Phá cách trong sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ trẻ

.

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố cho rằng: “Thế hệ kế cận trong lĩnh vực mỹ thuật Đà Nẵng khá đông đảo, quy tụ được những anh chị em có nghề, được đào tạo bài bản thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x. Có thể thấy, những sáng tác mới của lớp họa sĩ trẻ không chỉ góp phần kế thừa mà còn đưa mỹ thuật thành phố uyển chuyển, tiếp cận với nghệ thuật đương đại. Một số họa sĩ trẻ tạo được phong cách, bút pháp và trường phái riêng…”.

Vợ chồng họa sĩ Ngô Thanh Hùng, Đặng Thị Phượng đang sáng tác tại xưởng vẽ.Ảnh: M.H
Vợ chồng họa sĩ Ngô Thanh Hùng, Đặng Thị Phượng đang sáng tác tại xưởng vẽ.Ảnh: M.H

Tốt nghiệp chuyên ngành đa khoa (lụa, sơn dầu, sơn mài), ngành Hội họa, Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) vào đầu năm 2014 và phải mất 1 năm, sau khi trải qua nhiều nghề: vẽ tranh trường, dạy vẽ ở những trung tâm… để có tiền “nuôi” đam mê, họa sĩ Nguyễn Hữu Đức (sinh năm 1991) mới có thời gian chuyên tâm vào sáng tác cũng như dần định hình được phong cách riêng. Với mong muốn dùng nét cọ để phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội, tác phẩm hội họa dễ đi vào lòng người, dễ hiểu, dễ cảm nhận, anh đã định hướng sáng tác theo trường phái hội họa hiện thực.

Họa sĩ Hữu Đức chia sẻ: “Tôi chọn hiện thực vì tôi là một người ưa tìm tòi, thích phân tích, lý giải các hiện tượng và có khả năng vẽ hình. Tôi mê cổ điển vì sự chuẩn mực trong bố cục và diễn tả. Tôi ấn tượng với hòa sắc tự nhiên, có không khí. Tôi cũng mê phong cách dã thú với bảng màu mạnh mẽ, chói chang. Tôi muốn “hiện thực” của tôi hội tụ đủ các thứ ấy. Chính vì vậy, về bút pháp, tôi kết hợp cả cổ điển, biểu hiện và trừu tượng”.

Vốn là một người con của Quảng Nam nên thật dễ hiểu khi Hữu Đức chọn Hội An là chủ đề xuyên suốt trong đa số sáng tác với chất liệu sơn dầu, ở các thể loại khác nhau: phong cảnh, tĩnh vật, chân dung... Gần một năm nay, anh còn thử sức với chất liệu sơn mài truyền thống Việt Nam, chủ đề về phong cảnh Huế và đây cũng sẽ là chất liệu chính anh chọn trong thời gian đến. Họa sĩ Hữu Đức cho biết, anh đang dần chuyển từ trường phái hội họa hiện thực sang hội họa hiện thực ấn tượng.

Qua những sáng tác của anh, dường như ai cũng cảm thấy được sự thân thương, gợi nhớ kỷ niệm. Một số tác phẩm nổi bật của họa sĩ Hữu Đức có thể kể đến như: Chiều trên lăng Tự Đức, Nắng sớm trên lăng Minh Mạng (cùng chất liệu sơn mài truyền thống Việt Nam), Hẻm nhỏ (chất liệu sơn dầu).

Khác với họa sĩ Hữu Đức, họa sĩ Ngô Thanh Hùng (sinh năm 1982) và vợ là họa sĩ Đặng Thị Phượng (1983), cùng đang công tác tại Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng lại định hình phong cách theo trường phái hội họa biểu hiện trừu tượng. Tuy nhiên, tùy bút pháp, cảm xúc của mỗi họa sĩ sẽ có cách thể hiện khác nhau.

Họa sĩ Thanh Hùng chia sẻ: “Trước đây, tôi theo trường phái hội họa trừu tượng nhưng hiện tại tôi theo đuổi trường phái hội họa biểu hiện trừu tượng. Chúng ta có thể hiểu, hội họa trừu tượng thì không có hình khối cụ thể, khi nhìn vào sẽ thấy được nhiều thứ theo cảm nhận riêng, tùy sự tưởng tượng của mỗi người. Biểu hiện trừ tượng là thiên về biểu hiện cảm xúc về hình tượng, biểu hiện màu, đường nét, mảng khối...”.

Từ khi bắt đầu sáng tác vào khoảng năm 2006 đến nay, người xem dễ dàng nhận ra hai chủ đề xuyên suốt trong các sáng tác của họa sĩ Hùng là chọi trâu và phong cảnh Đà Nẵng. Riêng về chọi trâu, mỗi tác phẩm thể hiện một tư thế khác nhau của con trâu, qua đó mang những nội dung tư tưởng khác nhau. Điều này lý giải vì sao những người trong giới đặt cho anh cái tên “Hùng Trâu”. Họa sĩ Thanh Hùng bảo: “Tôi mê hình ảnh con trâu đơn giản vì nó là hình ảnh đặc trưng về làng quê Việt Nam”. Hình ảnh con trâu trong sáng tác của anh phóng khoáng, màu sắc sinh động.

Còn họa sĩ Đặng Thị Phượng chọn chủ đề về cuộc sống mưu sinh của những ngư dân với chất liệu sơn dầu và về các lăng mộ cổ ở Huế với chất liệu sơn mài truyền thống. Tuy nhiên, với chị, cuộc sống là phải luôn luôn khám phá, tìm tòi những cái mới để biết được thế mạnh của mình nằm ở đâu nên trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục chọn những chủ đề khác để làm nguồn cảm hứng sáng tác. Nếu họa sĩ Thanh Hùng tập trung vào chất liệu sơn dầu, thì họa sĩ Đặng Thị Phượng lựa chọn song song giữa sơn dầu và sơn mài lụa. Một số tác phẩm nổi bật của họa sĩ Thanh Hùng là: Thời gian, Bên sông. Một số tác phẩm của họa sĩ Đặng Thị Phượng gồm: Vết tích, Nguyện cầu, Đợi, Linh cảm niềm đau, Hy vọng.

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố chia sẻ, “Các họa sĩ trẻ là một lớp thế hệ kế cận mà những năm gần đây chúng tôi đặc biệt chú ý. Theo đó, có nhiều câu lạc bộ, nhóm họa sĩ trẻ ra đời, quy tụ những họa sĩ trẻ sáng tác tốt. Lớp thế hệ kế cận khá đông đảo, thuộc các thế hệ 7x, 8x, 9x. Họ được đào tạo bài bản, đa phần đều tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín, có nhiều người là thạc sĩ. Họ làm việc rất bài bản, đi sâu vào chất liệu sáng tác.

Sống bằng nghề sáng tác là một điều khá khó khăn song vẫn có những họa sĩ trẻ có thể sống tốt bằng nghề. Qua đó, có thể khẳng định rằng các họa sĩ sáng tác tốt, tác phẩm có chất lượng. Có những họa sĩ trẻ song song giữa sáng tác và giảng dạy ở các trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật,... Theo nhận xét của tôi và nhiều họa sĩ đàn anh, thế hệ họa sĩ trẻ hiện nay có cách nhìn mới, bắt nhịp được trào lưu, xu hướng hội nhập của mỹ thuật đương đại. Chúng tôi đánh giá khá cao và rất tin tưởng vào tài năng của lớp họa sĩ kế cận hiện nay”.

MAI HIỀN



 

;
;
.
.
.
.
.