Dạy học trên truyền hình đang trở thành một giải pháp hữu hiệu trong mùa Covid-19. Tuy nhiên, để đứng giảng dạy trước ống kính quay phim thì quả thực không dễ dàng đối với các giáo viên mới lần đầu tham gia, nếu không trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và các kỹ năng cần thiết.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương đang dạy trực tuyến trên truyền hình.(Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Có chuyên môn vững vàng
Để chủ động hơn trong việc dạy và học, vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng thực hiện chương trình ôn tập lớp 9 và lớp 12 trên truyền hình. Sở đã lựa chọn nhiều thầy, cô giáo giỏi, có kinh nghiệm đến từ các trường THPT và THCS tham gia giảng dạy nhằm ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh chuẩn bị thi tuyển sinh lớp 10 và thi THPT quốc gia năm học 2020-2021.
Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, các thầy cô của trường được mời đến dạy trước để đại diện của sở dự giờ và xét chọn. Tiêu chí là các giáo viên tham gia phải có năng lực chuyên môn giỏi, có ngoại hình, giọng nói rõ ràng và tự tin... Qua xét duyệt, nhà trường có một giáo viên môn toán được lựa chọn, đó là cô Nguyễn Thị Lan Phương.
Cô Lan Phương có kinh nghiệm dạy lớp 9 và bồi dưỡng học sinh giỏi hơn 14 năm trước khi chuyển về Trường THCS Nguyễn Huệ. Cô còn là giáo viên dạy giỏi các cấp và là giáo viên cốt cán của sở và của nhà trường. Nhờ vậy, cô thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, khả năng thể hiện trước đám đông và xử lý tình huống nên ăn nói lưu loát, tự tin và có trình độ nhất định về công nghệ thông tin. Ngoài ra, cô Phương còn có ngoại hình dễ nhìn, phong thái đĩnh đạc. Đây cũng là một trong những yêu cầu cần thiết khi xuất hiện trước công chúng.
Chia sẻ về những kỹ năng cần có của một giáo viên khi đứng trước truyền hình, cô Lan Phương cho biết: “Mình mới quay tiết đầu tiên và cũng là người quay đầu tiên của nhóm 9, thật sự bị “khớp” với ánh đèn chiếu, máy quay nhưng điều quan trọng là giáo viên phải nắm vững bài; còn lúc quay các bạn bên
đài truyền hình luôn động viên, giúp đỡ nên cũng bớt áp lực. Có điều trong quá trình quay, đạo diễn bảo nhìn máy quay số 3, số 5 là mình không phân biệt được, mặt lúc nào cũng “rất hình sự” và chỉ tập trung vào bài giảng thôi. Tuy nhiên, để có 45 phút trên truyền hình là sự làm việc cật lực của cả giáo viên và cả nhóm liên tục, thậm chí có khi làm việc với nhau cả 1 tuần trước khi ghi hình”.
Theo cô Lan Phương, muốn thực hiện tốt việc dạy học trên truyền hình, giáo viên cần có 4 nhóm kỹ năng cơ bản sau: thứ nhất, giáo viên phải có kỹ năng sư phạm, kỹ năng truyền thụ bài giảng đến học sinh phải tốt; thứ hai, kỹ năng làm việc nhóm với đội phải tối ưu, phát huy mặt mạnh của mỗi giáo viên để chọn bài phù hợp, trao đổi, phân tích từng ý nhỏ nhất để hoàn thành bài dạy; thứ ba, giáo viên phải luôn tìm hiểu, học tập để bài giảng được bao quát, thứ tư là phải có kỹ năng nói, giao tiếp với học sinh qua ánh đèn và máy quay, kỹ năng này rất khó đối với những giáo viên mới lần đầu đứng trước ống kính.
Tuy nhiên, đạt được kết quả tốt trong việc dạy và học trên truyền hình không chỉ đến từ phía giáo viên mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức học tập của học sinh. Về phía học sinh, cô Lan Phương đề nghị, học sinh nên xem bài trước để khi học dễ nắm bài hơn vì tên bài dạy đã được đưa về các trường trước đó. Đồng thời chuẩn bị các phương tiện phục vụ học tập như tivi, máy tính, vở viết để giải bài tập cùng cô. Các em cũng nên xem lại các bài giảng nhiều lần khi có phát lại trên YouTube vì dạy trên truyền hình chỉ có 45 phút nên khó có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Trong khi đó, khối lượng kiến thức trong bài và bài tập nhiều, giáo viên sẽ giảng nhanh hơn thông thường nên các em sẽ khó theo kịp.
Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở học sinh học tập
Là một trường miền núi của huyện Hòa Vang, Trường THPT Phạm Phú Thứ có tất cả 33 lớp với tổng số 1.233 em học sinh, trong đó có 21 em học sinh khối 12 và 65 em học sinh dân tộc nên cũng không tránh khỏi những khó khăn ban đầu khi tham gia chương trình ôn tập trên truyền hình. Để các em học sinh học tập tốt, cô Mai Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết, trường thông báo đến phụ huynh và học sinh thông qua kênh giáo viên chủ nhiệm và Đoàn Thanh niên, yêu cầu 100% học sinh lớp 12 phải tham gia ôn tập trên truyền hình theo lịch. Giáo viên chủ nhiệm nắm danh sách học sinh ôn tập từng buổi học, sau đó báo cáo về Phó hiệu trưởng phụ trách hoạt động dạy học về tỉ lệ các em tham gia học tập qua truyền hình. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn kết hợp kiểm tra nội dung học ở nhà của học sinh.
Ngoài học trên truyền hình, các tổ chuyên môn còn thảo luận và ra thêm các bài tập có liên quan nhằm củng cố kiến thức cho các em được học trên truyền hình. “Thuận lợi của các em học sinh ở đây là được nhà trường và các thầy cô rất quan tâm đến việc học trên truyền hình cũng như học trực tuyến. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên hệ với phụ huynh học sinh để đôn đốc, nhắc nhở các em tham gia học tập tốt hơn. Song song đó, các tổ chuyên môn triển khai hội ý, thống nhất soạn tài liệu chu đáo gửi đến học sinh để các em tự rèn luyện thêm ở nhà. Giáo viên bộ môn cũng sử dụng nhiều kênh khác nhau để kiểm tra việc học ở nhà cho các em”, cô Phương Thảo nhấn mạnh.
Mặc dù là địa bàn miền núi nhưng hiện nay đa số các hộ gia đình ở đây đều có tivi. Chỉ một số em ở xã Hòa Phú và các em học sinh là người dân tộc Cơ tu còn gặp khó khăn về điều kiện học tập. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đa số các em ở hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc vẫn tiếp cận được với việc học và dạy trên truyền hình cũng như trực tuyến. Tuy nhiên, các em chỉ học trên tivi và trên điện thoại, chứ chưa có điều kiện để học trên máy vi tính. “Trường THPT Phạm Phú Thứ cũng đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu, nếu học sinh nào không có điều kiện tiếp nhận tài liệu qua mạng thì giáo viên chủ nhiệm sẽ in và cho các em tới trường nhận; đồng thời giao thời hạn làm bài, sau khi làm bài xong sẽ nộp lại cho giáo viên”, cô Phương Thảo cho biết thêm.
Nhiều giáo viên dạy trên truyền hình cũng cho biết, hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo và Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng rất quan tâm đến giáo viên và công việc dạy học này. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa thì cần có sự đồng bộ về nội dung bài học và giảm tải khối lượng bài giảng như thế nào cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần thông báo cụ thể hơn các hình thức kênh thông tin đến các trường, giáo viên, học sinh để giáo viên chủ động hơn trong việc chuẩn bị dạy lại cho học sinh. Bởi hiện không ít giáo viên vẫn còn thắc mắc là dạy trên truyền hình rồi thì khi đi làm trở lại có phải dạy lại hay không, rồi kiểm tra đánh giá học sinh như thế nào? Do đó, sở và phòng Giáo dục các quận, huyện cần có hướng dẫn cụ thể để các trường, thầy cô và học sinh không bị động trong việc dạy và học sau khi hết nghỉ học vì Covid-19.
Đoàn Hạo Lương