Mùa yêu thương & sẻ chia

Vì cuộc đời còn có nhiều người tốt…

.

Nhiều người nói mùa xuân năm nay ảm đạm do Covid-19; nhưng trong đó vẫn lấp lánh niềm tin và sự ấm áp bởi những con người có trái tim biết yêu thương và chia sẻ.

Lãnh đạo và Đoàn Thanh niên Sở Y tế thành phố ủng hộ “mini combo” cho thanh niên tình nguyện làm việc tại các chốt chặn kiểm soát Covid-19. Ảnh: T.K
Lãnh đạo và Đoàn Thanh niên Sở Y tế thành phố ủng hộ “mini combo” cho thanh niên tình nguyện làm việc tại các chốt chặn kiểm soát Covid-19. Ảnh: T.K

1. Một buổi sáng cuối tháng 3-2020, Đại úy Lê Bá Vương, Trợ lý Phòng Chính trị, Phó Chỉ huy Khung tiếp nhận Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh thuộc Trung đoàn 971, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố (gọi tắt là Trung tâm) mang theo số tiền gần 10 triệu đồng đến trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Con đường anh đi hơn chục cây số từ đơn vị ở số 86 Nguyễn Chánh (quận Liên Chiểu) về đường Trần Phú trong những ngày này trở nên vắng vẻ hơn, nhưng không vì thế mà thiếu đi niềm vui từ những sự sẻ chia.

Anh cho biết, đây là số tiền ủng hộ cho bộ phận tiếp nhận ủng hộ phòng, chống Covid-19 của thành phố. Và đặc biệt hơn, nó được quyên góp từ chính tấm lòng hảo tâm của những công dân Việt Nam đang được cách ly theo quy định tại Trung tâm.

“Số tiền này không lớn nhưng là cả nghĩa tình của bà con ở khu cách ly. Lúc nhận nó, chỉ biết trân trọng và cảm kích tấm lòng của những người đã và đang chung tay cùng Tổ quốc trong thời điểm khó khăn này”, Đại úy Vương chia sẻ. Số tiền Đại úy Vương trao tận tay cho bộ phận tiếp nhận hôm ấy, có những tờ USD và EURO đã cũ nhàu. Tiền cũ nhưng nghĩa tình vẫn luôn mới mẻ, ấm áp như tấm lòng những công dân yêu quê hương.

Cũng trong mấy ngày này, Đoàn Thanh niên Sở Y tế thành phố vừa tất bật với công tác chuyên môn vừa hối hả bên chương trình “Combo chống Covid-19” và “Mini Combo”. Chương trình với nguồn vận động do Đoàn Sở Y tế kêu gọi, mục đích trao tặng những món quà ý nghĩa cho đoàn viên thanh niên ở tuyến đầu chống dịch tại các cơ sở Đoàn y tế trực thuộc và tại 7 chốt chặn kiểm tra Covid-19 của thành phố.

Chị Đặng Thị Phương Thảo, Bí thư Đoàn Sở Y tế cho biết, tính đến cuối tháng 3, đã có 200 combo chống Covid-19 được trao tặng cho Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Mỗi combo gồm 1 chai dung dịch súc miệng Medoral (có chứa thành phần Chlorhexidine), 1 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn nhanh, 1 tuýp thuốc tăng đề kháng Berocca, 5 cái khẩu trang y tế và 20 đôi găng tay y tế.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia chống dịch tại 7 chốt chặn kiểm tra Covid-19 của thành phố, chủ yếu tập trung vào các ca trực đêm, được nhận 200 “mini combo” gồm dung dịch rửa tay sát khuẩn nhanh, thuốc tăng đề kháng Berocca và khẩu trang vải kháng khuẩn.

Ngoài ra, Đoàn Sở Y tế cũng tổ chức kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch cho người dân và du khách tại các điểm chốt. Theo anh Bùi Thiên Vỹ, Bí thư Đoàn khối Các cơ quan thành phố, chương trình được Đoàn khối phát động và Đoàn Sở Y tế trực tiếp thực hiện không chỉ hỗ trợ về vật chất và tinh thần mà còn phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong công tác phòng, chống Covid-19.

Từ sự hỗ trợ ấy, những ca trực mệt nhoài của đoàn viên thanh niên, dù ở bệnh viện hay ở chốt chặn trong mùa dịch này đã trở nên… bớt mệt hơn rất nhiều.

2. Những ngày dịch, sợ nhất là trong nhà có người ốm, phải vào-ra bệnh viện. Vậy mà, có những người chẳng bệnh tình gì, chẳng thăm nuôi ai, lại tình nguyện vào bệnh viện để… hiến máu! Mới ra Tết được vài ngày, hàng chục bệnh viện trên cả nước phát đi thông báo thiếu máu trầm trọng. Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến lịch hiến máu của các đơn vị.

Đợt hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đà Nẵng sáng ngày 5-2 ấy khác với tất thảy bao lần hiến máu. Khác là mọi lần người đi hiến chỉ đi người không, trên tay cầm tấm thẻ ghi tên, tuổi, nhóm máu, còn lần này ai nấy lỉnh kỉnh khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay y tế, rồi các bước vệ sinh, sát khuẩn... đều kỹ càng hơn trước.

Chỉ có không khí là vẫn vậy. Qua lớp khẩu trang, người ta vẫn chuyện trò, về số lần hiến trong năm nay, về nỗi lo trước diễn tiến dịch bệnh. Mọi người đều tuân thủ hướng dẫn của chuyên gia y tế, trước, trong và sau khi hiến. Hiến máu xong là lẳng lặng ra về. Để ý chỉ có một chàng trai lăng xăng chạy tới chạy lui, thoạt nhìn, tưởng anh là thành viên của một CLB chuyên hiến máu nào đó.

Nhưng anh bảo “không phải, tui cũng là người đi hiến máu thôi, nhưng thấy đợt này ít tình nguyện viên quá, tui lại thừa kinh nghiệm nên ở lại hỗ trợ mọi người”. Hỏi anh hiến máu chưa, anh trả lời tỉnh queo: “Chưa, anh Chủ nhiệm CLB Hiểu và thương kêu… “để dành” tui để hiến tiểu cầu, chứ để hiến máu thì rất phí”.

Khác với hiến máu, hiến tiểu cầu chỉ lấy tiểu cầu, không lấy hồng cầu, huyết tương hay máu. Những người bị ung thư máu trong giai đoạn tiểu cầu hạ rất cần được truyền tiểu cầu để duy trì sự sống. Khi hiến tiểu cầu phải xét nghiệm biểu đồ máu khoảng một giờ rưỡi, sau đó chạy máy để lấy tiểu cầu gần 1 giờ. Sau 5-7 ngày, cơ thể người hiến tiểu cầu sẽ hồi phục.

Công đoạn hiến tiểu cầu vì thế mất nhiều thời gian hơn, đồng nghĩa phải ở lại bệnh viện lâu hơn! Không chỉ phụ giúp, thấy anh còn cầm điện thoại ra vô kêu gọi người thân, bạn bè đến hiến máu. Hỏi miết tên tuổi, anh mới lí nhí trả lời: “Tui là Phan Quốc Huy, sinh năm 1985, chuyên đi hiến tiểu cầu, ở phường Thọ Quang, Sơn Trà”.

“Anh không sợ dịch hay sao mà vào bệnh viện lâu vậy?”. “Trước khi đến bệnh viện, tui có tìm hiểu kỹ về SARS-CoV-2 rồi. Nếu mình cẩn thận thì nó không đáng lo. Mà thôi, tui chỉ nghĩ đơn giản: Mình không hiến thì ai hiến?”… Nói rồi, anh lại tiếp tục chạy lăng xăng…

Trong bối cảnh dịch bệnh lần này, chính người dân Việt Nam nói chung, người Đà Nẵng nói riêng đã thể hiện được tinh thần sẵn sàng chia sẻ, góp phần truyền cảm hứng và động lực để mọi người vững tin vào kết quả tích cực của công tác phòng, chống dịch. Chợt nhớ bài hát Đà Nẵng tình người của nhạc sĩ Đình Thậm: “Đà Nẵng ơi tình đời /Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu / Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến / Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình…”.

Hải Âu - Trường Kỳ
 

;
;
.
.
.
.
.