Thầy thuốc xưa và nay

.

Người ta nói nhiều về thầy thuốc và vấn đề y đức. Tuy nhiên, dường như một số người đang tiếp tục áp đặt những quan niệm về thầy thuốc xưa vào thầy thuốc ngày nay mà quên rằng điều đó đã không còn phù hợp.

Bác sĩ Đoàn Quốc Bảo, Phó trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thăm khám cho một bệnh nhi đang điều trị tại khoa. Ảnh: MAI HIỀN
Bác sĩ Đoàn Quốc Bảo, Phó trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thăm khám cho một bệnh nhi đang điều trị tại khoa. Ảnh: MAI HIỀN

Thầy thuốc xưa

Ngày xưa, một thầy thuốc hay một ông lang, dù có học bài bản hay không thì đều đảm nhiệm và quyết định hết mọi khâu từ chẩn đoán đến chăm sóc, vấn an đến điều trị. Việc chẩn đoán rất đơn giản với việc bắt mạch và kỹ năng “vọng, văn, vấn, thiết” hay nhìn, sờ, gõ, nghe (Đông y gọi là tứ chẩn). Kỹ năng thầy thuốc chỉ có thầy thuốc biết. Chẩn đoán đúng hay sai chỉ một mình thầy biết.

Suy luận y lý thì chỉ một mình thầy hiểu. Việc điều trị cũng đơn giản, ít tốn kém. Thuốc men có cây nhà lá vườn, day cao, ấn huyệt, châm cứu, giác hơi, xoa bóp... Thầy thuốc có thể có một vườn thuốc tự sản, tự tiêu, tự pha chế, sao tẩm... Bệnh nhân nghèo cũng có thể hưởng tất cả các giải pháp chẩn đoán điều trị đó như bệnh nhân giàu.

Nếu trị được bệnh thì thầy thuốc là ân nhân. Nếu bệnh nhân không khỏi bệnh thì là do bệnh nặng. Vì bệnh nhân là người đang chịu ơn nên thầy thuốc trở thành người ban ơn, trở thành “cha mẹ”. Từ đó, hình ảnh của thầy thuốc trở thành người mẹ hiền và đi kèm là những văn hoa về y đức.

Thầy thuốc nay

Khi bệnh nhân đến bệnh viện với tư cách là người cần được hưởng dịch vụ y tế thì người cung cấp dịch vụ đó không phải là một người mà là một tập thể nhiều người. Việc chẩn đoán không còn đơn giản là bắt mạch, sờ, nghe... mà là xét nghiệm, X-quang, siêu âm, nội soi, CT..., và những thủ thuật khác. Việc điều trị cũng bao gồm hàng loạt những phương thức phối hợp khác nhau như: hóa trị, xạ trị, phẫu trị, can thiệp, tâm lý, vật lý trị liệu... với nhiều thứ thuốc men, thiết bị, kỹ thuật.

Như vậy, “thầy thuốc” ngày nay đã không còn là một cá nhân mà là một tập thể nhiều người gồm: bác sĩ, dược sĩ, y tá, kỹ thuật viên, chuyên viên gây mê, hộ lý và thậm chí cả hệ thống quản lý hành chính, hậu cần, điện, nước... “Thầy thuốc” không phải chỉ những người đang hiện diện trong bệnh viện, trực tiếp hay gián tiếp làm công việc chăm sóc bệnh nhân như kể trên mà còn cả những thành phần không hiện diện tại nơi điều trị như: Labo nghiên cứu khoa học, nhà dịch tễ học, nhà toán học, di truyền học, nhà quản lý, giáo sư, cán bộ giảng... đang làm việc để tìm ra lời giải đáp và giải pháp cho bệnh tật.

Vai trò của bác sĩ

Còn bác sĩ thì sao? Trong hệ thống tổ chức y tế, bác sĩ chỉ là một thành viên, đóng vai trò trung tâm, trực tiếp giao tiếp với bệnh nhân, dùng kiến thức của mình để phối hợp các giải pháp chẩn đoán và điều trị sao cho hiệu quả nhất, phù hợp nhất trong từng điều kiện bệnh nhân.

Ngày nay, bác sĩ bắt đầu rời bỏ ống nghe vì đã có điện tim, X-quang... Bác sĩ bắt đầu bỏ sờ ấn bụng bệnh nhân vì đã có siêu âm, CT... Những kỹ năng thăm khám của bác sĩ đã phải nhường bước cho kỹ thuật chẩn đoán mới. Việc điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Nếu ngày xưa một thầy thuốc toàn quyền quyết định chọn lựa giải pháp sao cho kết quả điều trị tốt nhất trong tầm vực của mình thì ngày nay bác sĩ không được cái quyền đó, bởi lẽ đã phát sinh quá nhiều chọn lựa cho bệnh nhân.

Bác sĩ có thể biết có những giải pháp điều trị tốt nhất để tư vấn cho bệnh nhân và bệnh nhân sẽ chọn lựa giải pháp phù hợp với hoàn cảnh của mình. Có những thứ thuốc đặc trị, những giải pháp điều trị tối ưu nhưng giá quá cao, đòi hỏi phải thông qua ý kiến bệnh nhân. Không giống như những cây thuốc trồng trong vườn, bác sĩ ngày nay không thể cung cấp miễn phí các loại thuốc men hay kỹ thuật y khoa cần thiết cho bệnh nhân. Những giải pháp chẩn đoán, điều trị cao cấp đó là nhu cầu của bệnh nhân nhưng ngoài tầm tay của bác sĩ. Giải pháp tối ưu thì ai cũng muốn, nhưng bằng cách nào để có được?

Câu trả lời đơn giản: phải có tiền.

Tiền để trả cho hóa chất, máy móc xét nghiệm, phim, ống nội soi, thuốc điều trị, máy phóng xạ... Bác sĩ có thể tận tâm, tận lực, cho không kiến thức và công sức của mình, nhưng những thứ còn lại thì bác sĩ không thể cho không được. Chỉ có thể đòi hỏi ở bác sĩ ngày nay kiến thức, sự thấu hiểu, ân cần quan tâm..., nhưng những thứ này thì không thể cân đong đo đếm, không cụ thể hóa được.

Ngoài ra, ở những nước có luật lệ chặt chẽ thì người bệnh có quyền thưa kiện thầy thuốc và những vụ thưa kiện đó có thể làm tán gia bại sản một bác sĩ hoặc làm phá sản một hãng dược. Ở ta, người dân không mấy khi đi kiện mà thi thoảng… tấn công trực tiếp thầy thuốc, đập phá phòng cấp cứu, đập phá nhà riêng bác sĩ và từng có vụ đâm chết bác sĩ cấp cứu ngay đêm trực.

Do đó, bệnh viện ở nước ngoài lấy phí dịch vụ rất cao, không phải chỉ để trả cho hàng loạt những dịch vụ cao cấp hay để tái tạo nâng cao sức lao động mà còn để bảo hiểm cho những tai nạn, rủi ro có thể xảy ra. Từ đó, chi phí dịch vụ ngày càng tăng cao đến mức người bệnh không đủ khả năng tài chính khi cần đến dịch vụ y tế. Ngay cả một cơ chế về bảo hiểm y tế cũng không giải quyết được vấn đề này. Nước Mỹ đang ở trong tình trạng đó.

Rõ ràng, hình ảnh thầy thuốc, mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân giữa xưa và nay đã không còn giống nhau. Những quan niệm, hình ảnh xưa không thể áp dụng cho thầy thuốc ngày nay. Đó đây vẫn còn văng vẳng những lời mỉa mai về y đức nhưng dường như chẳng lọt vào tai của ai; bởi vì những chỉ trích đó không thể nhằm vào cá nhân ai cả nên không ai bị tác động và phản ứng.

Những vấn đề y tế nếu có là vấn đề của hệ thống, của tổ chức bộ máy y tế chứ chẳng phải của cá nhân. Và trên hết, kiến thức, sự tận tâm, thấu hiểu của các y, bác sĩ đối với bệnh nhân vẫn là điều nằm lòng của những người làm nghề y, mà người ta gọi chung là y đức, như lời thề Hippocrates của những người khoác tấm áo trắng trước khi chính thức bước vào nghề.

P.X.TBS Phan Xuân Trung

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.