Dương Bi, chuyện kể từ ngàn năm

.

Tháp Dương Bi, hiện nay nằm trong khuôn viên chùa Trà Sơn, thôn Chiêm Sơn,  xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Vào các thế kỷ trước, làng Chiêm Sơn được gọi là xứ Dương Bi, tổng Mậu Hòa Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và tháp Dương Bi có các tên gọi khác nhau, như: Chim Sơn, Chiêm Sơn, Trà Kiệu, Trà Sơn.

Những viên gạch Chăm còn sót lại của di tích tháp Dương Bi. Ảnh: N.T.T
Những viên gạch Chăm còn sót lại của di tích tháp Dương Bi. Ảnh: N.T.T

Trong thời gian từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Dương Bi đã được một số nhà nghiên cứu ghi nhận trong các tài liệu khoa học. Gần đây, các nhà khảo cổ thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã khảo sát di tích Dương Bi khi tháp bị phá để lấy gạch.

Chùa Việt trong khu đền tháp Chăm

Căn cứ vào các dữ liệu có được từ điều tra khảo sát trong nhân dân, tham chiếu tài liệu mô tả của các nhà khảo cổ người Pháp từ đầu thế kỷ XX, kết hợp các tư liệu quý khác từ Nhật Bản, cùng nhiều nhà nghiên cứu khác trong nước, đặc biệt là cuộc khai quật làm lộ rõ những tồn nghi về tháp Dương Bi, đoàn khảo cổ đã thống nhất nhận định: Dương Bi là một khu đền tháp có quy mô mặt bằng tương đối lớn, gồm một tháp (kalan) chính theo hướng đông-bắc, có 2 kalan phụ, bao quanh và giới hạn khu đền tháp là hai lớp tường bao. Cấu trúc và các di vật còn lại cho thấy, đây là khu đền tháp thờ phụng các vị thần Hindu giáo với bộ ngẫu tượng Linga-Yoni được đặt ở trung tâm chính điện của kalan chính.

Điểm đặc biệt hết sức thú vị về giao thoa, tiếp biến văn hóa khó thấy ở các di tích khác là di tích Dương Bi phản ánh sống động quá trình lịch sử hình thành, phát triển và đổi thay của các nhóm cộng đồng cư dân đã từng cư trú trên mảnh đất này. Đó là sự biến đổi và kế thừa văn hóa Chăm - Việt. Những di vật và những dấu vết còn lại của một ngôi chùa người Việt và dấu vết chuyển đổi công năng của kalan chính kể cho ta biết, khi người Việt đến định cư trên vùng đất này đã chọn Dương Bi là nơi gửi gắm đức tin tôn giáo.

Tại đây, trung tâm của khu đền tháp, người Việt xây dựng một ngôi chùa, nhưng không phá kalan chính của tháp. Những cấu kiện cột, xà, bệ kê cột còn lại của ngôi chùa cho thấy, chùa được xây dựng trang nghiêm, nhưng hài hòa với kalan chính ở phía sau. Dấu vết bàn thờ và những mảnh tượng A Di Đà bằng đất nung tìm thấy trong lòng kalan chính kể cho ta biết rằng, khi chùa được xây dựng, tháp đã được chuyển đổi công năng từ chính điện thờ ngẫu tượng của Hindu giáo sang nơi thờ đức Phật A Di Đà, chức năng này được duy trì cho đến khi ngôi tháp bị phá hủy.

Về niên đại xây dựng của tháp Dương Bi, các nhà khảo cổ cho rằng các hoa văn trang trí trên tháp chứa đựng các yếu tố tương đồng của nhiều di tích tháp Chăm ở Mỹ Sơn và Đồng Dương. Sự xuất hiện đồng thời của nhiều yếu tố đó dễ kết luận rằng tháp Dương Bi có niên đại tương đương với Đồng Dương, tức vào thế kỷ IX.

Về công năng, di tích Dương Bi có sự chuyển đổi và hòa hợp từ Hindu giáo sang Phật giáo. Sự xuất hiện đột ngột với số lượng đáng kể của các loại sứ men trắng vẽ lam của lò Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc) và đồ sành thế kỷ XVII tại đây, 14 “ông đầu rau” bằng đá muối tạo hình lưỡi liềm cho thấy sau khi thiết lập dinh trấn Quảng Nam không lâu, người Việt đã đến đây cư ngụ và xây dựng chùa Việt trong khu đền tháp Dương Bi.

Cụm kiến trúc này bao gồm 2 kiến trúc chính: một đền tháp Chăm và một ngôi chùa Việt. Chùa này có từ thời các triều đại phong kiến Việt Nam, đến năm 1960 bị phá hỏng, chỉ còn chánh điện. Tháng 10-2005, khu chánh điện bị phá dỡ để thi công xây dựng chùa mới. Do sự chung tay của cộng đồng đạo hữu 2 làng Chiêm Sơn và Trà Kiệu trong việc tu bổ chùa từ năm 1960 đến nay, nên chùa có tên gọi là Trà Sơn (ghép tên 2 làng Trà Kiệu và Chiêm Sơn).

Kết nối huyền diệu của thần linh với cuộc sống con người

Tuy không còn nguyên vẹn, nhưng những dấu tích còn lại của tháp Dương Bi vẫn cho thấy tín ngưỡng và bản chất văn hóa của người Chămpa là sự tổng hợp những quan niệm, nhận thức về vũ trụ, nhưng lại rất mềm mại trong phong cách xây tháp, trong việc tôn sùng thần linh và cả những ước mơ hết sức lãng mạn. Tháp Dương Bi còn là minh chứng sống động phản ánh quá trình lịch sử hình thành, phát triển và đổi thay của các nhóm cộng đồng cư dân đã từng cư trú trên mảnh đất này. Từ những dấu vết ghi nhận được, cho thấy người Chămpa đã có những tính toán rất tỉ mỉ, chỉn chu trong kiến trúc. Tháp xây bằng gạch tuy không thấy mạch vữa, nhưng vẫn rất bền vững. Tháp xây xong mới có hoạt động điêu khắc, chạm trổ. Khi đặt các ý tưởng trong thế cân bằng, tổng quan mới dễ thể hiện các ý tưởng của truyền thống dân tộc mình.

Hiện tháp Dương Bi tuy chỉ còn trong những ghi chép, nhận định ban đầu của các nhà khoa học và trong trí nhớ của cư dân địa phương, nhưng khi được tham vấn, mọi người đều chung nhận xét: tháp đồ sộ nguy nga tráng lệ. Đi sâu vào chi tiết còn lại của các hiện vật gạch đá, các công trình chạm khắc trang trí cũng có thể hình dung về giá trị kiến trúc, thẩm mỹ vô cùng độc đáo. Ở đây chứa đựng những thông điệp của người xưa về quan niệm cuộc sống đầy tính nhân văn, nhân bản, giữa sự kết nối huyền diệu của thế giới thần linh với cuộc sống đời thường của con người. Chắc phải cần nhiều thời gian và công sức mới có thể giải mã và nhận thức hết ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ người xưa gửi gắm trong tuyệt tác kiến trúc này.

NGUYỄN THỊ TUYẾT

Tư liệu tham khảo:

- Báo cáo khai quật phế tích tháp Chăm Dương Bi của đoàn khảo cổ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

- Hồ sơ khoa học di tích cấp tỉnh phế tích Dương Bi tại Phòng VHTT huyện Duy Xuyên.
 

;
;
.
.
.
.
.