Sống dựa vào di tích

.

Đà Nẵng có nhiều di tích là sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, giúp người dân ở trong khu vực có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Ảnh: XUÂN SƠN
Danh thắng Ngũ Hành Sơn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Ảnh: XUÂN SƠN

1. Nói đến di tích lịch sử, văn hóa có sức hấp dẫn du khách bậc nhất ở Đà Nẵng thì có lẽ cái tên danh thắng Ngũ Hành Sơn được nhắc đến nhiều nhất. Khác với các hang động ở những nơi khác, hang động Ngũ Hành Sơn thường ở trên các đỉnh núi cao nên trong lòng động hầu như không có các cột thạch nhũ treo từ trần động xuống hoặc mọc tua tủa trên khắp nền động. Nóc động thường có những lỗ thông với bên ngoài, nên trong động rộng rãi, thoáng mát, nền động bằng phẳng. Ngoài ra, ở điểm đến này còn thu hút du khách bởi các ngôi chùa có từ lâu đời như: chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng…

Cũng chính ở sự hấp dẫn như vậy, từ khi được khai thác phục vụ du lịch cho đến nay, di tích Ngũ Hành Sơn đã giúp các hộ dân sống xung quanh có thêm nguồn thu nhập, có thể nói, họ sống dựa vào di tích. Bà Lê Thị Tứ, chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm đá mỹ nghệ tại số 80 Huyền Trân Công Chúa cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, nhận thấy khách tham quan di tích Ngũ Hành Sơn có nhu cầu gửi xe nên tôi mở dịch vụ giữ xe ngay tại nhà của mình. Một thời gian sau,  tôi bán thêm đồ lưu niệm đá mỹ nghệ, nước đóng chai. Tuy không bằng các cửa hàng lớn nhưng thu nhập cũng đủ sống. Riêng giữ xe, mỗi ngày tôi cũng kiếm được khoảng 150.000 đồng với giá mỗi lượt gửi là 5.000 đồng/xe máy”.

Bà Huỳnh Thị Kim Loan, chủ một cơ sở sản xuất và bán đồ lưu niệm đá mỹ nghệ tại số 114 Huyền Trân Công Chúa cho hay: “Tôi mở quầy hàng đồ lưu niệm được khoảng 5 năm nay, chủ yếu là bán cho khách sỉ trên toàn quốc, khách du lịch thì cũng có nhưng không đáng kể”. Còn với ông Trần Ngọc Phương, chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm đá mỹ nghệ, bán nước giải khát đóng chai, nước mía, nước dừa thì chuyện bán cho khách du lịch có phần thuận lợi hơn khi có vị trí khá đắc địa, ngay khu vực cổng ra vào thang máy, bãi xe của khu di tích. Ông Phương chia sẻ: “Có vị trí thuận lợi nên quán của tôi bán được lắm. Khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch, mỗi ngày tôi bán được khoảng vài triệu đồng. Trước khi có lệnh cách ly xã hội,  tôi cũng bán được lai rai mà chủ yếu là khách châu Âu còn như bình thường thì khách Trung Quốc, Hàn Quốc là chính. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi nhưng mấy hôm nay lại không buôn bán được gì, mong sao sớm hết dịch”.

Ông Huỳnh Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Đối với phường Hòa Hải, thì tác động của khu di tích Ngũ Hành Sơn đến đời sống của các hộ dân sống quanh khu di tích là rất rõ nét, trong đó chủ yếu là các hộ sống trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, dẫn vào khu di tích. Trong những năm qua, hầu như ngành du lịch của phường Hòa Hải phụ thuộc vào di tích Ngũ Hành Sơn. Ngành thương mại, dịch vụ của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cũng đi liền với di tích Ngũ Hành Sơn”. Tính đến nay, trên địa bàn phường có hơn 120 hộ làm nghề thương mại, dịch vụ liên quan đến di tích, danh thắng Ngũ Hành Sơn và Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước với các ngành nghề như: bán đồ lưu niệm; mở dịch vụ cho du khách tự tay chế tác đá thành các sản phẩm vòng tay, chuỗi hạt; dịch vụ vận chuyển, giữ xe, bán nước giải khát… Ngoài ra, còn có gần 400 hộ chuyên về sản xuất các sản phẩm liên quan đến đá.

2. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 2-2020, di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 323.986 lượt khách đến tham quan; trong đó, khách nước ngoài khoảng 225.508 lượt; tổng thu ngân sách khoảng 13 tỷ đồng. Trong năm 2019, di tích đón hơn 2,1 triệu lượt khách đến tham quan; trong đó, khách nước ngoài khoảng 1,331 triệu lượt; tổng thu ngân sách khoảng 85 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý di tích, danh thắng Ngũ Hành Sơn chia sẻ: “Để di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách, chúng tôi chú trọng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích; quan tâm công tác trùng tu, tôn tạo. Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá trên các kênh thông tin, truyền thông, trang web của đơn vị; thực hiện kích cầu du lịch. Trong thời gian đến sẽ giảm giá vé tham quan ngay khi kiểm soát được Covid-19 theo chủ trương, chỉ đạo của các cấp; nghiên cứu, phát triển thêm các loại hình dịch vụ mới để thu hút khách; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách; vệ sinh môi trường, cảnh quan trong khu di tích; an toàn phòng, chống cháy, nổ trong mùa khô, nóng và làm tốt công tác phòng, chống lụt bão trong mùa mưa”.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho rằng: “Khi các di tích lịch sử, văn hóa có du khách ghé thăm sẽ đem lại nguồn thu, phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo. Ngược lại, di tích lịch sử, văn hóa góp phần làm cho sản phẩm du lịch trở nên phong phú hơn, hấp dẫn hơn. Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đang được quy hoạch để thành công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, biến nơi đây thành một công viên mang tính tâm linh, văn hóa”.

Như vậy, với việc hàng trăm hộ dân có thể sống dựa vào di tích, danh thắng Ngũ Hành Sơn, bằng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ đá; và khi công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn hình thành, lượng du khách có thể còn tăng cao hơn con số hơn 2 triệu khách mỗi năm như hiện nay, thì cuộc sống của người dân sẽ càng bền vững với các ngành nghề, dịch vụ ở quanh danh thắng.

MAI HIỀN
 

;
;
.
.
.
.
.