Nhiều thành phố và nhiều quốc gia trên thế giới quyết định phong tỏa để hy vọng sớm chặn sự lây lan của virus Corona. Điều này làm cho dòng kiều hối bị thu hẹp, gây tổn hại cho nền kinh tế của những nước chờ đợi nguồn thu nhập của người lao động nhập cư.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế, Thái Lan là nơi có tới 5 triệu lao động nhập cư từ các nước láng giềng như Campuchia, Myanmar và các nước khác. Ảnh: AP |
Vùng Vịnh lao đao
Banjeet rời Ấn Độ sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) để làm đầu bếp trong chuỗi nhà hàng ở Dubai suốt hai thập niên qua. Người đàn ông này cực kỳ chăm chỉ làm việc để kiếm tiền gửi về giúp đỡ gia đình ở quê nhà chừng ấy năm qua. Dịch bệnh do virus Corona ập tới khiến Benjeet trở thành… nạn nhân khi chuỗi nhà hàng anh làm 20 năm qua quyết định cho anh nghỉ vì tạm đóng cửa.
Banjeet quyết định vẫn ở lại Dubai thêm 3 tháng nữa để tìm việc làm mới thay vì trở về quê nhà như các đồng hương của anh. Ngay cả bây giờ, anh muốn trở về Ấn Độ cũng không được bởi vì UAE quyết định hạn chế các chuyến bay quốc tế trong thời gian này.
Một số quốc gia vùng Vịnh, các vùng lãnh thổ Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) cũng như các nền kinh tế phụ thuộc vào lực lượng công nhân nhập cư hiện đối mặt với những khó khăn vì dịch bệnh. Công nhân nhập cư chủ yếu làm trong các lĩnh vực xây dựng, chăm sóc người bệnh và phục vụ nhà hàng… Một số công ty, gia đình cố gắng giữ nhân viên làm việc nhưng tình trạng phong tỏa khiến ngành du lịch, dịch vụ và xây dựng đình trệ nhưng một khi thời gian kéo dài quá lâu buộc phải cho nghỉ để giảm bớt khó khăn tài chính.
Khi người lao động nhập cư mất việc thì không chỉ nền kinh tế nơi họ đang làm việc gặp khó khăn mà quê hương của họ cũng ngấm đòn. Các nhà phân tích cho rằng, đó là cú sốc lớn với các nền kinh tế phụ thuộc vào kiều hối, nhất là Ấn Độ và Philippines. Nó tấn công vào hai khía cạnh là khi những người này trở về quê hương sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn và lượng kiều hối cũng tụt xuống. Nicholas Mapa, một nhà kinh tế cao cấp người Philippines cho biết, người dân nước ông tỏa ra đi làm khắp thế giới, từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu cho tới vùng Vịnh. Chỉ riêng kiều hối nhận từ vùng Vịnh trong những năm gần đây luôn đạt trên 100 tỷ USD. Số liệu từ Ngân hàng Thế giới thì UAE và Arabia Saudi là hai nước xuất kiều hối nhiều thứ 2 và 3 thế giới. Người nước ngoài chiếm 1/3 trong tổng dân số 30 triệu người của Arabia Saudi và làm việc trong gần 80% ở lĩnh vực kinh tế tư nhân. Ở UAE, người nhập cư chiếm tới... 80% dân số.
Một chút may mắn là giá trị đồng tiền USD đang tăng giá nên lượng tiền người lao động nhập cư Philippines gửi về quê nhà có giảm nhưng vẫn có giá trị lớn khi quy đổi ra đồng tiền bản xứ, ít nhất là trong ngắn hạn. Yasuyuki Sawada, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á, nhận định nhiều loại tiền tệ vùng Vịnh được chốt bằng USD nên khi các đồng tiền châu Á mất giá và đồng USD lên giá thì lượng kiều hối giảm đi song giá trị gửi về cũng có thể tăng. Bão Haiyan năm 2013 từng khiến Philippines lao đao nhưng lượng ngoại tệ được gửi mạnh về đã giúp cho người dân nước này vượt qua khủng hoảng sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, lần này có khác là ngay tại quốc gia tiếp nhận công nhân nhập cư đang rơi vào khủng hoảng nên buộc phải giảm lượng lao động. Lao động nhập cư ở Hong Kong (Trung Quốc) giảm hai tháng liên tiếp. Nhiều nước vùng Vịnh có gói kích cầu hàng tỷ USD từ chính phủ cho doanh nghiệp cũng không tránh được suy thoái vì hạn chế chuyến bay, đóng cửa hàng quán và cảnh báo người dân ở nhà. Không chỉ dính dịch bệnh do virus Corona mà nhiều nước vùng Vịnh còn dính vào cuộc chiến giá dầu giữa Arabia Saudi và Nga.
Cuộc di cư chưa từng có ở Đông Nam Á
Thái Lan, Malaysia và Singapore là điểm tới của 91% lao động nhập cư nội khối Đông Nam Á. Cụ thể, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Thái Lan và Malaysia nhận 35%, Singapore nhận 21%. Ngân hàng Thái Lan công bố báo cáo ước tính mức giảm 5,3% trong dự báo kinh tế năm nay, dù chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha duyệt gói kích cầu 12,2 tỷ USD. Ngành công nghiệp du lịch trị giá hàng tỷ USD của Thái Lan buộc phải đóng cửa vì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh quá cao. Khu bãi biển Patong ở Phuket được “khoanh đỏ” do những ca nhiễm virus Corona gần đây đều xuất phát từ đây. Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đang rơi vào khủng hoảng nên buộc phải cắt giảm chi phí lao động để sống sót qua mùa dịch bệnh.
Hai ngày trước khi Thái Lan tuyên bố phong tỏa, đất nước này chứng kiến một cuộc di cư chưa từng có của người lao động nhập cư. 60.000 người lao động nhập cư tại các địa điểm giải trí tìm cách rời khỏi đất nước bởi vì nỗi lo không được trả lương hoặc bị mất việc. Trong khi đó, Đại sứ quán Campuchia tại Thái Lan kêu gọi công nhân và sinh viên nhập cư nên chọn phương án ở lại thay vì về quê bởi như vậy sẽ hạn chế lây lan dịch bệnh hơn. Suthasinee Kaewleklai là điều phối viên của Mạng lưới quyền người lao động nhập cư nhận định “Họ phải ra đi bởi không thể ở lại đây mà không có thu nhập, không được hỗ trợ”.
ANH THƯ (theo Financial Times, Asean Post)