Trăn trở và đầy sức hút(*)

.

Phạm Công Luận từng viết rất nhiều về Sài Gòn. Trong sự tiếp nối lần này với Những bức tranh phù thế, tôi đã nghĩ ông sẽ lấp đầy trí tò mò của độc giả bằng những trang chữ hàm văn, thấm đẫm sự chiêm nghiệm và dày vò bởi tấm lòng hoài cổ. Thế nhưng ông đã kể lại những ký ức về gia đình mình, về Sài Gòn xưa như cách một người già kể chuyện cho những đứa cháu nhỏ: nhiều thông tin nhưng dễ tiếp nhận, giàu tư liệu nhưng dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.

Hẳn khi nhắc đến một thành phố cũng như khi người ta nhắc đến một cô gái từng gây ấn tượng trong đời, có cả sắc và hương. Và rõ ràng, nếu như kiến trúc đô thị là “tấm áo” choàng rực rỡ bên ngoài thì lối sống, thói quen sinh hoạt và tín ngưỡng văn hóa của nhiều tầng lớp thị dân mới chính là phần hồn cốt của mỗi nơi chốn. Sài Gòn, địa danh luôn được mệnh danh là “Thành phố trẻ” với sự bao dung của mình đã trở thành nơi cư ngụ, đi - về của biết bao số phận, con người.

 Đâu phải chỉ khi xa mới nhớ, Phạm Công Luận đang sống trong lòng Sài Gòn nhưng ông vẫn không ngừng “đào xới” những mảnh ký ức để góp nhặt thành ân tình và nguồn tư liệu quý cho những ai yêu mến Sài Gòn. Từng lát cắt về thời gian, không gian dần dần hiển lộ. Đó là Sài Gòn vào những thập niên 60, 70, 80, 90 của thế kỷ 20 với những góc phố, dãy nhà, tên đường, với những thói quen, lối sống, cách nghĩ… Và rồi, đổi thay là quy luật tự nhiên! Nhiều thứ nay đã biến mất hoặc bị thay thế. Nơi duy nhất mà cảnh cũ còn tồn tại chính là trong trí nhớ của người xưa.

Những bức tranh phù thế đóng tập 33 bài viết. Có khi Phạm Công Luận kể chuyện người, chuyện phố, nhưng có những trang liên tiếp ông chỉ kể chuyện gia đình, về những người thân ruột thịt như Người anh đi xa, Chuyến đi cuối cùng của ông ngoại, Cặp kè và cõng em, Hộp kỷ niệm… Cái tài tình của “người lưu giữ ký ức phố thị” (như cái tên mà nhiều độc giả dành tặng cho anh) là óc quan sát và sự chắt lọc chi tiết. Tác giả đã đan cài nhịp nhàng chuyện nhà - chuyện phố, chuyện mình - chuyện người khiến những ai từng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn đều thấy thân thuộc và hồ hởi khi được “chạm mặt” kỷ niệm.

Tác giả trần tình: “Có những câu chuyện cũ, không có gì độc đáo nhưng ta muốn giữ cho riêng mình. Một ngày, ta ghi lại kỷ niệm ấy trên trang giấy, rồi được nếm trải cảm giác sung sướng khi bài viết nên hình nên dạng, được đăng trên sách, báo... Đến lúc nào đó ngồi lục lại trong trí nhớ, ta bỗng thấy những kỷ niệm lấp lánh ấy không còn đậm đà trong lòng mình nữa, không còn làm ta thao thức nữa, nó “chết” dần theo từng con chữ, để lại vài hình ảnh mờ nhạt.

Điều đó như một quy luật tự nhiên”. “Viết, một cách nào đó, là chết”, có lẽ những người hoài cổ đều biết điều đó, thế nhưng với sứ mệnh và con tim luôn reo vui của nghiệp cầm bút, những câu chuyện xưa ngày ngày vẫn được nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận chắt lọc và kể lại, những con chữ vẫn lần lượt được xếp đặt để dâng tặng cho người đời bao xao xuyến nhờ gặp lại những trầm tích vàng son.

Để có thể dìu người đọc ngược cây cầu ký ức, tìm thấy những điều trữ tình và tinh tế nhất của một thành phố lừng danh, tác giả Những bức tranh phù thế đã sử dụng nhiều sử liệu đô thị mà ít người còn giữ. Đó là những tạp bút, tờ báo, số báo xuân, là những đầu sách, những giai phẩm mà người trẻ ít khi được nghe nhắc đến như tờ Phụ nữ Tân Văn những năm 1930, sách Túi bạc Sài Gòn của Vũ Xuân Tự xuất bản năm 1941, tờ Lục Tỉnh Tân Văn của tác giả Trần Văn Chim, tuần báo Tuổi Ngọc khổ lớn ra đời từ những năm 1969…

Tác giả đã tỉ mỉ đan cài và trích dẫn những gì tinh túy, mang tính “tập thể” nhất vào từng câu chuyện riêng tư để phục dựng lại một vùng ký ức cộng đồng đầy thú vị và độc đáo. Đó là những nét đẹp ẩm thực thông qua một vài món ăn dân dã, đó là những thú chơi, sở thích của người Sài Gòn xưa, và đặc biệt nhất là sự bao dung không hề thay đổi của Sài Gòn dành cho những phận đời côi cút. Đây cũng chính là nội dung, là phần hồn cốt tiêu biểu được Phạm Công Luận nhiều lần nhắc đi nhắc lại trong Thành phố chết và anh phu xe kéo, Những kiểu bán rong tuyệt tích, Cà-phê treo, Ngày Tết nghĩ về “Túi bạc Sài Gòn”,…

Là một người trẻ thích hóng chuyện xưa, tôi đã cùng Những bức tranh phù thế miên di về miền ký ức để nhận ra những giá trị căn bản của Sài Gòn đến nay vẫn không hề thay đổi: Sài Gòn lắm trở trăn nhưng luôn đầy sức hút. Thành phố trẻ này mãi là miền đất hứa cho những ai biết ước mơ.

Diệu Thông

(*) Đọc Những bức tranh phù thế, tác giả Phạm Công Luận, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Công ty TNHH MTV sách Phương Nam ấn hành năm 2019.

;
;
.
.
.
.
.