Hai chàng đẹp trai ở trại sáng tác

.

Phải nói ngay rằng trại ở đây là trại sáng tác văn học. Chả là sau 1975, để có điều kiện tập trung viết về cuộc kháng chiến đã qua, Quân khu 5 tổ chức hẳn một “trại viết” tầm cỡ kéo dài khá lâu tại Đà Nẵng, ở đó các anh bộ đội từng tham gia sáng tác ở các đơn vị thuộc quân khu, thậm chí mới chỉ có dấu hiệu của khả năng sáng tác đã được triệu tập về quân khu đóng ở Đà Nẵng. Từ đây, một lứa nhà văn hùng hậu xuất hiện, tạo nên diện mạo mới cho văn học Việt Nam: Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo, Nguyễn Chí Trung, Bùi Minh Quốc, Thu Bồn, Nguyễn Trí Huân....

Trại sáng tác văn học là nơi nhiều tác phẩm có chất lượng ra đời. Trong ảnh: Lễ khai mạc trại sáng tác văn học tỉnh Quảng Nam năm 2019. Ảnh: L.T
Trại sáng tác văn học là nơi nhiều tác phẩm có chất lượng ra đời. Trong ảnh: Lễ khai mạc trại sáng tác văn học tỉnh Quảng Nam năm 2019. Ảnh: L.T

Trại đã tạo điều kiện và không khí sáng tác tốt nhất để các nhà văn xuất thần, và cả lao động nhọc nhằn để làm ra những tác phẩm tạo dấu ấn đặc biệt trong lịch sử văn học. Dường như đây là trại sáng tác quy mô lớn nhất, tầm vóc lớn nhất được tổ chức, sau này dù có khá nhiều trại sáng tác được mở ra nhưng không thể nào tạo được dấu ấn như trại sáng tác Quân khu 5 hồi ấy.

Bẵng đi hơn mười năm, hè 1988, không hiểu từ những điều kiện nào mà Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức ra cả một trại sáng tác văn học hoành tráng cho hơn 30 tác giả trẻ các loại. Trại được tổ chức ở 34 Ông Ích Khiêm, cơ quan của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Trại tổ chức khá hợp lý và tiết kiệm: Dân Đà Nẵng thì ăn cơm nhà, dân các huyện như chúng tôi thì “tạm trú” nhà 34 Ông Ích Khiêm. Trại có khá nhiều nhân vật đặc biệt. Từng viết trong phong trào đô thị có Đặng Ngọc Khoa, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Văn Phụng... Từ chiến trường về có Nguyễn Trác, Tô Hoàn... Học trò các trường tụ tập về có Nguyễn An Lộc, em gái nhà văn Nguyễn Lộc An, tác giả của Màu lá dâu non; trẻ nhất là Nguyễn Bảo Văn, cô bé chuyên viết truyện đồng thoại có sức đọc kinh người và trí nhớ quá tốt đến từ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đông nhất có lẽ là các thầy, cô giáo về từ đồng bằng tới miền ngược.

Tôi mới chân ướt chân ráo vào nghề viết nhưng có lẽ ra vẻ “già” nhất nên được nhà thơ Hoàng Minh Nhân giao cho cái… trại trưởng. Nghĩa là hầm bà lằng mọi thứ cơm áo gạo tiền viết lách yêu đương phải cố gắng... quản tất! Ban đầu hơi hoảng một chút nhưng sau đó đâu lại vào đấy bởi thấy ai nấy cũng đều hết sức hồn nhiên từ già đến trẻ, từ miền xuôi chí miền ngược. Chủ yếu là viết và cho nhau những lời nhận xét còn rất rụt rè và mang đậm chất... giáo khoa thư mà sau này có người gọi là phê bình kiểu “nhà trường”, nghĩa là bài bản một cách cứng nhắc.  

Khai mạc đâu chừng một ngày bỗng có một anh chàng cao ráo đẹp trai, da trắng bóc như con gái tới trại. Gật đầu chào anh em xong là chàng ta lôi từ cặp ra một mớ bản thảo, mặc ai làm gì thì làm, gã ta cứ chăm chú đọc và đọc. Ai thấy cũng kinh hồn bạt vía! Lúc đầu chúng tôi cứ tưởng anh chàng này cố tình lòe thiên hạ thì phải. Ai cũng giữ kẽ nên không ai hỏi cho ra lẽ. Mãi đến mấy ngày sau mới vỡ lẽ ra là chàng ta đang... làm việc. Chính là Đà Linh, một anh chàng học đại học kế toán sau đó xung phong đi bộ đội, bắt đầu viết lách và có hẳn truyện dài “Câu chuyện dòng sông” in thành sách trước khi về trại. Sau này Đà Linh lại thêm mấy năm ở Đại học Văn hóa, học chuyên ngành xuất bản. Chính vì gã đang là biên tập viên nên để có thể theo kịp với trại, anh chàng đành phải mang bản thảo đến trại vừa tham gia trại vừa tranh thủ đọc duyệt bản thảo.

Hồi đó Đà Linh viết “Nàng Kim Chi sáu ngón” và gửi lại trại. Một truyện ngắn có kỹ thuật tốt. Nhiều anh em đọc và cảm được đằng sau câu chuyện gã viết là cả một mớ những ám ảnh của cuộc người, khác xa con người gã, nghĩa là khác xa cái dáng vẻ cao ráo trắng trẻo đẹp trai vô cùng thư sinh của một chàng trai Hà Nội gốc Quảng của gã. “Nàng Kim Chi sáu ngón” sau này đứng tên cho một tập truyện hay nhất của gã. Cái cách nói với phát âm khó khăn của gã cũng khiến nhiều người chú ý nhưng nhất là những ý tưởng khác lạ, sâu sắc mà gã dành cho tác phẩm của anh em cùng trại. Nghe Đà Linh góp ý, anh em thấy sáng ra nhiều điều và nhất là đọc ra chính năng lực thực sự của mình.

Sau Đà Linh ít bữa lại thêm một anh chàng cao ráo nữa xuất hện. Anh chàng này có đôi mắt sáng và giọng nói vang và rõ, tuy đặc sệt Quảng Nam. Bảo rằng đang làm Tổng phụ trách Đội tận trên Trà My. Nghe nói chủ yếu sáng tác nhạc phong trào là chính. Sáng tác nhạc sao lại có mặt ở đây - nhiều người thắc mắc. Nhưng có ý kiến: Thằng ấy viết văn sắc lắm, giọng mang hơi hướm chất “u mua”. Kiểu viết mang đậm tính kịch và ẩn chứa nhiều lớp nghĩa.

Y bị lưu ý đặc biệt ở ánh mắt, sáng một cách rất không bình thường, cũng như những góp ý nhận xét của y, vừa cụ thể khúc chiết vừa đề ra nhiều yêu cầu không phải dành cho những người mới tập tễnh bước vào nghề viết văn mà trong lòng vẫn nơm nớp lo rằng ra khỏi trại này có khi mình buông bút hẳn. Y góp ý thẳng thừng. Hình như có vẻ đúng như vây, đâu chừng một nửa số trại viên sau này buông bút hẳn. Những nhận xét của anh chàng khiến nhiều người, đặc biệt là tác giả của các tác phẩm được đem ra góp ý, thấy rõ vấn đề nhất. Nhiều người sau này đã tiến bộ khá rõ biết đâu lại nhờ những góp ý chân tình, đôi khi gây mất lòng của y? Làm nhạc nhưng y lại dẫn đầu trong cả hai cuộc thi sáng tác truyện ngắn do tỉnh tổ chức.

Một truyện ngắn mang chất Quảng pha chút “u mua” mang tên “Hội làng” đã đoạt giải nhất cuộc thi truyên ngắn năm 1990. Hình như năm trước đó bản nhạc “Cả nhà thương nhau” của y cũng đoạt giải nhất ca khúc viết cho thiếu nhi, tạo nên danh tiếng cho gã. Sau này gã còn in một tập truyện thiếu nhi, một tập truyện cho người lớn có tên mang đậm chất nhạc - Bản hợp xướng mùa đông, phần nào cũng nhen nhóm từ cảm hứng của lần dự trại năm xưa. Gã chính là nhạc sĩ Phan Văn Minh, sau này sở hữu một loạt giải thưởng từ địa phương tới Trung ương ngang bằng với chính tuổi lão đang được Thượng đế ban cho! Nghĩa là vẫn còn nhận giải dài dài…

Một trại viết, chỉ với sự xuất hiện của hai anh chàng đẹp trai thứ thiệt đã để lại những tác phẩm khó quên thì quá thành công rồi còn gì! Sau này nếu có ai chê bai các trại sáng tác thì có lẽ chỉ cần xem xét lại khâu “tổ chức” của trại ấy bởi tất cả đều xuất phát từ một điểm: còn đi đến đâu, xa hay gần, là chuyện của từng người, nếu đẹp trai như hai anh chàng tài hoa kia thì càng tốt!

Lê Trâm

;
;
.
.
.
.
.