Dòng tiền ngừng trôi

.

Nếu như 5 giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu châu Âu “sống” nhờ phần lớn tiền bản quyền truyền hình thì các giải đấu nhỏ ở cựu lục địa cậy nhờ việc mua bán cầu thủ. Dịch bệnh do virus Corona khiến bóng đá châu Âu dừng lại kéo theo những kế hoạch chuyển nhượng tài năng trẻ từ các giải đấu nhỏ sang đại gia dường như đứng lại.

Jonathan David tạm gác giấc mơ sang đội bóng lớn hơn vì dịch do virus Corona.
Jonathan David tạm gác giấc mơ sang đội bóng lớn hơn vì dịch do virus Corona.

Ligue 1 đã dừng hẳn khiến Ban tổ chức giải đấu phải quyết định vay 224,5 triệu Euro để hỗ trợ các đội bóng vượt qua khó khăn mùa dịch. Các đội bóng ở Ligue 1 cũng như Premier League, Serie A, Bundesliga và La Liga sống nhờ tiền bản quyền truyền hình, các hợp đồng thương mại và tiền bán vé. Chính vì thế, khi mùa giải mới đi được 2/3 đã phải dừng lại như giải VĐQG Pháp khiến các đội bóng lao đao.

Những giải VĐQG thấp hơn một bậc so với top 5 như Bỉ, Hà Lan, Áo… lại sống nhờ việc bán cầu thủ ngôi sao trẻ sang các đại gia trong châu lục. Khó khăn tài chính của các đại gia khiến họ phải gác lại chuyện mua sắm, tìm cách thuyết phục cầu thủ giảm lương, HLV tận dụng cầu thủ đào tạo tại chỗ nên khả năng mua các ngôi sao trẻ từ những giải đấu thấp hơn khó diễn ra.

Tiền đạo Jonathan David của Gent (Bỉ) là cầu thủ đầy triển vọng. Chàng trai 20 tuổi mới từ Canada sang Bỉ hai năm đã sớm đặt dấu ấn khi đồng Vua phá lưới mùa giải này với 18 bàn thắng. Nhiều đại gia châu Âu đã nhòm ngó David từ kỳ chuyển nhượng tháng Giêng 2020 và người đại diện của anh - Nick Mavromaras nhận định rằng, đã tới lúc David nâng mình lên một tầm cao mới. Ông Mavromaras muốn đưa thân chủ sang biển lớn song vẫn lựa chọn một bến đậu cho phép David được thi đấu nhiều hơn, bởi đây là giai đoạn cần được thi đấu để nâng cao trình độ, kiểu như Erling Haaland từ chối Manchester United để tới Dortmund. Giám đốc điều hành của Gent Michel Louwagie nhận định, David là tài năng trẻ số một ở Bỉ hiện nay. Có thể nói, David là “con cá lớn nhất trong kỳ chuyển nhượng hè tới” khi nhiều đại gia đang theo đuổi cậu.

Dòng tiền chuyển nhượng từ Đức, Tây Ban Nha, Ý, nhất là Anh luân chuyển rất mạnh. Từ năm 2015, các CLB Anh đã chi tiêu hơn 1 tỷ USD cho chuyển nhượng các ngôi sao từ Pháp, trong đó 464 triệu USD cho Monaco. Một tỷ USD được các CLB mua ngôi sao từ Juventus, Dortmund, Roma, Barcelona và Sporting Lisbon nhờ khoản tiền bản quyền truyền hình khổng lồ. Số tiền các đại gia bỏ ra mua ngôi sao từ các CLB nhỏ cũng đáng kể. Chẳng hạn như Genk bán cầu thủ cho các đối tác Anh lên tới 88 triệu USD trong 4 năm qua, nhiều hơn tiền bản quyền truyền hình của cả giải VĐQG Bỉ năm 2017. Brugge bán 3 cầu thủ sang Anh mùa hè trước thu về 61 triệu USD.

Phần lớn số tiền bán cầu thủ hồi mùa hè vừa qua, Brugge vẫn còn giữ lại sau khi chi ra một ít để đầu tư tân binh. Giám đốc điều hành Vincent Mannaert của Brugge cho biết, ông nhắm vào thị trường Colombia và Uruguay bởi giá cầu thủ thấp hơn nhiều so với Brazil và Argentina, sau đó là châu Phi. Brugge kiếm những cầu thủ trẻ từ những nơi này về đào tạo trước khi bán lại cho các đại gia. Dịch bệnh ập xuống làm cho các đại gia phải tính toán xoay xở chi tiêu nên những mục tiêu ngôi sao trẻ như Jonathan David cũng đành gác lại…

                                                                   T.B (tổng hợp)

 

;
;
.
.
.
.
.