Đam mê với ngành thời trang, đặc biệt là sáng tạo trên chất liệu vải linen, hai cô gái mà chúng tôi gặp đã tạo ra một thị phần thời trang khác biệt, độc đáo, dành cho những quý cô thích “mình là duy nhất”.
Những bộ áo dài Nguyện làm ra luôn độc đáo, khác biệt. Ảnh: H. |
Võ Thị Như Nguyện (sinh năm 1984, chủ tiệm Những ngón tay biết hát, đường Lê Đình Dương, quận Hải Châu) sinh ra trong gia đình có truyền thống may mặc. Mẹ Nguyện vốn là thợ may áo dài có tiếng của vùng đất cố đô. Ba cô cũng là một nghệ nhân chuyên vẽ thủ công trên nón.
Từ nhỏ, căn nhà của Nguyện luôn ngập trong vải vóc, bản vẽ. Niềm đam mê nghệ thuật đã đưa Nguyện đến với Trường Đại học Mỹ thuật Huế. Sau khi tốt nghiệp, Nguyện có nhiều năm làm việc cho một công ty chuyên về sản xuất phim hoạt hình của Nhật. Dù vậy, niềm đam mê thời trang luôn cháy bỏng trong cô gái trẻ.
Thời điểm đó, ban ngày đi làm, ban đêm Nguyện nhận vẽ áo dài cho bạn bè, người thân. Nét vẽ mộc, có hồn của Nguyện khiến bộ quần áo trở nên đẹp, độc, lạ. Nhận được những lời khen của mọi người, Nguyện quyết định nghỉ việc và mở một tiệm may nhỏ cho riêng mình.
“Ngay từ khi mở tiệm, tôi đã xác định, tiệm nhỏ không chạy theo số lượng, chỉ làm những mẫu mình thực sự thích, tỉ mẩn từng mũi kim, nét vẽ để khách hàng ưng ý với sản phẩm. Đã gọi là hàng thiết kế thì không thể làm hàng loạt, mỗi mẫu tôi chỉ làm ra 1-2 sản phẩm với những nét vẽ khác nhau. Để làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi cả quá trình sáng tạo cần mẫn và kỹ lưỡng”, Nguyện chia sẻ.
Tiệm nhỏ của Nguyện chỉ sử dụng độc nhất vải linen để tạo nên các bộ xiêm áo. Theo Nguyện, vải linen là loại vải rất đặc biệt, nó giúp cơ thể người mặc giải nhiệt hiệu quả. Nhắc tới vải linen là có thể hình dung về nét mộc mạc, thô cứng và rất nguyên bản nhưng gần gũi và thân thuộc. Được làm từ sợi của cây lanh, tên “linen” có nguồn gốc từ “linum” (tiếng Latin) hoặc “linon” (tiếng Hy Lạp), từ “lanh” trong tiếng Việt bắt nguồn từ “lin” trong tiếng Pháp.
Tùy từng vùng ở Việt Nam mà gọi loại vải này một tên khác nhau, có nơi là “lanh”, có nơi là “linen”. “Đặc điểm của loại vải này là những đường gân thô trên bề mặt, kết hợp với những gam màu trầm, như nâu gỗ, xanh cổ vịt, trắng ngà. Chọn linen để khởi nghiệp trong ngành may mặc, tôi đã xác định lối đi khác biệt, khu biệt đối tượng khách hàng của mình. Những cô gái dám mặc trang phục vải linen là những cô gái cam đảm chấp nhận những vết nhăn khi sử dụng, đây cũng là đặc trưng rõ nhất của chất liệu vải này”, Nguyện bộc bạch.
Nơi tiệm nhỏ của Nguyện, sản phẩm được treo nhiều nhất là áo dài. Nguyện nói, cô thấy mình “có hứng” vẽ nhất khi được vẽ trên áo dài. Mỗi ngày, được tỉ mẩn đo, cắt, vẽ, Nguyện thực sự thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình. “Việc quay trở lại với thời trang đã thay đổi cuộc sống của tôi. Tôi nhận ra mình chỉ làm tốt nhất khi làm đúng sở trường của mình. Tôi kỹ tính, có kiến thức về đồ thủ công, thích mặc đẹp, và thích ngắm người khác mặc đẹp. Đó là lý do mỗi ngày tôi thêm miệt mài sáng tạo và gắn kết với công việc của mình”, Nguyện nói.
Cũng chọn vải linen làm chất liệu chủ đạo trong các thiết kế nhưng khác với Nguyện dùng màu arylic để vẽ lên áo, Nguyễn Dương Hồng Linh (sinh năm 1988, chủ tiệm Chiba Đà Nẵng, đường Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu) chọn hướng thêu thủ công. Linh giải thích, với một chiếc áo hay đầm đơn sắc, việc điểm xuyết họa tiết thêu tỉ mỉ là đủ giúp cho thiết kế quen thuộc trở nên khác biệt; hơn nữa, đi theo hướng kinh doanh đồ thủ công còn là một cách để lưu giữ nghề thêu tay truyền thống của người Việt.
“Khó khăn nhất khi kinh doanh sản phẩm thêu tay truyền thống là không phải ai cũng hiểu được giá trị của nó. Chính vì thế, mình vừa là người bán hàng, vừa là người kể chuyện. Mỗi một sản phẩm là một họa tiết khác nhau, một câu chuyện khác nhau, không hề có sự rập khuôn trong các sản phẩm. Mình cũng thường đưa cho khách xem một sản phẩm thêu tay và một sản phẩm thêu máy, khách sẽ cảm nhận rõ rệt sự khác biệt”, Linh chia sẻ.
Mỗi sản phẩm do Linh thiết kế đều được lựa chọn tỉ mỉ, phối màu hài hòa với từng gam màu vải, làm sao để nổi bật vẻ đẹp cơ thể phụ nữ. Với mỗi công đoạn, Linh đều đầu tư công sức và sự tập trung cao độ. Việc đầu tư quá đôi khi khiến quá trình sản xuất bị chậm nhưng với Linh, đồ thủ công không thể vội vàng. Mũi thêu chỉ đẹp khi người thêu có tâm trạng tốt. Linh gọi đó là hành trình đi tìm và hiện thực hóa cảm xúc. Hiện tại, các sản phẩm thời trang của Chiba bao gồm: áo, váy, áo dài, quần, túi xách, kẹp tóc… Khách hàng của Linh phần nhiều là khách du lịch, yêu thích văn hóa và muốn sở hữu những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam.
Rất nhiều khách hàng sau khi du lịch về nước đã gửi thư điện tử nhờ Linh may trang phục. Đặc biệt là du khách Hàn Quốc, Nhật Bản. “Hình ảnh khách duyên dáng trong tà áo dài hay nổi bật với chiếc đầm thêu tỉ mỉ được gửi về từ đất nước xa xôi chính là động lực để tôi sáng tạo mỗi ngày”, Linh nói.
HẢI ÂU