Khát vọng Trung tâm kinh tế biển, đô thị biển quốc tế

.

Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế vùng biển, ven biển để xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước và đô thị biển quốc tế.

Cụm cảng Đà Nẵng được định hướng xây dựng thành cụm cảng lớn, hiện đại, là trung tâm cảng của miền Trung, đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cụm cảng Đà Nẵng được định hướng xây dựng thành cụm cảng lớn, hiện đại, là trung tâm cảng của miền Trung, đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Khai thác thế mạnh du lịch biển

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhiều nước trên thế giới có phong cảnh biển đẹp nhưng nước biển thì quá lạnh, không tắm được. Riêng ở Việt Nam, nhất là ở Đà Nẵng, nhiệt độ nước biển quá tuyệt vời, thích hợp để tắm quanh năm và có phong phú các loại hải sản với chất lượng cao, ngon và nhiều chất dinh dưỡng.

Chính những điều này làm rất nhiều du khách quốc tế thích đến Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng tham quan, du lịch. Trong năm 2019, có đến 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam (trong đó, có hơn 2 triệu khách quốc tế đến Đà Nẵng).

Giả sử mỗi khách chỉ lưu trú ở Việt Nam 1 đêm, cả nước cần phải có gần 50.000 căn hộ du lịch. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ mới có khoảng 25.000 căn hộ du lịch. “Trong những năm đến, Đà Nẵng thiếu rất nhiều căn hộ du lịch so với tiềm năng, lợi thế về du lịch biển. Do đó, Đà Nẵng cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng về du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính nói.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ, du lịch là ngành kinh tế có tiềm năng phát triển lớn nhất của các địa phương ven biển, nhất là Đà Nẵng. Du lịch biển không chỉ là thu hút nhiều người sử dụng dịch vụ, mà còn thu hút các nguồn lực đầu tư vào dịch vụ, du lịch. Đà Nẵng là một thành phố có tiềm năng về du lịch biển rất lớn. Do vậy, cần tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch biển để phát triển du lịch.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, người được tỷ phú người Anh Joe Lewis, ông chủ du thuyền Aviva và CLB Bóng đá Tottenham Hotspur đề cử là người liên lạc hợp tác xây dựng dự án bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế trên sông Hàn, bày tỏ sự phấn khởi về những kết quả bước đầu của việc hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và vị tỷ phú này.

Ông Huỳnh Văn Sơn bày tỏ mong muốn việc hợp tác nói trên đạt kết quả tốt đẹp trong thời gian tới để thành phố gặt hái được những lợi ích lớn từ một sản phẩm du lịch mới là dịch vụ du thuyền. “Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn về dịch vụ du thuyền.

Với sự hình thành của một bến du thuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai, Đà Nẵng sẽ là điểm đến của nhiều du thuyền hạng sang, đưa nhiều triệu phú, tỷ phú, giới nhà giàu trên thế giới đến tham quan, du lịch, sử dụng các dịch vụ và đầu tư”, ông Huỳnh Văn Sơn phấn khởi nói.

Đầu tư kinh tế biển xứng tầm

Ngày 28-2-2020, UBND thành phố đã có Quyết định số 688/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 18-2-2020 của Thành ủy về phát triển bền vững kinh tế biển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, thành phố chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch; xây dựng các bến du thuyền và hình thành đội tàu du lịch hiện đại chất lượng cao; tập trung đầu tư cảng Thuận Phước, cảng Sông Hàn và các bến du thuyền đã được quy hoạch để phát triển du lịch đường thủy; đầu tư phát triển đa dạng các dịch vụ thể thao giải trí biển phục vụ du khách; xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế... Cùng với đó, UBND thành phố giao Sở Du lịch tiếp tục triển khai đề án quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành.

Cũng tại kế hoạch nói trên, UBND thành phố cũng đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế hàng hải. Theo đó, xây dựng cụm cảng Đà Nẵng trở thành cụm cảng lớn, hiện đại, là trung tâm cảng của miền Trung, đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; nâng cao năng lực, công suất các cảng, bảo đảm giải quyết 100% khối lượng hàng hóa đi và đến; từng bước phát triển dịch vụ vận tải biển, dịch vụ hàng hải trở thành thế mạnh, khâu đột phá trong việc phát triển các lĩnh vực kinh tế khác; nâng cấp và đầu tư xây dựng các biển của thành phố, khai thác có hiệu quả các dịch vụ vận tải biển.

Đồng thời hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông kết nối liên thông các cảng biển với các khu công nghiệp của thành phố và với các vùng, miền, địa phương trong nước, quốc tế; phát triển đội tàu vận tải biển, nâng cao chất lượng dịch vụ, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải…

Về khai thác hải sản, một trong những ngành thế mạnh của thành phố, UBND thành phố đề ra nhiệm vụ chuyển từ khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao; điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã; khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời đầu tư xây dựng một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như: dược liệu biển; nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…

Thành phố cũng thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển công nghiệp ven biển và khai thác khoáng sản biển…

Những giải pháp, nhiệm vụ nói trên hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế vào năm 2030 và trở thành thành phố phát triển kinh tế biển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn vào năm 2045.

“Thành phố phấn đấu đến năm 2025, đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (GRDP) đạt 10% và đến năm 2030 đạt 15%. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đến năm 2030 đạt 27,2 triệu tấn, đến năm 2045 đạt 92,5 triệu tấn. Tỷ lệ sản lượng hàng hóa có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics chiếm 30% tổng lượng hàng hóa thông qua các đầu mối vận tải trên địa bàn thành phố vào năm 2025 và đến 2030 là 34,5%...”

 (Nguồn: Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
Dự án Eco Retreat Long An
.
.
.