Gian sách tiếng Việt ở thư viện thành phố Cleveland

.

Trong những chuyến đi xa, nếu có thời gian mươi ngày hay nửa tháng rảnh rỗi, du khách thường có thói quen lần tìm đến những thư viện. Có khi chỉ là tham quan thuần túy, cốt để thỏa mãn thú vui chiêm ngưỡng những giá sách đồ sộ xếp hàng ngay ngắn, trong đó chứa đựng bao nhiêu trí tuệ nhân loại; cũng có thể là để có được cảm giác bất ngờ khi bắt gặp một ấn phẩm nào đó lâu nay mình muốn tra cứu.

Gian sách tiếng Việt (bên phải) của thư viện Cleveland. Ảnh: N.H
Gian sách tiếng Việt (bên phải) của thư viện Cleveland. Ảnh: N.H

Trong một chuyến đi và lưu lại ở thành phố Cleveland thuộc bang Ohio nước Mỹ, tôi đã đôi lần đến tòa thư viện của thành phố này, vừa tham quan, vừa xem có tư liệu gì thích hợp với công việc của mình, tất nhiên là bằng tiếng Việt.

Điều ngạc nhiên đầu tiên là ở một thành phố lớn thứ 33 của Mỹ và lớn thứ 2 trong bang Ohio, Cleveland có một thư viện có quy mô bề thế. Nó bao gồm hai khối nhà lớn; kết nối giữa hai tòa nhà là một khu vườn đọc sách, như một thứ phòng đọc ngoài trời, rất yên tĩnh, dịu mát, tạo cảm giác thư thái cho những ai đến đây để học tập, nghiên cứu. Ngạc nhiên khác, không nhỏ, ở đây còn có gian sách tiếng Việt khá phong phú.

Sau khi được hướng dẫn thân thiện và chu đáo, chúng tôi không khó khăn lắm để tìm tới khu vực sách tiếng Việt trong thư viện ở tầng 3 của tòa nhà chính. Ở đây người đọc có thể trực tiếp đến giá sách để tìm cuốn sách mình cần đọc, không phải mất công lục tìm trong hộp đựng thư mục hoặc tra trên mạng. Trừ khi anh muốn mượn về thì mới phải làm một vài thủ tục theo yêu cầu của người thủ thư.

Gian sách tiếng Việt của thư viện được xếp vào 5 giá sách cao hơn 2m, dài khoảng 5m, mỗi giá có 2 mặt, các giá sách được đánh số thứ tự từ 111 đến 1115, bên cạnh gian sách văn học Thái Lan. Một khu vực rộng lớn khác là các giá sách tiếng Hoa, tiếng Nhật, Hàn… Sách ở đây được sắp xếp gần như không theo tiêu chí nào, miễn là được viết bằng... chữ Việt. Có thể thấy những tác giả tên tuổi của Việt Nam như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Nhật Ánh… Bên cạnh sách còn có một số tạp chí trong nước phát hành trong những năm gần đây.

Gian sách thiếu nhi khá phong phú, đầy đặn, hầu hết của các nhà xuất bản trong nước trong khoảng những năm 2000, in đẹp, hấp dẫn trẻ em. Nhiều truyện tranh có ý nghĩa giáo dục tốt, như nhóm sách tranh Cổ học tinh hoa do NXB Kim Đồng phát hành, mỗi quyển là một bài học giáo dục đạo đức. Truyện cổ Andersen, Harry Porter, Nghìn lẻ một đêm phiên bản màu mới nhất của NXB Mỹ thuật Hà Nội bên cạnh những sách truyện loài vật của NXB Kim Đồng được trình bày rất đẹp, lôi cuốn. Sách thiếu nhi có loại bằng tiếng Việt và tiếng Anh, chữ to có tranh minh họa, giúp các cháu con em bà con Việt kiều có thể học tiếng Việt; ngược lại, trẻ em người Việt có thể học tiếng Anh qua nội dung và hình vẽ. Nguyễn Nhật Ánh vẫn là tác giả được bày số lượng sách nhiều nhất.

Ông Milos Markovic, người quản lý phòng đọc văn học nước ngoài của thư viện cho biết, nguồn sách tiếng Việt cho thư viện chủ yếu đến từ một nhà cung cấp tư nhân ở Texas, người này lại lấy sách từ California. Khi được hỏi thư viện có liên kết hoặc có bất cứ mối liên hệ nào với những công ty phát hành sách của Việt Nam hay không, ông cho biết cách đây vài ba năm có một đợt sách từ Việt Nam sang nhưng gặp phải quá nhiều rắc rối về mặt pháp lý nên mãi hai năm sau sách mới về đến thư viện này.

Qua việc tham quan ngắn ngủi ở thư viện của một thành phố không phải “Topten” của Hoa Kỳ, cho chúng tôi thấy sự quan tâm đến việc đọc ở đây; đồng thời cũng cho thấy sự cần thiết phải mở rộng giao lưu các ấn phẩm sách báo khoa học, công nghệ, văn học nghệ thuật bằng tiếng Việt tới những cơ sở thư viện trên nhiều quốc gia hơn nữa.

Cần có một cơ chế thông thoáng hợp lý và giản tiện về xuất nhập khẩu ấn phẩm theo con đường chính thống để những nơi có nhu cầu có thể thu hút nguồn sách, báo phục vụ đông đảo người Việt đang ở xa hiểu sâu thêm về đất nước. Đặc biệt, đối với thế hệ Việt kiều “F2, F3” vốn thông thạo ngôn ngữ nước sở tại thì sách báo tiếng Việt là phương tiện để họ tiếp cận với ngôn ngữ gốc của cha ông, tạo cầu nối để họ gần gũi với quê hương và có thêm cơ hội thuận lợi đóng góp công sức, trí tuệ cho đất nước.

NẠI HIÊN
 

;
;
.
.
.
.
.