Ngành khách sạn vượt khó

.

Trước tình hình Covid-19 diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ngành khách sạn Đà Nẵng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tại nhiều khách sạn vừa và nhỏ, lượng khách đặt phòng đang giảm ở mức kỷ lục, tỷ lệ kín phòng chưa đến 10%.

Trong khi đó, các khách sạn 4, 5 sao đã bắt đầu tính đến phương án giảm thiểu nhân sự, áp dụng ngày nghỉ không lương cho cán bộ cao cấp, không gia hạn hợp đồng hết hạn hoặc cắt giảm một số vị trí không cần thiết… với mục đích giảm chi phí nhằm tránh thiệt hại kép: vừa mất nguồn thu, vừa mất tiền trả lương cho đội ngũ nhân viên.

Ngành du lịch Đà Nẵng hướng đến các giải pháp duy trì nguồn khách. Trong ảnh: Khách tham quan,  du lịch tại Bà Nà. Ảnh: T.Y
Ngành du lịch Đà Nẵng hướng đến các giải pháp duy trì nguồn khách. Trong ảnh: Khách tham quan, du lịch tại Bà Nà. Ảnh: T.Y

Từ sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tuyến đường Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt… không còn cảnh tấp nập du khách như trước. Theo kết quả khảo sát nhanh của Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng ở một số khách sạn ven biển, công suất phòng hiện chỉ đạt 30-40%, thậm chí có khách sạn chỉ duy trì hoạt động với 10% công suất.

Chị Bích, chủ đầu tư một khách sạn 50 phòng trên tuyến đường Võ Văn Kiệt cho biết, trước thời điểm xảy ra Covid-19, công suất phòng của khách sạn này luôn đạt 80-90%, nay thì nguồn khách cho tháng 3, 4 hầu như không có.

“Khó khăn hiện nay của chúng tôi là chi phí vận hành, trả lương cho đội ngũ phục vụ, chưa kể khoản nợ đầu tư đến kỳ hạn phải trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi. Đây là thời điểm thật sự áp lực đối với doanh nghiệp. Nếu kéo dài thêm vài tháng nữa, có thể chúng tôi phải tạm thời đóng cửa để cắt giảm chi phí”, chị Bích nói.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, tính từ thời điểm khởi phát Covid-19 đến nay, ngành du lịch thành phố thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng. Sau khi dừng hoàn toàn các chuyến bay đưa - đón khách đến từ vùng dịch, theo phản ứng dây chuyền, các thị trường xa như: châu Mỹ, châu Âu cũng bắt đầu hủy tour hoặc không đặt tour mới, trong các tháng 3, 4, 5…

Việc hủy bỏ chuyến đi, thay đổi lịch trình của các đối tượng khách này cũng khiến cho ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong nhiều tháng tới. “Nếu chúng ta dập dịch tốt, khoảng tháng 6 ngành du lịch mới có dấu hiệu phục hồi, còn không sẽ mất nguyên năm 2020 thua lỗ hoặc hoạt động không hiệu quả”, ông Dũng khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng cho hay, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng vô cùng lớn tới ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. “Tình hình kinh doanh của các cơ sở lưu trú hiện nay có thể dùng từ “cầm cự”, một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang tính phương án đóng cửa hoặc cho nhân viên nghỉ không lương, một số khách sạn có tiềm lực tài chính tốt thì tập trung vào tiết kiệm chi phí, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực và bảo trì bảo dưỡng cơ sở vật chất”, ông Quỳnh nói.

Không nằm ngoài áp lực đó, bà Lê Thị Thu Diệp, Tổng Giám đốc Pullman Danang Beach Resort cho biết, doanh nghiệp cũng đang gặp phải những khó khăn về tài chính khi phần lớn nguồn khách tháng 3, 4, 5 quyết định hủy tour, doanh nghiệp đã trả lại tiền khách đặt cọc từ trước đó. Nguồn thu sụt giảm trong khi gánh nặng chi trả lương cho đội ngũ quản lý, nhân sự vẫn phải tiếp tục.

Ngày 2-3, Công ty CP Vinpearl phát đi thông báo đóng cửa tạm thời 7 khu nghỉ dưỡng, khách sạn, spa tại Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc để duy tu, bảo trì trong giai đoạn thấp điểm do ảnh hưởng của Covid-19. Ở Đà Nẵng, công ty này đóng cửa Vinpearl Resort & Spa Đà Nẵng, chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo thông báo này, trong thời gian đóng cửa, khách hàng đặt phòng tại các cơ sở trên sẽ được công ty điều chuyển đặt phòng sang cơ sở khác của Vinpearl trong cùng điểm đến và được nâng cấp các dịch vụ trong quá trình lưu trú theo chính sách của Vinpearl. Bà Võ Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinpearl cho hay Vinpearl cam kết đưa ra những giải pháp tốt nhất để bảo đảm tối đa lợi ích khách hàng, cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng trong thời gian lưu trú, bảo dưỡng và trong giai đoạn ảnh hưởng bởi Covid-19. “Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của khách hàng trong giai đoạn khó khăn này”, bà Thảo nói.

Trong khi đó, một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn ở Đà Nẵng đã bắt đầu cắt giảm nhân sự, xây dựng chương trình bảo vệ sức khỏe khách hàng cũng như đưa ra những chính sách khuyến mãi chưa từng có nhằm cân đối nguồn thu - chi cho doanh nghiệp. Furama Resort đang tiếp tục cắt giảm chi phí, trả lương nghỉ bù và phép cho nhân viên, tập trung vào đào tạo và bảo trì bảo dưỡng. Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc điều hành Furama Resort cho biết, đơn vị đang tập trung duy trì lượng khách quen thuộc, kết hợp với các hãng hàng không đang có chương trình kích cầu để đưa ra các gói khuyến mãi hấp dẫn cho du khách.

Tăng cường món ăn có chất đề kháng là một trong những giải pháp nhiều nhà hàng, khách sạn đang áp dụng để bảo vệ sức khỏe khách hàng. Ảnh: T.Y
Tăng cường món ăn có chất đề kháng là một trong những giải pháp nhiều nhà hàng, khách sạn đang áp dụng để bảo vệ sức khỏe khách hàng. Ảnh: T.Y

Năm 2020 là năm quan trọng của ngành du lịch Đà Nẵng khi có rất nhiều hội nghị quan trọng của ASEAN, của thế giới diễn ra tại thành phố này. Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi chờ sự hỗ trợ của thành phố như giảm thuế, giảm lãi suất, kéo dài thời gian khoanh nợ,... thì ngành du lịch Đà Nẵng cần ưu tiên kiểm soát dịch, bảo đảm không có trường hợp nhiễm bệnh lây lan ra cộng đồng. Các đơn vị khách sạn thuộc Hiệp hội Du lịch thành phố cần nghiêm túc và hợp tác tốt với Sở Y tế, Sở Du lịch. Trong bối cảnh này, ngành du lịch cần tập trung mạnh mẽ quảng bá Đà Nẵng tới các điểm đến có đường bay thẳng, đặc biệt là Lào, Nga và Ấn Độ (nơi sẽ có đường bay thẳng và thuê chuyến đến Đà Nẵng vào tháng 3, 4, 5-2020). Việc kiểm soát tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng như hiện nay sẽ trở thành “điểm cộng” của chúng ta trong lòng du khách gần xa.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ các kinh nghiệm quản lý cũng như xử lý khủng hoảng về dịch bệnh giữa các đơn vị du lịch là vô cùng cần thiết. Theo ông Quỳnh, Hiệp hội Du lịch cần phải tuyên truyền sâu rộng về tác hại, hậu quả của dịch bệnh, thay đổi nhận thức của các cá nhân cũng như lãnh đạo doanh nghiệp. Trong đó, mỗi một doanh nghiệp sẽ phải tự đánh giá “sức khỏe” của đơn vị mình để đưa ra những giải pháp phù hợp, ví dụ dừng hoạt động, sắp xếp lại nhân sự và cơ cấu nhân sự, liên kết với nhau, chuyển khách cho nhau để tăng tỷ lệ kín phòng, hạn chế thua lỗ dẫn đến phá sản.

TIỂU YẾN

 

;
;
.
.
.
.
.