Những chiếc chum, vại sành, sứ làm từ đất sét là vật dụng bất ly thân của bất cứ gia đình nào nơi thôn quê ngày xưa. Chum dùng để cất chứa ngô, thóc, đậu đỗ, đựng mắm, đựng tương...; còn vại là đồ vật để mẹ, bà làm dưa, muối cá, hay dùng chứa đựng nước mưa hứng từ giọt gianh xuống để lấy nước phục vụ nhu cầu ăn uống, tắm giặt.
Những chiếc chum là vật hữu dụng ngày xưa giờ vắng bóng trong các gia đình.Ảnh: ĐÀ NAM |
Khi xưa, khi mà công nghệ đồ nhựa, sắt, chưa phổ biến thì gia đình nào ở quê tôi, cũng như hết thảy các làng quê khác đều có ít nhất dăm, bảy chiếc chum, chiếc vại sành trong nhà. Vì thế mà các chợ phiên trong vùng bao giờ cũng có vài ba dãy hàng bán đồ chum, vại. Lúc còn nhỏ tôi thường được theo mẹ đi chợ và có không ít buổi quẩn quanh bên dãy hàng đồ sành, sứ để cùng mẹ chọn mua.
Nhà tôi làm tới trên một mẫu ruộng khoán của hợp tác xã, khi mỗi mùa vụ thu hoạch là rất nhiều thóc, đậu, đỗ, ngô, lạc. Cả gian buồng rộng thênh thang, và nơi chái bếp là nơi mẹ đặt những chiếc chum đại to, cao tới gần bằng đầu người lớn. Những chiếc chum to như thế thường chứa được cả chục thúng ngô, lúa. Lương thực sau khi được phơi qua mấy nắng và đã trở nên khô giòn thì được bỏ vào chum để dự trữ. Muốn cho các loại nông sản không bị mốc, mọt thì trước khi dùng để chứa đồ, những chiếc chum đại ấy thường được bố tôi di chuyển ra ngoài sân phơi nắng để cho lòng trong của chum cũng khô giòn nóng bỏng.
Ngoài những chiếc chum to đại dùng để chứa lương thực dùng ăn dần trong nhiều tháng đó ra, thì trong nhà tôi cũng luôn có rất nhiều chum nhỏ các cỡ mà mẹ thường dùng nó để chứa hạt giống để dành cho mùa gieo trồng sau. Mấy chiếc chum nhỏ xíu, chứa cỡ được vài ký thì mẹ lại dành để cất hạt giống rau cải, vừng, hay ít hạt muồng để gieo ở vùng bờ thửa để thu hoạch làm củi đun. Rồi chum dùng chứa mắm cua, cá mà anh chị em húng tôi bắt được ở ngoài đồng mang về để mẹ chế biến trữ ăn dần cũng luôn phải có vài chiếc. Hay như chum dùng làm tương gạo nếp và tương gạo tẻ. Nói chung, tính tổng thể trong nhà tôi có tới vài, ba chục chiếc chum lớn nhỏ.
Vì là đồ sành, sứ, mà chỉ sơ ý là bị bể vỡ, vì vậy mà qua mỗi năm việc vỡ vài, ba chiếc chum là không thể tránh khỏi. Tôi còn nhớ, khi ấy đã lên cấp 2, do lơ đễnh không cẩn thận, lúc vào lấy gạo để nấu cơm, tôi đã đánh rơi chiếc nồi gang nặng trịch vào chiếc chum chứa gạo làm nó vỡ toang ra, gạo chảy ra nền nhà tung tóe. Lo bị mẹ quát, cha đánh vì cái tội làm vỡ chum, nào ngờ khi từ đồng về mẹ đã chỉ mắng nhẹ và nhắc nhở tôi lần sau cẩn thận hơn thôi. Và năm nào mẹ cũng mua thêm chum ở phiên chợ làng, hay mua của những người dân làng gốm chở hàng đi bán dạo...
Ngoài chum thì những chiếc vại dùng muối dưa, cà là loại vại nhỡ, chứa được cỡ dăm, bảy ký. Còn những chiếc vại dùng để chứa nước mưa thì luôn là loại vại cực lớn, có cái đựng được tới cả gần một mét khối nước. Nhà tôi khi ấy không có giếng khơi, tất cả sinh hoạt đều trông vào nguồn nước mưa, vì vậy mà ngoài chiếc bể xây ngầm chứa được khoảng dăm khối nước, bố tôi đã đặt mua 2 chiếc vại cỡ đại về đặt ngay dưới chân hàng cau, nơi có giàn trầu không xanh ngắt. Khi cả nhà dùng hết hai vại nước mưa thì bố tôi lại dùng gầu gắn dây thừng múc nước từ bể ngầm đổ đầy vào hai chiếc vại đó. Nếu mùa mưa thì không nói làm gì, vì bể, vại luôn luôn đầy nước, nhưng sang mùa khô, mưa ít thì việc dùng nước luôn bị bố, mẹ nhắc phải tiết kiệm, nếu không hết nước sẽ phải sang nhà hàng xóm xin nước giếng khơi.
Trải qua năm tháng, khi điều kiện kinh tế khá giả lên, cộng với công nghệ phát triển, những loại vật dụng là nhựa, tôn nhẹ, bền hơn đã dần thay thế những chum, vại cồng kềnh dễ vỡ. Những chiếc chum, vại cứ mai một dần, mất và vắng bóng dần trong không gian của các gia đình. Hiện tại thì trong nhà tôi cũng chỉ còn vài chiếc chum, vại nhỏ được úp xuống nơi góc vườn, phủ đầy rêu xanh. Đó cũng chính là những hình ảnh thân thuộc cuối cùng mà tôi còn có thể nhìn thấy khi hoài niệm nhớ về một thời ấu thơ nghèo khó của gia đình mình...
NGUYỄN LONG