Khu tập thể (KTT) là một cụm từ quen thuộc đối với những gia đình cán bộ, công chức thời bao cấp sau năm 1975, mà bây giờ người ta đã thay thế bằng từ “chung cư” hay “cư xá”. Rất ít ai còn dùng từ KTT, bởi các tính chất “tập thể” đã mai một đi khá nhiều khi bước vào thời buổi kinh tế thị trường. Trong các chung cư hiện nay, tuy vẫn có sự giao tiếp, giao lưu vào dịp lễ, Tết nhưng chắc chắn rằng, ở KTT của những năm 80-90 của thế kỷ 20 vẫn có không khí “đậm nét” hơn so với bây giờ.
(Ảnh tư liệu) |
Còn nhớ, những cái Tết ngày ấy cũng gắn liền với giai đoạn đất nước bị cấm vận kinh tế, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây-Nam, khó khăn nối tiếp khó khăn. Sống trong một KTT, sự gần gũi, thân tình trước hết xuất phát từ việc các cư dân là những người ở cùng một cơ quan và còn bởi dường như lúc khó khăn, thiếu thốn thì tình người dành cho nhau cũng đậm đà, chân tình hơn.
Ngày đó, KTT nhỏ bé, chật chội nhưng niềm vui trong những ngày Tết lại được nhân gấp bội. Vui nhất là cảnh các hộ cùng gói chung một nồi bánh chưng, bánh tét. Không nhiều thì ít, mọi người san sẻ để nhà nào cũng có chiếc bánh cúng tổ tiên. Tết với đám trẻ con như một ngày hội lớn. Tụi trẻ như chúng tôi quây quần bên cái bếp “dã chiến” đặt ngoài hành lang trên gác hay trước hiên nhà, khói lửa tưng bừng thâu đêm suốt sáng mà chẳng thấy buồn ngủ gì cả. Vui nhất là khi những chiếc bánh chưng nghi ngút tỏa hương được từ từ nhấc ra khỏi nồi nước vẫn ùng ục sôi. Chiếc bánh chưng hình thành từ cái nồi tập thể không đơn giản chỉ là một món ăn mà trong đó chất chứa cả tình người nồng ấm với bao mồ hôi và công sức lao động của một năm tích tụ.
Cảm giác một năm cũ với bao lo toan, vất vả đã qua đi với mùi bánh thơm lừng và mùa xuân đang đến rất gần trong màu lá dong, lá chuối mướt mắt thật đặc biệt.
Những cái Tết khi đó còn thiếu thốn nhiều. Tết đến, trong nhà có được tờ lịch một trang, có hình ảnh, màu sắc sặc sỡ cùng với chai rượu Thanh Mai là “chất lượng” lắm rồi. Con trẻ thì được lì xì vừa phải, đôi khi chỉ mang tính tượng trưng. Vì sự gần gũi, gắn kết mà mỗi nhà về cơ bản ăn Tết giống nhau. Nhà nào cũng phải có đĩa bánh kẹo tiếp khách mới không ngại với bạn bè nhưng cũng sẵn sàng san sẻ, hỗ trợ nhau theo đúng nghĩa “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Những ngày giáp Tết, không khí xuân tươi vui ùa vào từng căn hộ nhỏ và lan khắp khu tập thể. Cái Tết của KTT nghèo tất bật, háo hức, rộn ràng đến lạ! Mọi người thông tin cho nhau biết hoa bán ở đâu rẻ, đẹp; nếp ở đâu thơm, dẻo,… Quanh năm lo toan, vất vả với công việc và mưu sinh nhưng cũng chính vì vậy mà những ngày cận Tết ở KTT người ta cảm nhận rất rõ màu sắc và hương vị no ấm đủ đầy tràn ngập khắp nơi.
Không khí xuân giờ đây đã đổi thay quá nhiều. Với “những người muôn năm cũ” thì mỗi khi trở về chốn xưa, bao kỷ niệm của một thời thanh bần mà ấm cúng lại xốn xang thương nhớ. Đó là những cái Tết có giá trị đối với thế hệ chúng tôi. Dù vật chất không thể so sánh với bây giờ nhưng Tết luôn đầm ấm và chân tình.
Tết này, KTT nơi tôi từng có những năm tháng đầy kỷ niệm đã “cũ kỹ” đi rất nhiều. Những người sống cùng thời với ba má tôi tại KTT mà khi ấy chúng tôi gọi bằng ông bà, cô chú đã lần lượt về cõi vĩnh hằng. Người cũ ở lại cũng chẳng còn bao, đa số đã có nhà cửa hoặc căn hộ tiện nghi.
Quay về “chốn xưa” chợt bâng khuâng nhớ những ngày tháng cũ. Những kỷ niệm thân thương ấy sẽ đi theo mình suốt cuộc đời, như những “minh chứng lịch sử” của một thời mà nếu không trải qua sẽ không thấy được giá trị của những ngày đang sống hôm nay.
DÂN HÙNG