Trân trọng kỷ vật

.

Những ngày cuối tuần là dịp để mỗi gia đình dọn dẹp nhà cửa, “tống tiễn” những thứ không cần thiết ra khỏi nhà cho gọn gàng, ngăn nắp. Tôi vốn là người sống hướng nội nên xưa nay vẫn thích giữ lại những thứ đã cũ, bởi nó không chỉ là một vật dụng đơn thuần mà còn gắn bó với mình nhiều kỷ niệm khó quên.

Những chiếc băng cassette vẫn được tác giả lưu giữ đến bây giờ.Ảnh: Đ.L
Những chiếc băng cassette vẫn được tác giả lưu giữ đến bây giờ. Ảnh: Đ.L

Có lẽ vậy mà tiểu thuyết gia, nhà phê bình người Pháp Marcel Proust từng nói “Thiên đường thực sự là thiên đường mà ta đánh mất”. Hay nhà thơ Chế Lan Viên cũng có câu thơ “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Người ta chỉ thực sự cảm thấy nuối tiếc, hụt hẫng cho đến khi mất đi một điều gì đó.

Tôi cũng không nhớ rõ mình đã có bao lần ngồi thừ ra chỉ để cân nhắc là nên bỏ đi hay giữ lại một vật dụng nào đó đã cũ dù nó không còn giá trị sử dụng nhiều lắm. Một chiếc đài radio thời còn chưa có tivi, một số băng cassette, một chiếc tivi 14 inch, một cái đồng hồ cát, một cái vòng đeo tay, một chiếc điện thoại “cục gạch”... được tặng hay mua ở đâu đó rất lâu nhưng vẫn được tôi luôn giữ bên mình.

Nhiều khi những vật dụng cũ đã được thay thế bằng thứ tiện nghi, hiện đại hơn nhưng đồ cũ vẫn luôn hiện hữu bên tôi cho dù tôi đã chuyển nhà trọ trên dưới chục lần. Đặc biệt, tuy ra trường cách đây gần 20 năm, đến nay tôi vẫn còn đắp chiếc chăn cũ bằng vải nhung mà mẹ mua cho hồi tôi mới bắt đầu khăn gói xa quê lên thành phố trọ học đại học.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, chiếc chăn cũng đã sờn và bây giờ trên thị trường đã sản xuất ra nhiều loại chăn bông ấm hơn với kiểu dáng và màu sắc đẹp, bắt mắt nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích đắp chiếc chăn của mẹ. Tôi cảm nhận được tình yêu thương mà mẹ dành cho tôi trong những ngày tháng xa nhà và thêm yêu quý những ngày sinh viên khốn khó, như nhắc nhở mình phải sống tốt hơn cho xứng với công ơn cha mẹ dưỡng dục.

Nhớ có lần, Hoàng - ở chung phòng trọ cùng tôi trước đây, về lại xóm trọ lấy đồ cũ. Sau khi chuyển nhà và lập gia đình, đồ đạc cũ của Hoàng vẫn để lại trong phòng tôi, cho đến khi tôi chuẩn bị chuyển nhà đi chỗ khác thì Hoàng mới chịu tới lấy. Tất nhiên là Hoàng không thể mang hết đồ cũ về nhà mà phải ngồi lựa ra xem thứ nào cần thiết mới mang đi.

Trong đống sách vở cũ ấy, Hoàng ngồi cười khúc khích khi đọc lại những lá thư thời sinh viên bạn gái viết cho mình bằng thứ ngôn ngữ tình cảm ngọt ngào đến sến sẩm nhưng Hoàng vẫn quyết định đốt nó đi, trong lúc tôi cứ thắc mắc sao không giữ lại làm kỷ niệm. Hoàng bảo để lại làm gì khi đã có gia đình, rồi vợ lại ghen. Tôi thì không nghĩ thế, ai cũng có một thời để nhớ và mỗi thời mỗi khác, nó chỉ là một khoảng trời ký ức riêng của mỗi người tại một thời điểm nhất định, quan trọng là biết lưu giữ như thế nào để không vì nó mà làm ảnh hưởng đến tình cảm sau này. Quá khứ cần được lưu giữ và hiện tại cũng như tương lai cũng cần được tôn trọng, miễn sao chúng ta không làm chúng xáo trộn.

Tôi chợt nhớ đến câu nói của diễn giả người Mỹ Zig Ziglar rằng: “Đừng đổ lỗi cho ai trong đời. Người tốt cho bạn hạnh phúc. Người xấu cho bạn kinh nghiệm. Người tồi tệ nhất cho bạn bài học. Và người tốt đẹp nhất cho bạn kỷ niệm”.

Ngày nay, với cuộc sống càng hiện đại buộc người ta cũng bắt đầu học cách sống tối giản theo kiểu người Nhật, tức là phải biết vứt bỏ những vật dụng không cần thiết trong nhà để làm cho không gian sống thêm rộng rãi, thoáng đãng hơn. Đặc biệt, có những thứ mình không dùng đến nhưng lại rất cần thiết cho người khác thì nên cho đi vì “cũ mình mới ta”, nhất là áo quần, thiết bị máy móc điện tử... Đây cũng là một quan niệm sống đẹp!

Mỗi người sẽ có cách nhìn riêng và tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh, tình cảm mà quyết định nên lưu giữ những kỷ vật hay không. Tuy nhiên, với tôi, chẳng có lý do gì để “xóa sạch mọi dấu vết” về người cũ, bởi kỷ vật không có lỗi. Chúng sẽ mãi mãi nằm một góc thiêng liêng.

ĐOÀN LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.