Tháng Chạp mến thương

.

Tháng Chạp, những cơn mưa phùn kèm theo gió bấc phủ lên những mái phố, ngọn cây. Cả thành phố chìm trong sương mù suốt từ mờ sáng tới tận trưa. Cả ngày không có ánh mặt trời. Đấy là lúc mà tôi thường nhớ nhà nhất.

Ảnh: HOÀNG NHUNG
Ảnh: HOÀNG NHUNG

Chúng tôi vừa đi ra ngoại ô. Những cánh đồng đã gặt từ lâu, một vài thửa ruộng đất đã tỏa hương thơm từ những luống cày. Cày, rồi bừa, gieo mạ, vừa vặn ăn Tết xong thì đưa nước vào đồng bắt đầu một vụ cấy mới. Nhưng những ngày tháng Chạp này ruộng đồng được nghỉ ngơi. Người người còn đang bận bón thúc nốt vài gốc cây ăn quả, chăm sóc đàn gà, con lợn, để rồi cấp tập bán lấy tiền tiêu Tết. Bạn tôi nhìn cánh đồng chìm trong mưa phùn, một vài ngọn khói nhỏ chậm chạp quẩn quanh, những gốc rạ xơ xác, ít bóng người lúi húi phía xa, nói khẽ: Cái quang cảnh này, ai mà sống ở đây, thì khi xa nhà sẽ nhớ lắm. Nhớ đến cồn cào ruột gan ấy chứ.

Tôi nhớ mẹ ngay cả khi đang ở bên cạnh mẹ. Tôi nhớ những tình cảm mến thương của nhân gian ngay cả khi tôi đang ấm áp tuyệt đối ở trong nó. Nỗi nhớ vì thế, phải chăng bao hàm cả cảm giác mất mát. Sợ là ngày hôm nay sẽ trôi đi mất, những điều đẹp đẽ rốt cuộc cũng biến mất như nó đã từng, và hồi sinh thì khó biết bao.

Những ngày đông giá, anh em chúng tôi ngồi co ro bên bếp để nướng sắn. Sắn mới nhổ ở ngoài vườn về, bóc ra, rửa sạch, hong khô, rồi gói vào giấy, vùi trong tro nóng, phủ những viên than đỏ rực lên trên. Khi chín, bóc lớp giấy bên ngoài ra, vừa vặn đủ để củ sắn trắng bóc lúc trước đã vàng ruộm, nứt ra, thơm nức. Chúng tôi xuýt xoa ăn sắn, vừa ăn vừa nhìn nhau xuyên qua những ngọn lửa bập bùng, cấu chí, trêu chọc, cãi cọ, hờn dỗi, ăn vạ… Mẹ đi từ ngoài vào. Đầu đội một chiếc nón cũ, chân đi đôi dép chi chít những vết hàn, nách cắp cái rổ, bên trong đựng mấy củ su hào còn nguyên cả lá, ướt sũng. Mẹ khẽ càu nhàu: Chơi cũng cãi nhau, ăn cũng trêu nhau. Điếc cả tai. Thằng M. đi vo gạo đi. T. gọt su hào cho mẹ. S. ra lấy thêm củi vào. Mưa thế này củi ướt hết rồi, dựng vào góc kia cho nó khô chiều có cái mà đun.

Chúng tôi ăn nốt miếng sắn rồi đứa nào vào việc nấy.

Giờ thì mẹ đã già, đi lại kém, không nhấc được chân cao nên có khi vấp phải một cái gờ vài centimet cũng ngã nhoài, đi viện, bó bột chỉ trong có chớp mắt. Rốt cuộc thì tôi nhận ra, tôi nhớ mẹ của những năm xưa. Khi mẹ còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hay quát tháo vì lũ chúng tôi ham chơi trong khi mẹ đầu tắt mặt tối không hết việc. Nhớ, và ước gì mẹ còn đủ khỏe để mắng mỏ khiến chúng tôi sợ hết hồn.
Ai rồi cũng phải già đi. Nhưng già đi không có gì đáng sợ, mà đáng sợ ở chỗ cùng với sự già đi ấy, người ta bị cùn mòn, rơi vãi, hao khuyết những mến thương từng có được trong cõi nhân gian này.

Đôi khi vấp phải những nỗi buồn quá đáng, quá mức, quá sức, tôi lại nghĩ, là mình đang còn những chấp niệm trong lòng. Buông bỏ đi, gánh sống sẽ nhẹ nhõm biết bao. Chấp niệm như cái gai, giữ nó ở lại thì tự nhiên sẽ bị cào cấu trầy xước. Hãy đi ra khỏi nó, ngồi đâu đó trên cao, ngoài xa, lặng yên nhắm mắt, chờ đợi những tia mặt trời đầu tiên xuyên qua một trăm bốn chín triệu sáu trăm nghìn kilomet chạm tới.
Tôi hay đi về nhà. Cũng thường nói, núi rừng ở đâu nhà tôi ở đấy. Lang thang trên bao nhiêu cung đường mịt mù, bỏ tất cả lại sau lưng. Cả hôm nay, cả ngày mai. Đi mà chưa biết đến khi nào mới trở lại phố phường. Phút chốc những ồn ã chật hẹp ngột ngạt biến mất. Phút chốc những cáu kỉnh bức bối biến mất. Phút chốc cả những âu lo cũng biến mất. Núi rừng luôn độ lượng, nhân ái, tha thứ. Núi rừng đủ sức dung chứa mọi ưu tư trĩu nặng.

Mùa này rừng đầy sương, rét, gió, ẩm ướt, buốt tận xương.

Thực sự là buốt tận xương. Cái rét ở rừng mỏng như những lưỡi dao, sắc lẻm, lách qua áo quần da thịt, xiên vào tận xương. Ngồi yên càng rét. Má chúng tôi lúc nào cũng đỏ hồng vì hơ lửa, rồi ít ngày sẽ nứt toác, cười cũng đau, rửa mặt cũng đau. Nhưng trong lòng trẻ thơ thì chẳng bận bịu gì. Cũng chẳng biết là vì sao mẹ ngồi bóc mấy củ sắn ở ngoài hiên mà chốc chốc lại nhìn ra khu vườn với những tán cây đang rũ xuống vì nước đọng. Chưa bán được một cân cam nào. Tết đến nơi rồi mà đám lái buôn y như ngủ quên, chẳng ho he gì. Không bán được thì không có gì tiêu Tết, không có gì mua phân gio, thuốc trừ sâu. Không bán được thì cũng phải cắt xuống hết trước Tết. Có nhà phải đào hầm hàm ếch vào trong vách núi lấy chỗ cất cam, ra Giêng bán. Phải cắt xuống vì nếu để trên cành, cây sẽ dồn hết dinh dưỡng để nuôi quả mà không thể nào bật ra được lộc non, nụ mới. Cây giống như bà mẹ, có bầu đứa thứ hai thì phải cai sữa đứa thứ nhất. Phải chọn lựa thôi.

Chúng tôi đi xuyên qua những khu rừng, những con đường mấp mô, chốc chốc đầu lại cộc bình bịch vào thành xe, trần xe. Sương mù hầu như không tan, cứ lò dò mà đi. Mỗi một khúc đường lại thấy ngày tháng cũ như một bộ phim đang chậm chạp hiện ra. Và thấy mẹ lại đang đứng ở khu vườn kia, nhổ một củ su hào, dùng dao chặt cái gốc bé bé với chùm rễ dính đầy đất, bỏ vào rổ. Những luống mùi đang trổ hoa li ti trăng trắng, chỉ lướt qua là thơm ngát lại phảng phất tỏa ra.

Hôm nay, giữa cái tiết trời tháng Chạp rét buốt này, tự nhiên lại muốn rời đi. Tự nhiên lại muốn được đứng trên một ngọn núi, lặng lẽ nắm tay nhau và nhìn mặt trời lên. Tự nhiên lại muốn được ăn một bữa cơm bên căn bếp đỏ lửa, mùi cơm thơm thật thơm và lòng dạ thì thật ấm áp. Tự nhiên lại muốn được ngồi trên cây, im lặng đọc một cuốn sách, và nghe tiếng mẹ vừa quét sân vừa hỏi: Ơ, cái T. đâu nhỉ? Buông cuốn sách ra và nói, con đây mà.

Tháng Chạp này, thật là nhớ nhung bao nhiêu thương mến đã qua.

THANH AM

;
;
.
.
.
.
.