Nhân viên y tế nhập cư mùa virus Corona

.

Hàng trăm nghìn nhân viên y tế nhập cư từ các nước đang phát triển để kiếm sống ở các nước Âu-Mỹ giờ đây đang đặt mạng sống của mình trong sự hiểm nguy của virus Corona.

Jhoanna Mariel Buendia, y tá đến từ Philippines, tại nhà ở York, Anh. Ảnh: New York Times
Jhoanna Mariel Buendia, y tá đến từ Philippines, tại nhà ở York, Anh. Ảnh: New York Times

Nữ y tá người Philippines, Jhoanna Mariel Buendia, 27 tuổi, mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang N95 sắp sửa vào ca thì nhận được điện thoại từ cha mình ở quê nhà. Cha cô báo tin người dì ruột mà Buendia rất yêu quý đã qua đời tại Mỹ. Bà dì Araceli Buendia Ilagan, 63 tuổi sang Mỹ làm y tá từ những năm 1980. Bà giúp đỡ cho Buendia học y và hướng dẫn cô con đường vào Anh làm việc. Bà Ilagan là y tá trong phòng hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Florida và tử vong vì nhiễm virus Corona. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi nhận tin người dì của mình mất, Buendia cũng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Corona khiến cô chảy nước mắt. Đó là giọt nước mắt nghĩ về số phận của người bệnh, của người dì xấu số và chính số phận của Buendia nữa…

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, toàn cầu thiếu tới 6 triệu y tá. Chính vì thế, nguồn nhân lực y tá từ các nước đang phát triển đổ sang các nước phương Tây với hy vọng kiếm được việc làm với thu nhập cao hơn khi ở lại quê nhà. Chẳng hạn như ở Mỹ, có tới 16% y tá là người nhập cư mà 1/3 trong số đó là người Philippines. Ngoài ra, y tá tới từ Nigeria, Ấn Độ, Jamaica và Mexico. Buendia là 1 trong số 18.600 người Philippines làm việc trong ngành y của Anh quốc. Đây là “cộng đồng y tá” lớn thứ hai ở xứ sở sương mù sau Ấn Độ.

Những nhân công lao động nhập cư trong ngành y đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao. Ít nhất 7 nhân viên người Philippines là y tá, khuân vác và trợ lý y tá đã tử vong ở Anh trong đại dịch này và có 5 người Philipines khác tử vong ở Mỹ. Cô Buendia và 3 đồng nghiệp nữ ở cùng phòng thừa nhận hết sức lo lắng cho chuyện sống chết khi làm việc giữa đại dịch. Người chú của Buendia làm việc ở California cũng dương tính với virus Corona.

Howard Catton, Giám đốc điều hành Hội đồng điều dưỡng quốc tế (bao gồm hơn 130 hiệp hội điều dưỡng quốc gia, trụ sở đóng tại Thụy Sĩ) nói rằng, chính lực lượng y tá nhập cư đóng vai trò rất quan trọng để giúp các nước châu Âu như: Anh, Ý, Tây Ban Nha chống dịch Covid-19. Ông Cotton nhận ra rằng, đã tới lúc các nước phát triển cần đào tạo lực lượng y tá cho riêng mình, thay vì bị động chờ nhập cư. Nhận định của ông Cotton rất chính xác. Chính quyền Philippines tháng này cho biết cần 300.000 nhân viên y tế để chống dịch trong nước nên không để bất cứ ai xuất ngoại dẫu cho di cư việc làm đã là “văn hóa” của quốc gia này. Có tới 10% dân số Philippines làm việc ở nước ngoài rồi gửi tiền về giúp đỡ người thân, mà ngành y là thu hút nhiều nhất khi có tới 13.000 người rời đất nước mỗi năm.

Những nhân viên y tế người Philippines làm việc lâu năm ở nước ngoài cũng tìm cách giúp đỡ đồng hương tìm việc làm. Edzel Lopez, nữ y tá trưởng tại Bệnh viện Hestia (Madrid, Tây Ban Nha), tháng trước đã đăng trên Facebook tuyển đồng hương vào làm việc trong bệnh viện do quá nhiều nhân viên y tế tại đây nhiễm virus Corona.

Một bệnh viện Tây Ban Nha khác mời John Matthew Eusebio Villapol, 26 tuổi, vốn là một giáo viên tiếng Anh song có kinh nghiệm huấn luyện y tế quân đội Philippines trước đây làm việc trong lĩnh vực cấp cứu tư nhân. Rất nhiều nơi ở châu Âu và Mỹ đang cố tìm những nhân viên y tế nhập cư bởi đang thiếu quá nhiều trong lúc đại dịch bùng phát mạnh. Nói như Buendia thì dù cô rất lo lắng nhưng luôn tìm cách trấn an cha mẹ ở quê nhà rằng cô luôn luôn ổn giữa đại dịch...

ANH THƯ (theo New York Times)

;
;
.
.
.
.
.