Niềm vinh dự của người lính tình nguyện

.

Ông Nguyễn Đức Mỹ, hiện ở kiệt 5/6 Phạm Phú Thứ, quận Ngũ Hành Sơn vừa nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ít ai nghĩ rằng, ở tuổi 90, ông vừa có chuyến đi Lào và được gia đình Hoàng thân Xuphanuvong đón tiếp trang trọng. Kể lại những tình cảm hữu nghị bạn dành cho mình, ông vẫn chưa hết xúc động.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Mỹ (thứ tư từ trái sang) và đồng đội chụp ảnh cùng lãnh đạo Lào tại Viêng Chăn (7-2019). Ảnh: nhân vật cung cấp
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Mỹ (thứ tư từ trái sang) và đồng đội chụp ảnh cùng lãnh đạo Lào tại Viêng Chăn (7-2019). Ảnh: nhân vật cung cấp

Kỷ niệm ở Khăng Khay

Quê Đại Lãnh (Đại Lộc, Quảng Nam), ông Mỹ gia nhập quân ngũ rất sớm và biên chế vào Thành Đội Đà Nẵng. Đến năm 1951, ông trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào, mở đầu cho 20 năm chiến đấu trên đất bạn. Vừa học tiếng, vừa tự túc lương thực, nhiệm vụ của ông và đồng đội giai đoạn này là giúp các tỉnh Hạ Lào gồm: Salavan, Attapeu, Champasac xây dựng chính quyền, cơ sở chính trị và lực lượng quân đội vững mạnh. Hiệp định Genève được ký kết, ông về lại Việt Nam, sau đó từ Quy Nhơn tập kết ra Bắc. Chưa được thảnh thơi hưởng ngày tháng hòa bình, Nguyễn Đức Mỹ được cử đi học thông tin, quân giới và cùng chiến sĩ quân tình nguyện Trung đoàn 673, Sư đoàn 335, Quân khu Tây Bắc hành quân qua Lào chiến đấu ở Cánh đồng Chum và các tỉnh Thượng Lào. Đầu năm 1965, ông cùng đại đội thông tin 23 nhận nhiệm vụ đặc biệt, đó là về bản Khăng Khay (Xiêng Khoảng), nơi ở và làm việc của Hoàng thân Xuphanuvong, sau này là Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Mỹ kể: “Chúng tôi sử dụng điện thoại hữu tuyến, máy bộ đàm 2W, máy đài 15W theo dõi suốt ngày đêm tình hình máy bay Mỹ đánh phá, truyền tin tức đến trung tâm đầu não kháng chiến Lào ở Khăng Khay; đồng thời hộ tống Hoàng thân từ Lào qua Việt Nam làm việc và ngược lại. Cùng với thông tin, lực lượng pháo cao xạ, bộ binh đều sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các nhà lãnh đạo của bạn. Suốt 6 tháng trời trong điều kiện ăn ở thiếu thốn giữa phong tỏa của kẻ thù, căn cứ vẫn bình yên”. Sau này làm trợ lý hậu cần cho Trung đoàn, Thiếu úy Nguyễn Đức Mỹ đã chỉ huy đội tàu thuyền chở gạo an toàn qua sông Nậm U khi địch ráo riết thả bom từ trường. Chiến công được cả đơn vị khen ngợi.

Đến năm 1971, do sức khỏe, anh bộ đội xứ Quảng giải ngũ và chuyển ngành về Tổng Công ty Than và Xi-măng (Bộ Vật tư). Ông Mỹ về nghỉ hưu năm 2000 khi công tác tại Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tiếp tục 15 năm làm Bí thư chi bộ, tham gia cựu chiến binh, thanh tra phường, gần đây, ông mới thực sự “gác kiếm” nghỉ ngơi. Hạnh phúc nhất là trong ba người con của ông có Trung tá Nguyễn Hà Bắc hiện là Phó trưởng Đoàn Văn công Quân khu 5 cũng nói tiếng Lào rất giỏi nhờ ảnh hưởng từ cha. Nhiều năm trước, anh Hà Bắc luôn tham gia kèm cặp các sinh viên thanh nhạc Lào sang học tập tại Việt Nam. Anh thường xuyên đi biểu diễn bên nước bạn và phục vụ lãnh đạo quân đội Lào sang thăm Quân khu 5.

Chuyến đi nhớ mãi

Tháng 6-2019, Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Lào có công văn gửi cho CCB Nguyễn Đức Mỹ, trong đó mời ông qua Lào tham dự các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Hoàng thân Xuphanuvong (13-7-2019). Khách mời từ Việt Nam là những người từng bảo vệ, phục vụ Hoàng thân trong kháng chiến. Do hầu hết người có công lao đều đã từ trần hoặc quá yếu nên đoàn qua Lào chỉ có 8 người.

Ông Mỹ trong số đại biểu lớn tuổi nhất. Dẫu thế, sự đón tiếp của bạn vô cùng trọng thị. Trong thời gian 6 ngày, đoàn đã đi thăm thành phố Viêng Chăn và tỉnh Khăm Muộn; gặp gỡ, giao lưu trong nhiều sự kiện quan trọng; tham dự triển lãm ảnh, tư liệu về Hoàng thân Xuphanuvong. 6 nhà lãnh đạo và đại diện các ban, ngành của Nhà nước Lào, trong đó có Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Phankham Viphavanh thân mật tiếp đoàn. Đồng chí Phankham Viphavanh bày tỏ cảm ơn về tình cảm, sự hy sinh của những người từng có thời gian bảo vệ, phục vụ Hoàng thân Xuphanuvong; đồng thời rất ấn tượng với các đại biểu nay tuổi cao, sức yếu vẫn cố gắng có mặt theo thư mời.

Buổi giao lưu tại Bảo tàng Cayxỏn Phomvihan ở Viêng Chăn chính là cơ hội tôn vinh các vị khách quý. Hội trường bảo tàng kín người. Trên sân khấu, bàn ghế được bố trí riêng cho đại biểu khách mời. CCB Nguyễn Đức Mỹ đã rất chân thành khi trả lời câu hỏi của con gái Hoàng thân Xuphanuvong về kỷ niệm với cha bà: “Do tính chất bí mật thời chiến, bảo vệ vòng ngoài, cách xa từ 60-80m, lại ở hầm hào là chính nên trung đội điện đài do tôi chỉ huy chưa có vinh dự được gặp Hoàng thân lần nào. Nhưng các chiến sĩ quân tình nguyện đều xác định vinh dự lớn lao của mình vì tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Mọi người đều vỗ tay tán đồng.

Nhớ lại những ngày sôi động ở Lào tháng 7-2019, ông Nguyễn Đức Mỹ không giấu vẻ tự hào: “Tôi chỉ là một người lính quân tình nguyện bình thường nhưng đã được đón tiếp vô cùng nồng hậu. Điều đó càng khiến tôi thêm tin yêu Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam làm nên bao thắng lợi vẻ vang ở trong nước và xây dựng nên tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào”.

Hằng ngày, người cựu binh này vẫn đọc báo, nghe đài, nắm bắt các dòng thời sự một cách rất minh mẫn. Các cuộc họp của hội, đoàn thể mời, ít khi ông vắng. Ông đã vinh dự được nhận Huân chương Tự do hạng nhất của Lào. Ngoài chuyến đi qua nước bạn nhân 110 Ngày sinh Hoàng thân Xuphanuvong, ông còn có hai lần thăm lại xứ Triệu Voi. Mới đây nhất là tháng 12-2019, ông cùng Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào thành phố Đà Nẵng được mời đi dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ban. Những chuyến đi càng làm người đảng viên 60 năm tuổi Đảng này thêm khỏe khoắn và truyền năng lực tích cực cho con cháu.

HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.