Tuyển sinh năm 2020 của Đại học Đà Nẵng: Thêm lựa chọn cho thí sinh

.

Năm 2020, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) lần đầu tiên sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) để xét tuyển. Điều này sẽ mở thêm cơ hội cho thí sinh trong xét tuyển vào các trường đại học thành viên ĐHĐN ngoài hình thức lấy kết quả điểm kỳ thi THPT quốc gia, xét kết quả học bạ và tuyển thẳng.

Thí sinh trao đổi sau khi ra khỏi phòng thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2019.  Ảnh: N.H
Thí sinh trao đổi sau khi ra khỏi phòng thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: N.H

Năm 2020, ĐHĐN lần đầu tiên sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh để xét tuyển. Có 7/9 đơn vị thành viên của ĐHĐN đăng ký dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển theo bài thi đánh giá năng lực này gồm các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh và Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông.

Theo PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐHĐN, hình thức phối hợp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực giữa ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và ĐHĐN sẽ tương tự kỳ thi sau đại học. Cụ thể, phía ĐHĐN đảm nhận chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng ốc, cử cán bộ, giảng viên làm công tác coi thi, làm trưởng điểm thi. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh cử cán bộ, giảng viên làm Phó trưởng điểm thi, thư ký. Đề thi sẽ do ĐHQG
TP. Hồ Chí Minh đảm nhiệm từ khâu ra đề, in ấn, vận chuyển…

Bài thi của thí sinh sẽ được chuyển về ĐHQG TP. Hồ Chí Minh chấm. Đối tượng dự thi là học sinh tốt nghiệp THPT và tương đương. Về đề thi sẽ gồm có 120 câu hỏi. Trong đó, 40 câu đánh giá khả năng đọc hiểu, sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh; 30 câu hỏi về toán phổ thông, suy luận và xác định quy luật logic; phân tích và trả lời các phương án tương ứng với từng bảng số liệu; 50 câu hỏi các vấn đề về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên. Thí sinh làm bài hoàn toàn trên giấy với thời gian 150 phút. Điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm. Kết quả bài thi được đánh giá theo phương pháp trắc nghiệm hiện đại. Điểm bài thi được xác định bằng lý thuyết đáp ứng câu hỏi - IRT (Item Response Theory).

Điều thuận lợi của thí sinh với kỳ thi đánh giá năng lực là thí sinh có thể tham gia 2 đợt thi trong năm (tháng 3-2020, tháng 7-2020) và lấy kết quả cao nhất để xét tuyển. Với việc dự thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tổ chức và đăng ký xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ĐHĐN và nhiều trường đại học khác nhau ở phía Nam. Ngoài ra, thí sinh vẫn có thể tập trung thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp phổ thông và lấy kết quả xét tuyển vào đại học.

Chia sẻ về việc phối hợp với ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tại ĐHĐN, PGS.TS Lê Thành Bắc cho biết, đơn vị có chủ trương tổ chức riêng một kỳ thi đánh giá năng lực và cũng đã thành lập Ban xây dựng Đề án tuyển sinh ĐHĐN từ năm 2018.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu các quy định và cấu trúc của các đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh cùng kinh nghiệm tổ chức của 2 đại học này, cho thấy để có được chất lượng, đòi hỏi phải có một bộ đề đủ lớn và phải được thi thử nhiều lần thì mới tổ chức triển khai.

Và, việc phối hợp với ĐHQG TP. Hồ Chí Minh sẽ rút ngắn được thời gian chuẩn bị cũng như kinh phí và nhân lực cho việc tổ chức ra đề thi. Hơn nữa, nếu xây dựng bộ đề từ bây giờ thì 3 năm nữa, cùng với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, phương thức thi THPT quốc gia cũng sẽ thay đổi, bộ đề đã xây dựng không còn phù hợp, gây lãng phí...

Cũng theo PGS.TS Lê Thành Bắc, ĐHĐN và các đơn vị thành viên mong muốn đa dạng phương thức xét tuyển, chủ động lựa chọn phương thức xét tuyển mới nhằm phát huy tính tự chủ trong tuyển sinh, đồng thời bảo đảm chất lượng nguồn tuyển.

Cách thức tổ chức thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tổ chức phù hợp với xu hướng đổi mới thi, kiểm tra hiện nay, đáp ứng được các yêu cầu về tuyển sinh của ĐHĐN nên đã được lựa chọn. PGS.TS Lê Thành Bắc cho biết, vì là năm đầu tiên sử dụng kết quả thi này để xét tuyển, để tránh thay đổi nhiều đối với thí sinh, các đơn vị thành viên của ĐHĐN chỉ sử dụng một phần chỉ tiêu để tuyển sinh theo phương thức mới này cho một số ngành.

Hiện ĐHĐN và các trường thành viên đã công bố trên trang web về phương thức tuyển sinh theo kết quả bài thi đánh giá năng lực, danh sách các ngành tuyển, chỉ tiêu từng ngành cũng như điều kiện xét tuyển theo phương thức tuyển sinh mới này.

ĐHĐN thường xuyên cung cấp, cập nhật cho thí sinh biết những thông tin cần thiết về hình thức thi, thời gian thi, cấu trúc bài thi (bài thi mẫu), các mốc thời gian đăng ký thi, đăng ký xét tuyển… trên các trang tuyển sinh và facebook tuyển sinh của ĐHĐN. Cho đến thời điểm này, theo thống kê, đã có khoảng 900 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tại điểm thi ĐHĐN.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh được tổ chức 2 đợt:

Đợt 1 vào ngày 29-3-2020; mở cổng đăng ký từ ngày 6-1-2020 và đóng cổng đăng ký vào ngày 28-2-2020. Thông báo kết quả vào ngày 14-4-2020.

Đợt 2 vào ngày 5-7-2020; mở cổng đăng ký từ ngày 15-4-2020 và đóng cổng đăng ký vào ngày 30-5-2020. Thông báo kết quả vào ngày 12-7-2020.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.