Nấm mộ… vàng ở Cameroon

.

Khai thác vàng đang trở thành bi kịch ở Cameroon bởi hố vàng không được “hoàn thổ” môi trường, trở thành cái bẫy khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Những hố vàng không được hoàn thổ trở thành bẫy chết người.
Những hố vàng không được hoàn thổ trở thành bẫy chết người.

Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè năm 2017 của cậu bé Saustem Brandon Samba, 12 tuổi, trở thành bi kịch cho gia đình em. Cậu bé trở về quê nhà Batouri ở miền đông Cameroon để thăm bạn bè, vô tình trượt chân xuống hố bùn đỏ. Thoạt đầu, trông nó như một vũng nước lớn đỏ quạch nhưng thực tế đó là hầm vàng bị bỏ hoang có độ dốc cao và sâu tới 18 mét. Samba đã cố quẫy đạp tìm thứ bấu víu nhưng bất lực. Cha cậu bé tới giờ vẫn còn giữ bức ảnh về tấm thân vô hồn của Samba khi được vớt lên.

Cái chết bi thảm của Samba không phải là ngoại lệ khi các nhà hoạt động xã hội cho rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng về những nạn nhân bị lãng quên trong cuộc săn lùng tàn nhẫn thời hiện đại với thứ kim loại được tìm kiếm nhiều nhất là vàng. Cơ quan giám sát địa phương về tai nạn và thiệt mạng (Foder) cho biết, từ năm 2017 tới năm 2019, có ít nhất 115 trẻ em và người lớn bị chết đuối hay chôn sống ở những hố vàng bị bỏ hoang tại miền đông và vùng Adamawa của Cameroon. Người dân ở đây cho biết, toàn bộ khu vực không an toàn, giống như những nấm mộ bởi các hố vàng bị các công ty Trung Quốc đào khai thác và bỏ lại mà không hề hoàn thổ môi trường.

Giá vàng bắt đầu tăng từ năm 2008 khiến hoạt động khai thác vàng lậu lan rộng khắp châu Phi. Chỉ trong vài năm gần đây, đã có hơn 400 hầm vàng được khai thác ở Cameroon mà chủ yếu là của các công ty Trung Quốc, một phần của Hàn Quốc, Hy Lạp, Nam Phi… Thậm chí, một số công ty của Anh còn quảng cáo trực tuyến chương trình khai thác vàng ở Cameroon. Phần lớn các công ty khai thác vàng cứ thản nhiên rời từ hầm vàng này sang hầm vàng khác mà không cần hoàn thổ môi trường như yêu cầu của luật pháp Cameroon.

Nhà hoạt động môi trường Eric Etoga cho biết, các công ty khai thác đã để lại 248 hố ở một khu vực tại miền đông nước này. Số lượng người thiệt mạng trong lúc lao động và sinh hoạt hằng ngày như cậu bé Samba liên tục được các công ty này báo cáo rằng giảm đáng kể trong hai năm qua nhờ tuyên truyền và biển báo. Thực tế, không hề có biển cảnh báo nào trước những hố vàng bỏ hoang nên tình trạng trượt chân rớt xuống hố sâu là rất cao. Một số công ty Anh khai thác vàng ở đây bảo rằng, công việc này đã giúp dân làng cải thiện đời sống kinh tế nhưng mặt trái của nó không chỉ là những hố lớn khiến không ít người rớt xuống thiệt mạng, chấn thương mà còn phá hủy môi trường.

Miền đông Cameroon được cho là nơi có đất đai màu mỡ nhưng hiện tại giống như bề mặt… mặt Trăng lồi lõm. Chất thải hóa học khi khai thác vàng làm chất lượng đất và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những vũng nước trong hố bỏ hoang là môi trường thuận lợi cho đám muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh chết người khác. Thủy ngân là hóa chất quan trọng trong việc khai thác vàng nhưng rất độc hại vẫn được người lao động tiếp xúc trực tiếp bằng tay trần. Thủy ngân làm tổn thương phổi, dẫn tới mất trí nhớ, trầm cảm, suy thận… Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy nồng độ thủy ngân trong máu của người khai thác vàng ở miền đông Cameroon lên tới 9,1%.

Một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc tới thăm các mỏ vàng ở miền đông Cameroon hồi năm 2017 đã chứng kiến cảnh biểu tình phản đối của người dân nơi đây. Ngôi làng Ngoe Ngoe có 9 người chết do rớt xuống hố vàng bỏ hoang. Tổ chức Foder kêu gọi cả thảy 1.776 người dân ký bản kiến nghị gửi Chính phủ yêu cầu họ buộc các công ty khai thác vàng phải tuân thủ luật pháp về hoàn thổ môi trường bởi các hố vàng đã trở thành những nấm mộ lớn của người dân Cameroon.

Anh Thư (theo Guardian)

 

;
;
.
.
.
.
.