Nụ tầm xuân của tôi

.

Khi những hồng, cúc, đào mai bắt đầu phai màu, là khi những đóa tầm xuân hé nở gọi mời ong bướm. Mùa này, ở những con đường nho nhỏ nằm ven chân núi gần nhà tôi có vài khóm hoa tầm xuân bắt đầu nẩy nụ đơm bông.

Tôi luôn thương loài hoa mọc lẻ loi bên bờ bên bụi của những căn nhà ngói cũ dưới chân núi ấy. Trong mắt tôi, những đóa tầm xuân thật đẹp. Đẹp đâu kém cạnh gì đào, cúc, hồng, lan…, nhưng hình như chẳng thấy ai cắt chúng vào để chưng trong ngày Tết như những loài hoa kia. Từ một khóm nhỏ trồng bên cổng, bên vườn, cây bén rễ, vươn cành, đẻ cây con… chẳng mấy chốc thành bụi, leo đầy hàng rào.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hoa tầm xuân giống hoa hồng nhưng nó chịu phận hoa hồng dại, hồng gai. Bà ngoại nói, vì nó “dại” nên chỗ của nó là ngoài hàng rào chứ không đem chưng như những loài khác. Tuy vậy, mỗi sáng mai đi ngang những đóa tầm xuân, không ít người vẫn không thể hờ hững. Màu hồng nhạt tươi mới của những cánh hoa mỏng mềm bọc vòng quanh nhụy vàng thắm có thể níu lại một ánh nhìn. Và nếu ai đó có lòng, hoặc có khi chỉ là tình cờ một cơn gió thoảng, hương tầm xuân thật dịu quấn theo làn gió sẽ khiến người qua đường có chút ngẩn ngơ.

Hoa tầm xuân dường như biết thân biết phận, chỉ cần xin một nhánh cây già gần cội, có thêm vài cái rễ bén đất về trồng xuống đất ẩm, mưa tháng giêng lây rây cùng gió lạnh sẽ nuôi cái gốc mới ấy. Cái gốc cây lừ đừ như thể ngủ đông trong vỏ bọc sù sì gai góc của mình. Rồi bất chợt một sáng xuân kia, cây đâm lên những lộc non biếc, mềm mượt run rẩy trong nắng mai. Khi những cành lộc ấy bắt đầu cứng cáp, từ những nách cành sẽ chồi thêm một chùm nụ be bé, múp máp chung màu lộc biếc. Chùm nụ sẽ nhanh chóng đổi sang màu xanh trong vài tuần và khi đã đủ độ “chín”, nụ tách lớp áo xanh khoe những cánh hoa hồng phớt trong nắng mai.

Thực tình tôi vẫn nhớ, vẫn thương cái tên “hoa hường” quê kiểng. Trong ký ức tuổi thơ tôi không có tên hoa tầm xuân mà là hoa hường. Tưởng như không có tên loài hoa nào dung dị và giản đơn hơn thế. Vì hoa màu hường (hồng) mà đặt tên hoa hường. Và ngoài hoa hường hình như không có hoa đỏ, hoa xanh, hoa tím… Tôi chỉ biết loài hoa mình yêu có một tên gọi rất điệu qua câu ca dao về tình yêu đôi lứa đầy tiếc nuối: Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em lấy chồng anh tiếc lắm thay…

Một đứa nhỏ 10 tuổi chưa thể hiểu được tình yêu xót xa ấy và cũng không hiểu vì lý do gì khi biết câu ca, nó lại yêu loài hoa mọc ven bờ ven bụi kia hơn. Đôi khi đứng chơi bên bụi tầm xuân, tôi vẫn thường lẩm nhẩm đọc những câu ca dao thật hay ấy.

Tôi nhớ đám cưới o Duyên với những đóa tầm xuân được cắm vội trong chiếc bình gốm nho nhỏ giản đơn. Đám cưới nghèo, đến khay để bánh trái cũng phải thay bằng những tờ giấy màu xếp lại rất khéo. Và hoa trang trí chắc chắn khó tìm được loài nào phù hợp hơn tầm xuân vì không mất tiền mà vẫn đẹp lung linh trên bàn tiệc. Sau đám cưới o Duyên, thi thoảng tôi có cắt vài nhánh tầm xuân về cắm trên bàn học. Tầm xuân mau tàn hơn hẳn những loài khác, có lẽ bởi nó mình hạc mong manh quá. Chỉ cắm một hai ngày là cánh hoa héo rũ, rã rời. Trong khi đó, nếu ở trên cây, trên cành, bông hoa có thể tươi được vài ba ngày. Tự lúc nào đó, tôi bỗng học được bài học, nếu thương hoa, hãy để hoa trên cây, trên cành, từ loài hoa mảnh mai ấy.

Tôi đã từng nhiều hôm đứng bên hàng rào tầm xuân chỉ để ngắm sắc hoa dịu dàng và chờ những cơn gió xuân mơn man dâng hương. Trong chút nắng nhạt mềm của tháng Giêng, những đóa hoa vẫn lặng lẽ tỏa những gì tinh túy nhất để dâng đời, không cần biết có ai quan tâm mình hay không. Có lần nhớ tới những đóa tầm xuân, tôi bật cười khi nghĩ mỗi đóa hoa cũng có thể cho mình những bài học.

Khôi Nguyên Thảo

 

;
;
.
.
.
.
.