Khẩn trương xây dựng gói hỗ trợ cho người dân

.

Đến thời điểm này, Thường trực Chính phủ đã thống nhất thời gian tới sẽ có gói hỗ trợ an sinh xã hội (ASXH) dành cho doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) bị mất việc làm do ảnh hưởng của Covid-19. Ở cấp độ địa phương, Đà Nẵng đã và đang tiến hành khảo sát, phân loại đối tượng. Ngày 8-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua quyết định chính thức; sau đó địa phương sẽ tiến hành hỗ trợ nhanh chóng, đúng người, đúng đối tượng…

Ông Nguyễn Duy Minh (áo xanh, đứng giữa), Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố trao những suất quà hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn bị mất việc do Covid-19.(Ảnh do LĐLĐ thành phố cung cấp)
Ông Nguyễn Duy Minh (áo xanh, đứng giữa), Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố trao những suất quà hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn bị mất việc do Covid-19. (Ảnh do LĐLĐ thành phố cung cấp)

Chủ động rà soát đối tượng phù hợp

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 5-4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Cụ thể, trong 6 nhóm đối tượng được Chính phủ đề nghị hỗ trợ 3 tháng có người có công cách mạng; các hộ nghèo, cận nghèo; người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho NLĐ theo khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật lao động; NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động và mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh… Dự kiến tổng kinh phí để hỗ trợ những người này khoảng trên 62.000 tỷ đồng, lấy trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội…

Tại Đà Nẵng, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị quyết thực hiện gói hỗ trợ theo các mức quy định cho các nhóm đối tượng trên, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tham mưu cho UBND thành phố hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai rà soát và hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ thiếu lương thực. Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ, Đà Nẵng yêu cầu các địa phương chủ động nguồn lực tại chỗ, triển khai hỗ trợ kịp thời cho các thành viên hộ gia đình mỗi người 15kg lương thực, bảo đảm không để hộ dân nào thiếu đói.

Thống kê đến cuối tháng 3-2020 của Sở LĐ-TB&XH, toàn thành phố Đà Nẵng có gần 58.000 NLĐ phải chấm dứt hợp đồng lao động, mất việc làm, nghỉ không lương; 16.368 hộ nghèo, hộ cận nghèo; 38.260 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội; 19.500 đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công cách mạng bị ảnh hưởng bởi Covid-19... 

Trong khi đó, theo một thống kê chưa đầy đủ của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, hiện ở các đơn vị có tổ chức Công đoàn đã có hơn 26.000 giáo viên của 95 trường ngoài công lập (phần lớn là giáo viên mầm non) và 4.000 lao động lữ hành, dịch vụ, khách sạn bị mất việc làm, nghỉ việc không lương, chưa kể hàng ngàn lao động của ngành du lịch đang thay nhau nghỉ luân phiên, nhằm bảo đảm đủ 14 ngày công/tháng để đóng bảo hiểm xã hội. Trước tình hình đó, mới đây LĐLĐ thành phố đã trích 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ hoạt động xã hội Công đoàn, trao 500 suất quà cho 500 trường hợp là đoàn viên, NLĐ bị mất việc làm tại các trường mầm non tư thục và các công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn thành phố.

Sớm hỗ trợ người dân

Gần 3 tháng không có việc làm, chị Phan Thị Giang (quê Quảng Bình), tạm trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết gia đình chị đang rất chật vật trong chi tiêu, số tiền gần 20 triệu đồng dành dụm lâu nay đã sử dụng gần hết để trang trải nhiều khoản chi phí cho 4 thành viên trong thời gian thất nghiệp. Vốn là cô giáo một trường mầm non tư thục, trường nghỉ nên chị buộc phải nghỉ việc không lương. “Từ sau Tết, khi thành phố có quyết định không cho học sinh đến lớp, chúng tôi cũng nghỉ việc theo. Thời gian đầu còn tìm kiếm nguồn hàng rau, củ để bán online trang trải cuộc sống, nhưng kể từ ngày 2-4, khi Đà Nẵng yêu cầu dừng các loại hình mua bán online, bán mang đi, tôi thật sự khó khăn. Gia đình chúng tôi đã đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp với hy vọng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Được biết, theo quy định của Luật Việc làm, người tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa). Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Đồng thời, trong thời gian này, người mất việc làm sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, được hỗ trợ học nghề (với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian không quá 6 tháng)…

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, đã có 5.880 hồ sơ gửi đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp, trong đó tập trung vào các nhóm ngành như nhà hàng, khách sạn, du lịch (1.222 hồ sơ); may, giày da, dệt, nhuộm, thiết kế thời trang (435 hồ sơ); điện, điện tử, điện lạnh, lắp ráp điện tử, tự động hóa (781 hồ sơ); xây dựng, kiến trúc (358 hồ sơ), giáo dục (342 hồ sơ)… Đặc biệt, theo con số thống kê từ ngày 1-4 đến 7-4, Trung tâm này đã nhận 669 hồ sơ đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm cho biết, tỷ lệ nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp đang có chiều hướng gia tăng chóng mặt, từ 150%-200% so với cùng kỳ các năm trước đó. “Nếu Covid-19 tiếp tục kéo dài, đời sống của người lao động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng sẽ đẩy gánh nặng lên câu chuyện giới thiệu việc làm sau khi dịch bệnh kết thúc. Do đó trong thời gian này, người lao động cần chủ động trau dồi kiến thức để nhanh chóng nắm bắt cơ hội nghề nghiệp sau này”, ông Thành chia sẻ. 

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết, do tác động bởi Covid-19, trong thời gian qua, việc sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và một số bộ phận nhân dân gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tạm ngừng hoạt động do gặp khó khăn khi không thể nhập nguồn nguyên vật liệu, thị trường, phải thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm cho NLĐ, cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc…

Theo ông An, để thực hiện chính sách bảo đảm ASXH cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong tình thế cấp bách hiện nay, đòi hỏi trước mắt phải tập trung nguồn lực để lo cho cuộc sống người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, NLĐ bị mất việc làm và một số đối tượng không có nguồn tích lũy. Đây là những đối tượng cần phải hỗ trợ nhanh, kịp thời và chính xác, là trách nhiệm của Đảng, chính quyền nhằm ổn định đời sống nhân dân và trật tự xã hội, thông qua một số nguồn quỹ như Quỹ vì người nghèo, vận động các tổ chức, cá nhân và từ nguồn ngân sách địa phương.

Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, qua khảo sát bước đầu hiện có khoảng 10.000 NLĐ đang nghỉ việc không lương hoặc làm việc luân phiên, chủ yếu làm việc cho các công ty Việt Nam tại Đà Nẵng. “Sau khi tập hợp danh sách, phân chia kinh phí theo từng đối tượng cụ thể, trong tháng 5 chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm cho NLĐ mất việc, nghỉ việc không lương theo chủ trương của Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Trước mắt, chúng tôi đang tiếp tục vận động những doanh nghiệp, NLĐ chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 tiếp tục đóng góp, hỗ trợ, san sẻ vật chất, tinh thần đến những đối tượng yếu thế hơn, có thể thông qua LĐLĐ Đà Nẵng hoặc qua các kênh Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp thành phố, quận, phường…”, ông Minh cho biết.

500 triệu đồng hỗ trợ người bán vé số Đà Nẵng

Nhằm thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần giải quyết khó khăn cho người bán vé số lẻ trong thời gian tạm dừng phát hành xổ số từ ngày 1-4-2020 đến 15-4-2020 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng sẽ tiến hành hỗ trợ cho người bán vé số lẻ mỗi người 10kg gạo và 100.000 đồng. Tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng, lấy từ kinh phí công ty. Thời gian trao quà dự kiến từ ngày 16 đến 20-4, tùy theo lịch sắp xếp với các đại lý trực thuộc.

TIỂU YẾN
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.