An ninh mạng

Covid-19 và trách nhiệm của truyền thông

.

SARS-CoV-2 là virus chủng mới mới xuất hiện, và những con số người nhiễm bệnh, người tử vong hằng ngày, hằng giờ được báo chí cập nhật khiến người dân không khỏi lo lắng. Ai nấy đều nháo nhào tìm kiếm thông tin nhằm bảo vệ bản thân, gia đình khỏi con virus bé xíu kia. Việc truyền thông như thế nào để công chúng không rơi vào hoảng loạn là điều tối quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.

Phóng viên, nhà báo cũng là những chiến sĩ trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19. TRONG ẢNH: Phóng viên tác nghiệp xuyên đêm tại chốt chặn phòng dịch ở cửa ngõ phía nam hầm Hải VânẢnh: HUY ĐẠT
Phóng viên, nhà báo cũng là những chiến sĩ trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19. TRONG ẢNH: Phóng viên tác nghiệp xuyên đêm tại chốt chặn phòng dịch ở cửa ngõ phía nam hầm Hải Vân. Ảnh: HUY ĐẠT

1. Cuộc chiến chống Covid-19 ở Đà Nẵng khởi động từ rất sớm nhưng chính thức “tuyên chiến” vào những ngày cận Tết Canh Tý vô cùng bận rộn.  Thời gian đầu, khi báo chí chính thống ở Việt Nam chưa đề cập nhiều đến đường lây thì người dân đã “lục tung” MXH, hay các trang báo để tìm hiểu.

Và một điều đáng ghi nhận là các bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng sẵn sàng trả lời phỏng vấn cho các báo để thông tin về các ca bệnh, về vấn đề nhiễm bệnh/ đường lây được rõ ràng để người dân hiểu.

Bên cạnh đó, Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) thường xuyên cập nhật tình hình về dịch bệnh lên trang web; và luôn nhắc nhở người dân về việc làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch; nhờ đó tạo được tâm lý ổn định trong cộng đồng.

Chính phủ xác định “chống dịch như chống giặc”, vì vậy, các nhà báo đương nhiên là những chiến sĩ tuyến đầu trong đợt chống dịch này. Truyền thông là một mắt xích quan trọng trong việc triển khai nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong tình huống khẩn cấp như phòng, chống Covid -19 lại càng đặc biệt quan trọng.

Xác định tầm quan trọng của truyền thông như vậy, nên thành phố Đà Nẵng đã thành lập Tiểu ban Truyền thông phòng, chống Covid-19 (thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố), Sở Thông tin và Truyền thông, Tổ công tác thông tin báo chí thành phố đã rất khẩn trương và trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin.

Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 4 phương án truyền thông theo 4 cấp độ dịch. Đến nay sở đã soạn thảo và gửi 13 bản tin đột xuất; hơn 50 công văn hướng dẫn truyền thông; hàng chục văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến phòng, chống dịch gửi cho cơ quan báo chí. Tất cả các thông tin trên đều được gửi bất cứ thời gian nào trong ngày, qua thư điện tử, tài khoản MXH để bảo đảm tính nhanh chóng, kịp thời.

Theo đó, từ ngày 23-1-2020 đến nay, đã có hơn 3.200 tin, bài được các cơ quan báo chí thực hiện, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch. Tổng đài 1022 (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) đã cung cấp kịp thời, chính xác bằng hình thức gửi tin nhắn cho gần hàng triệu lượt thông tin đến 936.000 tài khoản Zalo, 673.400 lượt tài khoản Facebook, SMS của người dân trên địa bàn thành phố.

2. Nhà báo Lê Phi (Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trách nhiệm của một nhà báo trong công tác phòng, chống Covid-19 là phải thông tin kịp thời, chính xác và trung thực; đồng thời, cần phải thông tin một cách có trách nhiệm với cộng đồng, cùng chung tay để đấu tranh với các thông tin giả, tin đồn trên mạng xã hội gây tâm lý hoang mang cho người dân; bên cạnh đó là cần thông tin về sự cống hiến hết mình của những y bác sĩ và những người ở tuyến đầu đang quên mình chống dịch.

Báo chí trong giai đoạn này cũng cần tuyên dương về những hành động, nghĩa cử cao đẹp của các tầng lớp nhân dân cùng chung tay góp sức chống dịch, nhất là tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch như: tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và cấm tụ tập đông người.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự xuất hiện thường xuyên của lãnh đạo thành phố, hay “tư lệnh” các ngành chức năng tạo sự tin tưởng lớn với công chúng. Người dân cảm thấy yên tâm khi các lãnh đạo làm việc ngày đêm nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Lúc này, truyền thông đóng vai trò cầu nối cực kỳ quan trọng.

Các cuộc họp chỉ đạo liên tiếp diễn ra, thể hiện tính chất cấp bách “chống dịch như chống giặc”. Không thể không nhắc đến cuộc họp đột xuất để giải quyết vụ 20 du khách từ Daegu (Hàn Quốc) nhập cảnh vào Đà Nẵng cùng thời điểm dịch đã bắt đầu bùng phát ở Daegu.

Trong khi Trung ương chưa có chủ trương chính thức về cách ly các trường hợp này nên Đà Nẵng ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, một mặt phải chấp hành chỉ đạo của Trung ương, một mặt phải bảo đảm an toàn cho du khách và người dân thành phố. Vậy là có một cuộc họp bắt đầu từ… 12 giờ 30 trưa 25-2-2020, với thành phần là các bên liên quan, trong đó có cả Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, cuộc họp kết thúc lúc 15 giờ cùng ngày để cuối cùng, ngay trong tối hôm đó, “nút thắt” đã được gỡ bỏ, 20 vị khách sau 2 ngày được cách ly đã lên đường về nước sớm hơn dự định.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, một công tác khó khăn không kém đó là điều chỉnh các thông tin đăng tải chưa trúng, đấu tranh các thông tin sai lệnh. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, trong chiến dịch chống Covid-19 vừa qua, sở đã phát hiện đề nghị các cơ quan báo chí điều chỉnh 5 lượt thông tin đăng tải trên báo chí vì đưa tin chưa chính xác.

Việc phòng, chống dịch có rất nhiều khâu, nhiều đầu mối, nhiều lĩnh vực chuyên môn; công tác truyền thông phải bảo đảm tính công khai, minh bạch nhưng phải có lợi cho công cuộc chống dịch, vì vậy, khó khăn lớn nhất trong công tác tuyên truyền có lẽ là việc phải thường xuyên cập nhật, xử lý các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau để cung cấp cho báo chí. Đây thực sự là một thách thức lớn.

Còn nhiều lắm những tình huống, vụ việc phát sinh được giải quyết một cách kịp thời, thấu đáo do có sự chỉ đạo sát sao từ thành phố, sự phối hợp có trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, để từ đó Đà Nẵng vẫn vững vàng trên trận tuyến chống dịch đến ngày hôm nay.

Và cũng qua đó, các cơ quan báo chí, truyền thông có được nguồn thông tin trung thực, chính thống đến với dư luận một cách sớm nhất, xua tan những thông tin thất thiệt, những lời đồn thổi vô căn cứ có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, góp phần tạo thành sức mạnh cho cả hệ thống chính trị trong cuộc “chiến đấu” đầy cam go vì một Đà Nẵng bình an và thân thiện.

Với một đại dịch mà cả thế giới chưa bao giờ gặp phải thì việc gặp phải vấn đề này, vấn đề nọ là đương nhiên. Bên cạnh việc Chính phủ đã hành động nhanh chóng, quyết đoán thì như báo chí quốc tế đánh giá, một trong những “bí quyết” giúp Việt Nam làm chậm tốc độ lây lan của virus là truyền thông rõ ràng và minh bạch thông tin.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.