Mallacoota là một thị trấn du lịch của lãnh địa East Gippsland, tiểu bang Victoria, nước Úc. Có khoảng 1.000 người sống ở đó nhưng dân số thường tăng lên vào dịp Giáng sinh khi người Úc đến bờ biển để tận hưởng kỳ nghỉ của họ. Nhưng vào buổi sáng một ngày cuối tháng 12 vừa qua, khi đám cháy rừng quét qua khu vực, hàng ngàn người đã tìm đến bãi biển, thậm chí một số cư dân lên thuyền vượt sóng khi bầu trời đêm rực lên một màu đỏ.
Ông Donald Ashby mất nhà và đang sống trong khối nhà chung. Ông thường dùng chiếc xe đạp này để có thể vận chuyển hai con chó yêu quý của mình đi quanh thị trấn. |
Có đến hàng chục ngôi nhà bị mất ở Mallacoota. Các tàu cứu trợ thuộc hãng Choules HMAS đến Mallacoota để cung cấp nước, thực phẩm, vật tư y tế và sơ tán một số người trong 4.000 người ước tính bị cô lập ở đó.
Trong ngững ngày khốn khó đó, nhà nhiếp ảnh báo chí Rachel Mounsey, một cư dân của thị trấn Mallacoota đã ghi lại nhiều hình ảnh đổ nát phá hủy khoảng 150 ngôi nhà do đám cháy gây nên. Và tháng sau, khi đám cháy đã qua, cô ghi tiếp những hình ảnh người dân trở về trên vùng đất ngổn ngang tro than khói bụi.
Các em Piper, Kaleah và Taya Matthews nói rằng thật tuyệt vời khi “đòi lại” được bãi biển của họ. |
Rachel Mounsey nhớ lại: “Khi ngọn lửa bùng cháy ở thị trấn Mallacoota, tôi bắt đầu tưởng tượng ngọn lửa là một loại rồng thời trung cổ - khổng lồ và hung hãn tiến về phía chúng tôi để phá hủy mọi thứ theo cách của nó”. Vài tuần sau thảm họa, Mounsey ngồi với những người hàng xóm bị mất nhà và hỏi: Về mặt tinh thần, làm thế nào để bạn tiến lên khi tất cả những gì bạn sở hữu đã biến thành tro bụi?
Sau khi đám cháy rừng xé toang thị trấn Mallacoota, cư dân Robert Fitzclarence mất xưởng làm việc của mình nhưng ông tự tin nói: “Có thể có một bóng đen phủ lên chúng ta, nhưng nỗi sợ hãi không phải là cách sống của người Úc”. Còn nhạc sĩ Justin Brady cho rằng: “Nơi này đã trở thành một phần lớn của con người tôi. Tình bạn và âm nhạc tuyệt vời đã phát triển từ căn lều này. Tuy rằng có phần quẫn trí nhưng tôi phải làm lại tất cả. Tôi cảm thấy được truyền cảm hứng khi làm cho chỗ ở mới tốt hơn “căn lều” cũ”.
Nhạc sĩ Justin Brady giữa đống hoang tàn ngôi nhà của mình, tay vẫn ôm đàn. |
Nghệ sĩ Don Ashby đứng trong phần còn lại của ngôi nhà, xưởng vẽ và chỗ ở của gia đình anh. “Căn nhà tôi đã biến mất, có vẻ như nó không tồn tại nhưng nó vẫn còn trong tâm trí của tôi. Tôi sẵn sàng làm lại từ đầu”.
Vài tuần sau vụ hỏa hoạn, dưới bầu trời bị bao phủ bởi khói từ dãy Howe gần đó, ngôi nhà của Jess Van Swol đã biến mất nhưng cây bạch đàn lớn là nơi ở của các gia đình gấu túi vẫn sống sót. “Tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn, môi trường sống bị tàn phá, nhà ở và thị trấn đổ nát xung quanh tôi, nhưng mặt khác tôi có sự lạc quan cho những gì ở phía trước”, Jess Van Swol nói.
Đám cháy rừng xé nát thị trấn Mallacoota, cư dân Robert Fitzclarence mất xưởng làm việc của mình trong đám cháy. Ông nói: “Nỗi sợ hãi không phải là cách sống của người Úc”. |
Sau vụ cháy rừng, hiện tại các trường học ở thị trấn Mallacoota mở cửa trở lại, học sinh vui đùa trên bãi biển sau thời gian bờ biển được dọn dẹp sạch. Nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan khác nhau và Bộ Giáo dục, mỗi học sinh đã có một máy tính xách tay.
Sue Shaw là chủ sở hữu một phần của lò bánh mỳ Mallacoota Bakery. Công việc kinh doanh đã bị chậm lại kể từ khi khách du lịch được sơ tán, nhưng cô tin chắc thị trấn sẽ sớm bình ổn. “Rất nhiều người trong số họ sẽ quay trở lại, vì vậy hy vọng lễ Phục sinh sẽ rất tốt”, cô nói.
Ông lão Donald Ashby là một cư dân khác bị mất nhà, nhưng ông và gia đình đã quyết định trở lại và sống tại Mallacoota. “Về cơ bản, tôi đã ở trong một “căn hộ” nhỏ bé gắn liền với nhà cũ của tôi. Chúng tôi sẽ phải đợi cho đến khi chúng được dọn sạch những mảnh vỡ. Một người bạn của tôi đã cho tôi một góc để ở trong nhà kho và chúng tôi sẽ được tặng một nhà lưu động vào những ngày tới. Tôi rất vui vì nó sẽ là một nơi nhỏ bé để sống”. Ông lão tin tưởng như thế trong khi những người dân ở thị trấn Mallacoota bắt tay vào việc xây dựng lại ngôi nhà của mình với niềm lạc quan.
HOÀNG ĐẶNG (theo The Guardian)