Blouse trắng

.

Nhiên ngồi phịch xuống ghế đá ở hành lang bệnh viện, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương trong khi trời đang rét đậm. Những cột đèn trong khuôn viên soi sáng từng gốc cây, soi sáng đường xuống nhà xác lạnh lẽo. Úp mặt vào hai lòng bàn tay, người Nhiên khẽ rung lên thổn thức. Ca cấp cứu không thành công. Cả ê-kíp bác sĩ và y tá thẫn thờ. Một chiếc cáng phủ vải màu trắng vừa được di chuyển từ phòng cấp cứu về phía nhà lạnh, chờ thân nhân đến làm thủ tục. Nhiên rùng mình, nước mắt đầm đìa khuôn mặt trái xoan. Ông bác sĩ hướng dẫn thực tập cho Nhiên đứng đằng sau cô từ lúc nào:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Em sẽ phải quen thôi! - Nói rồi, ông bỏ đi, để Nhiên ngồi một mình với những ký ức về mẹ. Cứ nhìn thấy người chết là Nhiên nghĩ đến mẹ.

Đã bao lâu rồi, Nhiên không khóc, kể từ ngày mẹ mất. Mẹ bị bạo bệnh, cái khối u ở dạ dày của mẹ cứ ngày một lớn dần, di căn vào gan, phá hủy nội tạng. Nhìn mẹ héo mòn, ăn uống khó khăn, nuốt mãi mới được tí nước cháo, Nhiên đã hoảng sợ, đã nấp trong nhà tắm, khóc đến cạn khô cả nước mắt. Mẹ bị bệnh dai dẳng hằng năm trời nhưng tỉnh táo đến tận lúc ra đi. Bàn tay gầy guộc trơ xương của mẹ nắm lấy bàn tay Nhiên, giọng thều thào giữa những cơn đau dữ dội, quặn thắt:

- Mẹ… đến lúc... rồi! Chăm học... nghe con! Cố gắng... làm... bác sĩ để... cứu người!

Vào giờ phút lâm chung ấy, mẹ vẫn đau đáu với ước mơ trở thành bác sĩ của Nhiên. Ông ngoại trước lúc ra đi cũng dặn Nhiên như mẹ trăng trối. Mẹ chìm vào hôn mê. Nhiên ngồi lặng bên giường mẹ, để mặc nước mắt tuôn rơi. Đến khi mẹ ra đi thì Nhiên nín thinh. Nhiên tự nhủ mình phải mạnh mẽ, phải can đảm, nhất định sau này Nhiên sẽ không rơi nước mắt nữa. Lúc ấy Nhiên đang học lớp 12, năm học vô cùng quan trọng, quyết định tương lai của Nhiên sau này. Nhiên đã cầu trời khấn Phật bao nhiêu đêm, chỉ để cầu mong mẹ ở lại với Nhiên đến khi Nhiên đỗ đại học. Vậy mà... trời Phật không thấu. Từ đó Nhiên chẳng cầu khấn gì nữa.

Mẹ mất rồi, Nhiên không thể ở một mình trong căn nhà trống trải. Nhiên cũng không thể đến ở với bố. Nhiên không muốn làm xáo trộn gia đình riêng của bố. Bố đã lấy người đàn bà khác từ năm ngoái. Bố đã không đáp ứng lời van xin của mẹ, chờ đến khi Nhiên học xong lớp 12 thì mới ly dị. Nhiên không muốn xen vào chuyện của người lớn nhưng Nhiên cũng lờ mờ hiểu ra một phần của những rạn nứt giữa bố và mẹ.

Mẹ bị vô sinh thứ phát nên không thể sinh thêm cho Nhiên một đứa em nào nữa. Tình cảm của bố mẹ phai nhạt, duyên vợ chồng đã hết thì một trong hai người chẳng thể nào níu kéo. Chính mẹ là người viết đơn ly hôn để giải phóng cho bố nhưng hôm ra tòa, giải quyết xong mọi chuyện thì mẹ bị một cơn đau bụng dữ dội. Mẹ âm thầm đi khám, lặng lẽ mua thuốc lá về sắc uống.

Mẹ giấu Nhiên nhưng dì Thoa đã nói cho Nhiên biết để Nhiên còn chuẩn bị tinh thần. Nhiên chết lặng cả người nhưng trong lòng càng nung nấu quyết tâm đỗ đại học y bằng được, nếu thi trượt thì Nhiên sẽ thi lại. Nhiên khao khát đến lúc được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng để chữa bệnh cho mẹ. Nhiên đâu biết rằng những tế bào ác tính đã di căn khắp người nên mẹ quyết định không hóa trị, xạ trị gì hết. Mẹ không muốn ra đi mà còn để lại một gánh nặng nợ nần cho đứa con gái bé bỏng của mẹ. Mẹ muốn giữ lại ngôi nhà cho Nhiên lưu giữ những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.

Dì Thoa không cho Nhiên sống một mình cô độc trong căn nhà đó. Dì lo Nhiên ăn uống thất thường, không đủ sức khỏe để học. Dì lo Nhiên nhớ mẹ, buồn rầu, nghĩ ngợi mà sinh bệnh. Dì đón Nhiên đến ở với gia đình dì. “Sảy mẹ bú dì” - Nhiên tự an ủi mình và chuyển sách vở, quần áo sang nhà dì. Khi Nhiên đỗ đại học y, dì lo cuống lên, tìm gặp bố Nhiên để hỏi xem bố Nhiên có hỗ trợ cùng với dì lo cho Nhiên ăn học những 6 năm ở thành phố được không. Mình dì thì kham sao nổi bởi dì cũng đang nuôi hai con ăn học. Vợ chồng dì đều làm công nhân, lấy đâu ra nhiều tiền. Dì không ngờ bố Nhiên chẳng coi đó là tin mừng, thẳng thừng từ chối: “Con gái học lắm làm gì. Dì bảo con Nhiên vào công ty mà làm, chẳng tốn kém, lại có lương ngay, lấy một tấm chồng là yên phận”. Dì quay ngoắt về, kể hết cho Nhiên biết và tuyên bố: “Có phải đi vay ngân hàng thì dì cũng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, có cái nghề mà ấm bản thân”.

Ngay lúc ấy Nhiên đã nghĩ đến chuyện chấm dứt con đường học hành. Nhiên không muốn trở thành gánh nặng đè lên vai dì. “Hay là con đi làm. Con thấy chú, dì vất vả quá”. Chính chú là người đã thuyết phục Nhiên: “Con đường học vấn còn nhiều chông gai con ạ! Đi làm ngay thì dễ chứ đi học mới khó. Con đã mất bao công sức ôn thi. Con phải nhớ đến lời dặn của ông ngoại, của mẹ con. Con đã quên rồi sao?”. Nhiên đỏ mặt xúc động. Bình thường chú rất ít nói nhưng chú đã nói câu nào là Nhiên phải suy nghĩ câu đó.

Tối ấy, vợ bố tìm đến nhà dì, ấn vào tay Nhiên một cái phong bì: “Mừng con đỗ đại học”. Nhiên vẫn ác cảm với người đàn bà chen ngang vào hạnh phúc của mẹ. Nhiên không muốn dính dáng gì đến người đàn bà ấy nhưng dì Thoa giục: “Con cầm lấy” và quay sang người đàn bà kia: “Cảm ơn chị đã có lòng”. Số tiền trong phong bì đủ để Nhiên đóng học phí kỳ thứ nhất.

Éc...éc éc...éc ...- Tiếng chim lợn kêu làm Nhiên giật mình. Từ hôm đi thực tập ở bệnh viện này, tối nào Nhiên cũng nghe tiếng chim lợn kêu, rợn cả tóc gáy. Cái Trang thực tập cùng với Nhiên cứ sợ co rúm người lại. Nó xanh mặt nỉ non: “Hu hu, biết thế này tao chẳng thi y đâu, sợ chết đi được. Cứ nhìn bệnh nhân mặt mày nhăn nhó, máu me be bét là tao muốn ngất xỉu rồi. Có khi tao bỏ, thi trường khác thôi”. Nhiên tưởng Trang nói đùa, ai ngờ Trang bỏ y thật. Hồi ấy là năm thứ hai. Trang đỗ sư phạm khoa Sinh và hớn hở khoe với Nhiên: “Tao có người yêu rồi”. Nhiên mừng cho nó còn mình vùi đầu vào học và nghiên cứu, làm gì có thời gian yêu đương. Kỳ nào Nhiên cũng giành được học bổng. Nhiên còn giúp việc cho một bác sĩ ở phòng khám tư vào những ngày nghỉ học nên cũng đỡ được cho vợ chồng dì Thoa phần nào.

Nhiên về bệnh viện huyện công tác sau khi đã học thêm hai năm chuyên khoa sản. Bệnh viện tuyến dưới đang có chế độ ưu đãi đối với sinh viên tốt nghiệp đại học y chính quy. Vừa được biên chế lại vừa được một khoản tiền lớn, giúp dì Thoa trang trải nợ nần nên Nhiên từ chối những cơ hội ở lại thành phố. Thực ra Nhiên mơ ước làm bác sĩ phẫu thuật thần kinh sọ não nhưng thầy Nhiên khuyên: “Con gái như em không kham nổi đâu! Căng thẳng và áp lực lắm. Em nên chọn nhi hoặc sản sẽ phù hợp”.

Tỷ lệ phẫu thuật chấn thương sọ não thành công là rất thấp. Điều đó trở thành nỗi ám ảnh với Nhiên nên Nhiên nghe lời thầy. Nhiên sợ phải chứng kiến sự ra đi của người bệnh. Nhiên day dứt nếu mình là bác sĩ mà lại bất lực, không cứu được bệnh nhân. Làm bác sĩ sản khoa, được đón chào những sinh linh bé bỏng, đỏ hỏn đến với thế giới này, Nhiên cảm thấy trong lòng trào lên một cảm xúc vui sướng.

- Bác sĩ Nhiên! Mau lên! Trưởng khoa đi công tác. Có một ca đẻ khó, cần bác sĩ đến khám! - Y tá Hòa gõ cửa phòng làm việc của Nhiên, gọi giật giọng. Dù hơn Nhiên 5 tuổi nhưng lúc nào y tá Hòa cũng gọi Nhiên là “bác sĩ Nhiên” dù Nhiên đã nhiều lần dặn: “Chị cứ gọi em là Nhiên thôi”. Lần này vội quá, Nhiên cũng không nói gì, đi theo chị Hòa sang phòng khám. Vừa đi chị Hòa vừa thông báo:

- Bệnh nhân bốn mươi ba tuổi, sinh con đầu lòng, thai to. Bác sĩ thăm khám xem nên cho đẻ thường hay đẻ mổ.

- Vâng! Em sẽ kiểm tra - Nhiên rảo bước thật nhanh.

Nhiên sững lại trước cửa phòng hộ sinh:

- Bố! - Nhiên định hỏi “Sao bố lại ở đây?” nhưng chợt hiểu ra sự việc. Bố đưa vợ bố đi đẻ. Phải rồi! Có lần dì Thoa đã kể với Nhiên rằng mẹ kế của con có thai rồi đấy. “Sau gần chục năm về ở một nhà thì họ cũng sắp có con chung rồi đấy. Dì tưởng bà ta điếc cơ”. Lúc nghe tin đó, Nhiên thờ ơ, cũng như bao năm nay bố thờ ơ, chẳng bận tâm xem Nhiên học hành, làm việc ra sao. Bố phó mặc tất cả cho vợ chồng dì Thoa hoặc bố nghĩ Nhiên phải tự lo cho bản thân. Nhiên đã về lại ngôi nhà mà bố để lại cho mẹ con Nhiên rồi đi theo người đàn bà kia. Sau này Nhiên biết ngôi nhà đã được định giá và mẹ phải bán hết số vàng ông ngoại cho, trả cho bố số tiền trị giá một nửa ngôi nhà thì mẹ mới được toàn quyền sở hữu. Vậy mà Nhiên cứ tưởng bố hào phóng, bố cao thượng. Hóa ra bố cũng chi ly, tính toán, sòng phẳng.

- Nhiên... con - Bố lúng túng - Con giúp bố! Dì con ở trong ấy. Đau lắm. Từ đêm qua tới giờ mà vẫn chưa sinh được. Hay là… mổ?

Nhiên nhìn bố, giọng lạnh lùng:

- Bố yên tâm! Đàn bà nào trở dạ cũng đau như thế cả - Nhiên kéo kín khẩu trang, chỉ để hở hai con mắt, bước vào phòng hộ sinh. Sản phụ nằm trên bàn, rên rỉ, van xin: “Bác sĩ ơi! Mổ cho tôi ngay đi!”. Nhiên đo vòng bụng, dự đoán thai phải nặng 3,6kg, cổ tử cung đã mở 6-7 phân. Lúc này Nhiên có thể từ chối không đỡ cho sản phụ sinh thường mà chuyển lên phòng mổ, thậm chí đề nghị ký giấy chuyển viện tuyến trên. Nhưng bằng năng lực của mình, bằng lời thề khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, Nhiên dẹp những riêng tư sang một bên, quả quyết:

- Không phải mổ, các chị chuẩn bị đi! Sản phụ vỡ ối nên sắp sinh rồi - Nhiên quay lại nói với các y tá và hộ lý - Ca này chuyển dạ lâu quá nên cần cho đẻ chỉ huy. Nhiên tiêm một mũi vào tĩnh mạch sản phụ. Một cơn co thắt tử cung làm sản phụ đau quằn quại. Nhiên trấn an:

- Cố lên! Cố lên! Sắp được rồi! - Nhiên giục giã, mồ hôi túa ra trên trán. Trong khoảnh khắc ấy, Nhiên chẳng nghĩ gì khác ngoài nỗ lực để sản phụ được mẹ tròn con vuông. Oe… oe - đứa trẻ sơ sinh cất tiếng khóc chào đời khiến cả ê-kíp vỡ òa. Tiếng y tá Hòa lảnh lót, reo vang:

- Ôi! Con trai, nặng 3,5kg nhé. Bác sĩ Nhiên khám chuẩn thế!

Sản phụ giật mình, nghển cổ lên, nhìn đứa con đỏ hỏn mỉm cười hạnh phúc, nhìn Nhiên và gật gật chào như muốn nói lời cảm ơn khi Nhiên để đứa bé da kề da với mẹ. Lòng Nhiên xôn xao. Nhiên thở phào nhẹ nhõm, một phần vì Nhiên đã hoàn thành nhiệm vụ bởi ca sinh nở diễn ra suôn sẻ, nếu có trục trặc gì thì Nhiên chẳng biết đối diện với bố ra sao. Hơn nữa, đứa bé là em của Nhiên cơ mà. Từ nay Nhiên có một đứa em rồi.

Nhiên trao thiên thần nhỏ cho bố ở ngoài phòng hộ sinh:

- Con chúc mừng bố!

Bố Nhiên mừng rỡ, chìa tay ra, cuống quýt:

- Cảm ơn con! Cảm ơn con nhiều lắm!

Nhiên đi nhanh về phòng làm việc, trong lòng quên hết những giận hờn với bố từ trước đến nay. Nhiên nghĩ đến chuyện đi mua cháo và trái cây để dì ăn cho có sữa. Người đàn bà ấy nắm tay Nhiên như để bày tỏ lòng biết ơn mà chẳng thể thốt ra lời. Còn Nhiên, Nhiên chợt nghĩ đến mẹ.

Tối ấy, Nhiên thắp ba nén nhang lên bàn thờ mẹ, đứng trước di ảnh của mẹ, thì thầm kể cho mẹ nghe những chuyện đã diễn ra trong ngày hôm nay. Mắt Nhiên mờ đi trước khói nhang bảng lảng. Hình như mẹ đang mỉm cười khi biết Nhiên có thêm một đứa em trai.

“Con gái ngoan của mẹ! Con đã làm đúng lương tâm của một người thầy thuốc. Con sẽ không phải hổ thẹn khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng”. Mẹ! Mẹ ơi! - Nhiên giật mình tỉnh giấc. Ngoài kia chỉ có tiếng gió xào xạc trên những ngọn cây.

TRẦN THÚY LÀNH

;
;
.
.
.
.
.