Tin giả, tin sai sự thật, tin xấu, tin độc,... là vấn nạn đang diễn ra nghiêm trọng làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong thời gian bùng phát Covid-19.
Gây tâm lý bất an cho xã hội
Trong gần 3 tháng qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật, qua đó có hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về đại dịch Covid-19 trên không gian mạng bị cơ quan chức năng xử lý.
Đăng tải thông tin thất thiệt, bà N.T.H bị cơ quan Công an xử phạt vi phạm hành chính. (Ảnh do Công an thành phố cung cấp) |
Tại Đà Nẵng, ngày 17-3-2020, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an thành phố Đà Nẵng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với bà N.T.H (SN 1984, trú quận Ngũ Hành Sơn) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố. Hành vi của bà H. đã vi phạm Điểm d, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15-7-2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Thượng tá Nguyễn Hưng Lợi, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, tính từ ngày 21-1-2020 đến 14-4-2020, đơn vị đã phát hiện 31 trường hợp đăng thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến Covid-19; trong đó ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp với tổng mức phạt 140 triệu đồng. Các trường hợp còn lại đã tác động, mời làm việc nhắc nhở và buộc xóa thông tin sai phạm đã đăng tải.
Qua công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thông tin điện tử, có sự phối hợp thường xuyên giữa Công an thành phố và Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Từ đầu năm 2020 đến nay, số liệu của Sở TT&TT cho biết, đơn vị đã phát hiện và mời làm việc 5 trường hợp, ra quyết định xử phạt 2 trường hợp đăng tải thông tin vi phạm pháp luật, đề nghị 1 trường hợp rút bài viết trên mạng xã hội (MXH) vì thông tin có thể gây hiểu nhầm; phối hợp Công an thành phố xử lý 2 trường hợp đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên MXH.
Những trường hợp phát tán trên MXH các thông tin bịa đặt, vu khống, sai sự thật này đã gây hoang mang và bất an trong dư luận xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức và cá nhân, nhất là khi mà con số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng vọt từng ngày trên thế giới. Nghe tin đồn, nhiều người dân đổ xô đi mua về dự trữ các loại khẩu trang, lương thực, thực phẩm.... Tệ hại hơn, một số người còn cố ý bịa đặt, tung tin đồn nhảm về Covid-19 để trục lợi bất chính bằng các hình thức kinh doanh vô đạo đức như: mua/bán hàng giả, hàng kém chất lượng; găm hàng, nâng giá các sản phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch;...
Lan tỏa nhiều thông tin tích cực
Trong môi trường phát triển số hóa mạnh mẽ như ngày nay, MXH chẳng khác nào con dao hai lưỡi. Trước thực trạng không ít người lạc vào “mê hồn trận” không phân biệt được đâu là thật/giả giữa “rừng” thông tin hằng ngày trên mạng, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng khuyến cáo: “Ở góc độ công tác quản lý Nhà nước về truyền thông - thông tin, thông qua Báo Đà Nẵng, chúng tôi lưu ý người dân khi sử dụng MXH: Hãy tìm hiểu thêm về các quy định pháp luật liên quan sử dụng MXH; cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ MXH; gương mẫu, chuẩn mực khi tham gia môi trường mạng, không phát ngôn tùy tiện, không chia sẻ, bình luận các thông tin vi phạm luật pháp”.
Nguồn: Chinhphu.vn - Đồ họa: THANH HUYỀN |
Bà Phượng lưu ý rằng, khi công dân phát hiện thông tin trên MXH có nội dung vi phạm pháp luật như: xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; những thông tin sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác… thì lưu lại các bằng chứng thông tin này qua hình thức sao chụp lại hình ảnh thông tin đã đăng tải trên MXH và cung cấp cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ, xử lý.
Đối với Công an thành phố, Thượng tá Nguyễn Hưng Lợi cho hay, việc phối hợp hằng năm giữa đơn vị với Sở GD-ĐT và các trường đại học, cao đẳng, THCN trên địa bàn thành phố nhằm tuyên truyền pháp luật trong “Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh sinh viên” và theo các chuyên đề pháp luật cho học sinh các cấp học đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật nói chung và Luật An ninh mạng nói riêng, hướng dẫn sử dụng, khai thác hiệu quả thông tin trên Internet, MXH, nâng cao khả năng tự đề kháng trước các thông tin xấu, độc hại, tác động tiêu cực của môi trường mạng. “Về lĩnh vực này, ngay từ những văn bản chỉ đạo đầu tiên về phòng, chống Covid-19 trong toàn ngành, Sở GD-ĐT đã quán triệt, chỉ đạo, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các đơn vị, trường học về việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc sử dụng, truy cập, đăng tải, chia sẻ thông tin trên Internet, đặc biệt là các thông tin về Covid-19”, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Đà Nẵng, thông tin.
Phòng, chống Covid-19 đang là tin “hot” từng ngày. Rất đáng mừng, là hiện nay tại Đà Nẵng có một số Fanpage, nhóm của các cơ quan đơn vị như: Quản lý Đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - xanh - sạch - đẹp, Tuổi trẻ Công an thành phố Đà Nẵng, Thông tin quận Ngũ Hành Sơn, Cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng, Tiên Sa… hoạt động khá hiệu quả. Các quận/huyện, phường/xã đều tranh thủ những tiện ích của MXH đã xây dựng các Fanpage lan tỏa nhiều thông tin tích cực trong xã hội để nhiều người được biết đến, chia sẻ nhiều thông tin về quản lý trật tự xã hội… tạo thói quen sống đẹp, sống có ích vì cộng đồng và kể cả các thông tin liên quan xử lý người vi phạm khi sử dụng MXH… Theo nhìn nhận của bà Nguyễn Thị Phượng, đó là những tín hiệu tích cực, đáng mừng, cần được nhân rộng để lan tỏa thông tin tốt, hạn chế thông tin xấu.
Ngoài Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019), ngày 3-2-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mới đây, ngày 30-3-2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có Công văn số 45/TANDTC-PC gửi Chánh án Tòa án Nhân dân các cấp, Chánh án Tòa án Quân sự các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án Nhân dân tối cao về việc hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo đó, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình Covid-19 thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự. |
VĂN THÀNH LÊ