Người mẹ này (ảnh) thậm chí không thể trả lời được những câu hỏi thăm rất thông thường của chúng tôi. Bà chỉ ngồi yên lặng một góc, trên tấm phản kê sát tường thay cho giường nằm. Nó ọp ẹp đến nỗi một cậu thanh niên khi vừa ngồi lên đã suýt nữa thì sập xuống. Khi được hỏi đến câu thứ hai thì bà bật khóc.
Ảnh: K.H |
Trong cái nắng gay gắt đầu hè, dưới mái nhà lợp fibro xi-măng, có cảm giác đến cái quạt cũ kỹ cũng ì ạch quay, tất cả chúng tôi đều lặng đi. Không biết nói gì, đấy hẳn là cảm giác của tất cả những người khỏe mạnh. Mọi câu an ủi hay động viên đều hoặc là vô duyên, hoặc là không thể diễn đạt cho thấu cái cảm xúc trĩu nặng này.
Bà là mẹ của một cậu con trai bị liệt hai chân, một cô con dâu tay trái và chân trái yếu ớt, và là bà nội của hai em bé còn đang nằm trong bụng mẹ.
Đôi khi tôi nghĩ, phải tận mắt chứng kiến những số phận kém may mắn trên cuộc đời này thì mới thấu tận giá trị cuộc sống của chính chúng ta. Nếu không, có lẽ ai cũng thấy mình bị “giời hành” ở một góc độ nào đấy.
Cậu thanh niên con trai bà mẹ này tên Nguyễn Văn Can. Vốn dĩ là một thanh niên khỏe mạnh, con nhà lao động ở Thanh Hóa. Tốt nghiệp cấp 3, cậu vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm. Một tai nạn lao động khủng khiếp đã khiến cậu trong phút chốc trở thành tàn phế, liệt hai chân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vệ sinh cũng như làm đàn ông. Nhưng Can đã không gục ngã. Cậu đủ kiên cường để nghĩ rằng không thể trở thành gánh nặng cho bố mẹ, các em. Vì thế Can vẫn xoay xở để tự kiếm sống.
Trong cái hành trình nặng nhọc ấy, Can gặp vợ cậu bây giờ. Một cô gái cũng tật nguyền, nhưng khả năng vận động khá hơn một chút. Họ đã từng nghĩ rằng, có được nhau trong đời đã là một niềm hạnh phúc tột đỉnh. Chỉ cần có thế thôi, tựa vào nhau mà đi hết cuộc đời. Khi nào có thể thì xin một đứa con nuôi cho ấm áp cửa nhà. Điều mà cả hai không bao giờ ngờ tới là có ngày họ sẽ được làm bố mẹ của những đứa con mang huyết thống của mình.
Can nói, từ số tiền được bố mẹ hai bên cho làm vốn, rồi bạn bè mừng đám cưới, vay mượn thêm, chúng em “liều một phen” lên Việt Bỉ (Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ) thụ tinh ống nghiệm nhưng cũng vì không đủ tiền nên họ phải chia ra làm mấy giai đoạn. Lấy tinh trùng của bố, xong về. Tiếp tục gom góp tiền bạc, lấy trứng của mẹ, xong lại về. Kiếm tiền tiếp. Đủ tiền lại lên lần nữa, cấy phôi vào mẹ. Trời thương, thực sự là ông trời đã động lòng, để chỉ một lần đầu tiên và duy nhất, việc cấy phôi đã thành công. Can nói, bọn em chỉ đủ sức cố một lần thôi. Nếu không đậu thì chắc cũng bỏ cuộc.
Giờ thì Thúy đã mang bầu hai em bé được 28 tuần. Hai bé đều khỏe mạnh. Đều là con gái.
Tôi đặt tôi vào vị trí của bà mẹ. Người phụ nữ bé nhỏ, gầy guộc, yếu ớt kia, rốt cuộc bà đã làm cách nào để có thể đi qua những ngày tháng khổ đau nhường ấy? Đứa con trai khỏe mạnh đẹp đẽ mà bà mang nặng đẻ đau, quần quật lao động để có thể nuôi lớn thành người, rời quê nhà ra đi đầy háo hức, hy vọng, và trở về trên một chiếc xe lăn. Mọi cánh cửa dường như đóng lại. Mặt trời dường như không tỏa sáng nữa. Đường còn dài, rồi nó sẽ đi qua như thế nào? Tôi thực sự cảm thấy gai người. Giờ đây, con trai đã có vợ, còn sắp làm bố. Có lẽ niềm hạnh phúc lớn lao quá, cộng với âu lo cũng lớn quá khiến bà không thể cất lời.
Bà ngồi im lặng nghe chúng tôi trò chuyện. Đôi khi bà mỉm cười. Phần lớn bà buồn rầu.
Chúng tôi hỏi Can cái điều mà không hỏi thì không yên tâm, đấy là có thể gom góp được đồng nào đã dồn cả vào việc mang thai, vậy mai kia sinh con ra nuôi con bằng gì? Ngôi nhà mà họ đang ở chính xác chỉ đủ che nắng mưa, tài sản có lẽ không có gì đáng giá đến 500 nghìn đồng. Can bảo, bọn em cũng nghĩ đến điều ấy chứ nhưng các cụ nói, anh em bạn bè cũng động viên, rằng “trời sinh voi sinh cỏ”. Chắc chắn thế nào cũng sống được.
Tôi thấy hai vợ chồng Can và Thuý như hai ngọn cỏ. Bé nhỏ, mỏng manh, yếu ớt, nhưng có bị số phận dập vùi cũng sẽ lại nỗ lực đứng lên. Tôi thích nụ cười tươi sáng của Can, tôi cũng thích vẻ e lệ của Thúy khi em vân vê vạt áo, kể về những ngày đầu hai người gặp nhau, thương nhau, rồi quyết định về ở chung. Và tôi cảm thấy ruột gan mình quặn lên khi nhìn bà mẹ lau nước mắt.
Cuộc sống rồi cũng trôi đi thôi, dù là thuận lợi hay khó khăn. Những người như họ khiến tôi muốn nói lời biết ơn cuộc đời đã cho mình quá nhiều may mắn, mà may mắn lớn nhất là được làm một người bình thường.
KHẢI HUYỀN