước khi tắm, nước nóng thì tắt thiết bị; tắt tất cả những thiết bị điện không cần thiết…”. Không chỉ tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong gia đình, ông Chánh còn vận động những gia đình bên cạnh cùng thực hiện việc này.
Ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho hay, trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội Đà Nẵng phát triển, tập trung vào ngành công nghiệp và du lịch dịch vụ. Trong đó, khu vực quận Sơn Trà tăng gần 20%/năm về nhu cầu điện và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian đến. Khu vực trung tâm thành phố, các khu công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung… cũng có tốc độ phát triển nhanh, kéo theo nhu cầu về điện ngày càng cao. “Bên cạnh nỗ lực bảo đảm cung ứng điện của ngành điện thành phố, tình trạng sử dụng điện chưa tiết kiệm hiện nay của các hộ gia đình, doanh nghiệp dễ dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng, làm tăng áp lực nguồn cung ứng điện. Tiết kiệm điện không chỉ tiết giảm chi phí tiền điện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình mà còn giảm áp lực đầu tư phát triển nguồn điện, tạo điều kiện cho ngành điện đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng cung ứng điện”, ông An nhấn mạnh.
Trong quá trình triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, PC Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn như: nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tiết kiệm điện chưa cao, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm điện. Doanh nghiệp không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm điện. Mặt khác, do các khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp dừng triển khai dự án tiết kiệm điện, đặc biệt là các ngành tiêu thụ nhiều điện như ngành thép. Chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng điện còn gặp hạn chế. Nhiều doanh nghiệp còn chưa thực sự thực hiện yêu cầu của luật, chưa xây dựng mô hình quản lý năng lượng cũng như kế hoạch hằng năm và 5 năm về tiêu thụ năng lượng tại doanh nghiệp.
Sản lượng tiêu thụ điện trên địa bàn thành phố tăng trưởng khá nhanh. Năm 2014, sản lượng tiêu thụ điện toàn thành phố đạt mốc 2 tỷ kWh. Sau 5 năm, vào năm 2019, sản lượng tiêu thụ điện toàn thành phố đã đạt mốc 3 tỷ kWh vào cuối tháng 12. Bên cạnh đó, năm 2019, thành phố trải qua nhiều đợt nắng nóng kéo dài, công suất cực đại toàn hệ thống đạt hơn 550 MW, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng điện ngày cực đại gần 11 triệu kWh. |
Mai Hiền