Nếu Messi đến Ý

.

Ý nghĩ lạ này đến với nhiều người gần đây khi đọc thấy gợi ý của cựu chủ tịch Inter Milan, ông Massimo Moratti. Góp ý về cách thức giữ cho được sức mạnh của câu lạc bộ mà mình từng chăm chút, người đàn ông từng một thời khuynh loát sân cỏ nước Ý nói rằng, nếu phải bán đi Lautaro Martinez thì các nhà lãnh đạo của Inter Milan nên tức thời mua lại Messi (ảnh) hoặc chí ít Dybala để bù vào chỗ khuyết.

Một lối cường điệu ám chỉ giá trị không gì thay thế được của chân sút Martinez hay lời chân tình của vị tiền bối không muốn chứng kiến nguy cơ sa sút của đội bóng? Hay một lối chơi khăm, dụng ý chê trách các nhà lãnh đạo Barcelona trước ý đồ lôi kéo cho bằng được chân sút Argentina ngay từ hè này? Martinez đến nhưng Messi lại đi thì Barcelona lúc ấy sẽ ra thể thống gì khi mục đích của đội đang dẫn đầu La Liga là tìm cho được mũi nhọn tươi trẻ, sung sức để đón các đường chuyền sắc nhọn của Messi.

Vào lúc Suarez bắt đầu xuống sức, Dembele thì bất thường trong khi các ứng viên từ lò La Masia chưa đủ sức thay thế, sự xuất hiện của Martinez cần thiết hơn bao giờ. Chân sút này là đồng đội thông hiểu và gắn bó với Messi nhiều năm nay ở đội tuyển quốc gia. Lợi thế ấy sẽ giúp anh không tốn nhiều thời gian hòa nhập khi về với Nou Camp. Martinez đến là để tăng thêm sức mạnh tuyến trên và khai thác tối đa tài nghệ của Messi ở tuổi 33 chứ đâu phải để thế chỗ của người đội trưởng. Có mà điên kia mới bảo các ông chủ của Barca đổi Messi để lấy về Martinez lúc này!

Martinez với chúng tôi nào khác chi Messi của các vị, vắng họ là đội hình hẫng hụt, đừng cố mà lôi kéo! Thâm ý của vị cựu chủ tịch phải chăng là đây?

Tuy vậy, lời cao hứng của Moratti lại làm bật lên từ khán giả một liên tưởng không tồi: Cũng thú vị lắm chứ nếu Messi về với Inter Milan.

Ở đó, anh sẽ chơi bóng cùng những đồng đội và không gian hoàn toàn mới mẻ, khác hẳn với bầu trời quen thuộc từng che chở anh từ hơn 15 năm qua. Messi sẽ phải làm quen với thứ bóng đá thực dụng, hướng đến hiệu quả trước hết vốn phổ biến trên đất nước hình chiếc ủng. Lối đi bóng, cách chuyền bóng mà anh nhiễm vào hồn trí từ thuở 13 tuổi khi gia nhập lò đào tạo của Barca cũng cần được hiệu chỉnh cho hợp thời thế. Inter Milan đưa anh về để khai thác tài nghệ của cầu thủ giỏi nhất thế giới chứ không phải để thay đổi sắc màu bản ngã truyền thống. Họ sẽ đổi mới vì Messi nhưng bản thân Messi trước hết phải biết hóa thân trước nghịch cảnh và trên tất cả, luôn hiểu rằng mình làm mọi thứ vì giá trị của một câu lạc bộ có máu mặt, một nền bóng đá lừng lẫy lâu đời của lục địa già.

Nơi đó dường xa lạ với ý tưởng của Tele Santana, cựu huấn luyện viên đội tuyển Brazil đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, rằng bóng đá là niềm vui, phải biết làm đẹp trong từng động tác, từng đường chuyền và pha ghi bàn, rằng thà thua trận mà phô diễn thứ bóng đá đẹp còn hơn thắng mà nghèo cảm hứng. Cũng chẳng dễ có đất sống ở đó quan niệm duy mỹ xa vời mỗi trận đấu phải là một tiệc hội của cái đẹp, hiệu quả là điều thứ yếu. Người ta sẽ nhìn ngắm anh không qua các pha đi bóng ngoạn mục mà vô bổ, các đường chuyền độc đáo nhưng bẻ lưng đồng đội chưa hiểu ý, các cú sút hiểm hóc mà không chạm được lưới. Họ sẽ vẽ chân dung anh kèm theo các số liệu về hiệu quả thực tế, các thông số so sánh dẫn từ thời hoàng kim xa xăm.

Bầu trời ấy, không gian ấy liệu có thích hợp với một người nhạy cảm, xem bóng đá là niềm vui, sau lúc rời thao trường lại về với mái ấm gia đình thay vì tìm niềm vui nơi phòng trà tửu điếm? Cứ để Messi cân nhắc còn chúng ta thì mặc sức hình dung và tưởng tượng với nụ cười…

ĐÌNH XÊ
 

;
;
.
.
.
.
.