Hướng đi nào cho điêu khắc Đà Nẵng?

.

Để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ phải lao động cật lực. Với điêu khắc, đó không chỉ là sản phẩm của sự sáng tạo tinh thần mà còn là sự cần mẫn của đôi bàn tay. Có tác phẩm chỉ vài ngày là xong nhưng cũng có tác phẩm phải khổ công hằng tháng trời.

Nhà điêu khắc Nguyễn Quang luôn dành thời gian để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Ảnh: Q.T
Nhà điêu khắc Nguyễn Quang luôn dành thời gian để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Ảnh: Q.T

Những bàn tay vàng

Trong căn nhà bừa bộn những gốc cây khô, đá cuội, tấm gỗ thừa… ở số 14 Trần Văn Ơn, nhà điêu khắc Nguyễn Quang (sinh năm 1974) đang miệt mài đục đẽo, giũa bào, cắt xén. Từ miếng gỗ ban đầu đủ hình thù kỳ dị, thô sần, chỉ 30 phút sau, dưới bàn tay ông đã dần nên hình nên dáng. Giới nghệ sĩ Đà Nẵng gọi ông là “Người tạo ra tác phẩm mỹ thuật từ gỗ”.

Nguyễn Quang bảo, thực sự ông là một nghệ sĩ đi lên từ bày tay trắng, không qua bất cứ trường lớp đào tạo nào. Điều duy nhất ông có đó là tình yêu mãnh liệt dành cho điêu khắc, cho nghệ thuật. “Ngày thường, tôi điêu khắc rễ cây, tạo dáng bonsai cho cây cảnh… để mưu sinh. Nhưng mỗi khi có thời gian rảnh, tôi lại lao vào sáng tác. Nghệ sĩ mà, ai chẳng muốn có tác phẩm đem đi trưng bày ở các triển lãm. Đó là cơ hội để mình chứng minh tay nghề cũng như là cơ hội để mình trao đổi, học hỏi kinh nghiệm ở các nhà điêu khắc khác”, nhà điêu khắc Nguyễn Quang trải lòng.

Để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ phải lao động cật lực, với điêu khắc, không chỉ là sự sáng tạo tinh thần mà còn là sự cần mẫn của đôi bàn tay. Bắt đầu là suy ngẫm tìm đề tài bằng trí tưởng tượng bay bổng, sau đó là vẽ ra giấy. Vẽ rồi vẽ, có khi thay đổi bản vẽ đến cả chục lần. Khi được bản phác thảo trên giấy ưng ý thì đến công đoạn nặn mẫu tượng bằng đất sét.

Công đoạn này đem lại cho người nghệ sĩ nhiều cảm hứng vì tác phẩm bắt đầu tượng hình. Khi ấy, ông lại cắm cúi uốn nắn, sửa sang để đạt được tượng mẫu hoàn chỉnh nhất. Kế đến là công đoạn chọn gỗ, đo tính tỷ lệ và bắt đầu những ngày gò lưng đục đẽo, giũa, cắt. Có tác phẩm chỉ vài ngày là xong nhưng cũng có tác phẩm phải khổ công hằng tháng trời.

Trong phòng khách nhà ông, tác phẩm Chợ chiều Hội An được treo ở vị trí trung tâm. Bức phù điêu mô tả cảnh thanh bình, êm ả của phố Hội buổi chiều tà. Nguyễn Quang bảo, bức phù điêu gỗ này có kích thước 90cm x 145cm, là một trong những tác phẩm khiến ông lao lực nhất và ưng ý nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình. “Đời nghệ sĩ có được vài tác phẩm ấn tượng đã là vui sướng lắm.

Mấy tác phẩm đó thường đi triển lãm xong là tôi treo tường, hoặc hết chỗ rồi thì đem… cất trong phòng. Mấy ai hiểu được giá trị của nghệ thuật. Dễ chi bán được một tấm. Mình cặm cụi hằng tháng trời ra một tác phẩm mà họ trả bèo cũng buồn”, ông bộc bạch.

Nếu như nhà điêu khắc Nguyễn Quang chọn gỗ làm vật liệu chủ đạo trong sáng tác thì nhà điêu khắc Lê Công Dũng (sinh năm 1964) lại dành tình yêu cho đá. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã điêu khắc hơn 20 bức tượng cùng hàng chục bức phù điêu. Hầu hết các tác phẩm được đem đi trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Lê Công Dũng được người trong nghề nhắc đến với tư cách là một nhà điêu khắc “say nghề”.

Thay vì chỉ “làm nguội” trong khâu hoàn thiện tác phẩm như các nhà điêu khắc đá vẫn làm thì Lê Công Dũng lại tự mình cầm máy cắt, trực tiếp thao tác trên đá từ khâu chế tác thô tới khâu hoàn thiện mỗi khi thực hiện. Dù có nhiều năm lăn lộn “trường đời” với nghề đục đẽo đá nhưng phải đến năm 2003, Lê Công Dũng mới thật sự có cơ hội bước chân vào địa hạt điêu khắc đá nghệ thuật.

“Thời điểm đó, Dự án điêu khắc Đà Nẵng do Bộ Ngoại giao và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy tài trợ vừa được khởi động, với hoạt động chính là đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điêu khắc tiên tiến cho các nghệ sĩ điêu khắc và thợ điêu khắc đá của thành phố Đà Nẵng; tổ chức sáng tác, trao đổi về điêu khắc và điêu khắc nghệ thuật.

Nhận thấy đây là cơ may để mình có cơ hội học hành bài bản, tôi đã làm đơn xin dự học. Trong bản viết tay gửi đến Ban quản lý dự án cũng như ở buổi thi vấn đáp ấy, trong tay tôi chỉ có duy nhất niềm đam mê. May mắn, tôi được ông Oyvin Storbaekhen - người chủ trì dự án chấp nhận”, Lê Công Dũng nhớ lại.

Được tiếp cận với nghệ thuật điêu khắc một cách bài bản, cộng với niềm đam mê, sự chịu khó mày mò, đến thời điểm Dự án điêu khắc Đà Nẵng kết thúc (tháng 6-2009), Lê Công Dũng đã có tới 12 tác phẩm được xếp vào danh mục tác phẩm chính thức của dự án, gồm tượng trang trí và tượng nghệ thuật. Trong đó, đáng kể nhất là các tác phẩm Huyền thoại Ngũ Hành Sơn, Vũ điệu, Thời áo trắng, Khỏa thân 1, Trầu cau…

Thật không may, cách đây 1 năm, nhà điêu khắc Lê Công Dũng gặp tai nạn xe máy. Vụ tai nạn đã lấy đi của ông sức khỏe và sức sáng tạo. Hiện tại, ông chỉ tạc tượng chân dung nhỏ (để bàn) nhưng công việc cũng không duy trì đều đặn.

“Trước khi bị tai nạn, tôi sáng tác năng nổ lắm. Hết làm tượng danh nhân cho các trường học đến làm những công trình nhà cổ, vào tận Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định làm. Giờ sức khỏe yếu rồi, đi xe máy cũng không dám đi xa nên không dám nhận nhiều, cũng buồn lắm”, Lê Công Dũng ngậm ngùi.

Cần kết nối giữa  nhà điêu khắc và làng nghề

Đà Nẵng có làng đá mỹ nghệ Non Nước, có Quỹ Điêu khắc đá Đà Nẵng và khá nhiều nhà điêu khắc tài hoa. Nhưng theo nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, Chủ tịch Hội đồng phụ trách điêu khắc thì cơ hội quảng bá, thể hiện cho các nhà điêu khắc Đà Nẵng khá hạn chế. Những cuộc triển lãm mỹ thuật Đà Nẵng, hay rộng hơn là miền Trung-Tây Nguyên, toàn quốc, rất ít anh em điêu khắc tham gia. Lý do thì nhiều.

Lê Công Dũng ngày còn sáng tác. (Ảnh chụp năm 2017, do nhân vật cung cấp)
Lê Công Dũng ngày còn sáng tác. (Ảnh chụp năm 2017, do nhân vật cung cấp)

Trong đó, yếu tố kinh tế vẫn là nguyên nhân quan trọng. Không như các địa hạt khác, muốn sáng tạo một tác phẩm điêu khắc thì trước hết phải có chất liệu. Chất liệu của điêu khắc bao gồm đá, đồng, gỗ… toàn là những chất liệu đắt tiền. Thêm vào đó, cuộc sống mưu sinh bận rộn cũng chiếm nhiều thời gian, khiến thời gian, không gian sáng tác của người nghệ sĩ bị thu hẹp.

Hiện tại, chuyên ngành điêu khắc (thuộc Hội Mỹ thuật thành phố) có 14 hội viên. Người lớn tuổi nhất là nhà điêu khắc Phạm Hồng (trên 70 tuổi). Người trẻ nhất cũng trên dưới 40. Lâu nay, cứ nhắc đến điêu khắc Đà Nẵng là mọi người thường nghĩ đến những nghệ nhân của Làng đá Non Nước.

Nhưng theo những nhà điêu khắc mà chúng tôi gặp, họ nói rằng cần có sự tách biệt giữa hai khái niệm nhà điêu khắc và nghệ nhân. Nhà điêu khắc là những người làm công việc sáng tạo, tác phẩm thường có tính khái quát cao. Trong khi đó, nghệ nhân là người tạo ra tác phẩm mới trên cơ sở tác phẩm đã có, không có ý tưởng sáng tạo độc lập và nó mang tính mỹ nghệ.

Nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh nói, trong khi làng đá Non Nước có sẵn nguồn lực, nhân lực thì các nhà điêu khắc có ý tưởng, nhiều phác thảo. Nếu có sự kết hợp giữa hai bên sẽ tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị bởi điêu khắc là công trình tập thể. Dù vậy, chưa từng có một cuộc gặp gỡ, trao đổi chuyên môn, ý tưởng giữa các nhà điêu khắc và làng nghề. Đây là một điều rất đáng tiếc.

“Thực tế, trong khi làng đá ngày một phát triển thì chỉ có 1, 2 nhà điêu khắc sống được với nghề. Đôi khi chúng tôi cũng chạnh lòng vì cảm giác như bị bỏ quên, không được đóng góp gì cho thành phố. Ai nấy chỉ lẳng lặng theo đuổi đam mê, “lấy ngắn nuôi dài””, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh trăn trở.

Có lẽ cần một cuộc gặp gỡ, kết nối giữa những nghệ sĩ và những người thợ sáng tạo với đá, mà đại diện một hội nghệ thuật chưa đủ sức đứng ra tổ chức; cần một sự giới thiệu, tổ chức ở tầm thành phố thì sự sáng tạo mới được đẩy lên ở tầm đỉnh cao, và người được lợi nhiều nhất là công chúng thưởng lãm và những nhà sưu tập ở trong và ngoài nước.

Quỳnh Trang
 

;
;
.
.
.
.
.