Làn sóng tăng trưởng mới ở Đông Nam Á

.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và Covid-19 sẽ tạo ra làn sóng đầu tư vào Đông Nam Á lần thứ tư.

Nhà máy Samsung ở Việt Nam sẽ tăng sản xuất điện thoại hậu Covid-19. Ảnh: F.T
Nhà máy Samsung ở Việt Nam sẽ tăng sản xuất điện thoại hậu Covid-19. Ảnh: F.T

Nguồn cảm hứng cho nhau ở châu Á

Lịch sử hậu chiến tranh ở châu Á cho thấy đã tạo ra những làn sóng tăng trưởng lẫn nhau trong châu lục này. Chẳng hạn, khi Nhật Bản phát triển mạnh mẽ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã trở thành nguồn cảm hứng cho Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc). Các quốc gia và vùng lãnh thổ này cùng đổ tiền đầu tư vào Trung Quốc để biến quốc gia đông dân nhất thế giới thành trung tâm tăng trưởng lớn nhất châu Á. Khu vực Đông Nam Á cùng với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Trung Quốc chiếm gần 40% tổng sản lượng quốc nội thế giới.

Trong một thập niên qua, mọi con mắt đều đổ dồn về Trung Quốc nhưng cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến các nhà đầu tư quốc tế chuyển hướng sang Đông Nam Á khi điều kiện ở đây được cho là tốt đẹp để thay thế quốc gia đông dân nhất thế giới. Bất chấp phải quay cuồng với dịch bệnh, thương chiến Mỹ - Trung Quốc không có dấu hiệu nới lỏng.

Giống như Trung Quốc trước đây có thời điểm chín muồi để đón nhận đầu tư nước ngoài nhờ ba yếu tố kinh tế, nhân khẩu học và địa chính trị phát triển mạnh cùng lúc thì bây giờ là thời cơ của Đông Nam Á. Khu vực với gần 700 triệu dân ở phía nam Trung Quốc và phía đông Ấn Độ có dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng, số hóa sâu rộng, phụ nữ tiếp cận giáo dục và được trao quyền lãnh đạo ngày càng tăng là cơ sở để Đông Nam Á có được chỗ đứng mới trên thế giới.

Các quốc gia Đông Nam Á tấn công nghèo đói thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, việc làm, ngân hàng di động và phát triển nông thôn giúp GDP của các nước tăng trưởng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm ở Singapore và Brunei đạt mức 80.000 USD. Khu vực này cũng đã rút kinh nghiệm sau cuộc khủng hoảng 1998 và 2008 vì quá phụ thuộc vào xuất khẩu nên đã cải cách để tập trung xây dựng thặng dư thương mại và dự trữ tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Bài học kinh nghiệm đó thể hiện rõ khi xảy ra đại dịch Covid-19: Các đơn hàng xuất khẩu may mặc và phụ tùng xe hơi giảm mạnh nhưng Đông Nam Á vẫn xuất khẩu nhiều mặt hàng khác sang Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại và virus Corona

Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ vẫn tiếp tục tăng. Mỹ đã nhập khẩu từ Việt Nam tăng 40%/năm trong hai năm liên tiếp 2018 và 2019. Trong khi đó, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm hơn 20%. Chính vì Mỹ không tham gia TPP nên các công ty lớn như Mastercard, Qualcomm, Exxon hay Pfizer phải đầu tư nhiều hơn vào châu Á để cân bằng với những đối thủ từ các quốc gia thuộc TPP. Nhờ đó, Đông Nam Á có 150 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong năm 2019, chỉ đứng sau Trung Quốc 200 tỷ USD và hơn Ấn Độ chỉ 50 tỷ USD. Cộng đồng châu Âu (EU) vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc bởi nhận thấy quy mô thị trường 1,4 tỷ người là quá hấp dẫn nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 khiến các công ty lớn ở EU nhận ra việc phụ thuộc vào một quốc gia quá nhiều rủi ro.

Các công ty đa quốc gia cũng tính chuyện đa dạng hóa khi đầu tư vào Đông Nam Á thay vì chỉ tập trung ở Trung Quốc. Samsung dự kiến đẩy mạnh sản xuất điện thoại ở Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19. Từ trước khi dịch bệnh bùng phát, Apple đã “do thám” Việt Nam để phát triển sản xuất điện thoại. Dịch bệnh càng làm cho Apple muốn thành lập các khu vực sản xuất điện thoại tương tự như “Thành phố iPhone” ở Trịnh Châu (Trung Quốc) nhưng thực tế việc di chuyển các công ty có quy trình sản xuất tinh vi như Apple không phải đơn giản nên cần thêm thời gian để rời Trung Quốc.

ANH THƯ (theo Financial Times)

;
;
.
.
.
.
.