Lang thang trên các trang mạng xã hội, tôi bắt gặp một trào lưu mới đang được nhiều bạn chia sẻ và tham gia, đó là cùng nhau trả lời thật lòng những câu hỏi theo thứ tự: Ước mơ ngày nhỏ của bạn là gì? Ngành học chính của bạn là gì? Nghề nghiệp hiện tại của bạn là gì? Đằng sau việc tham gia để cùng vui, cùng cười với bạn bè, tôi vẫn thấy đọng lại trong lòng nhiều suy ngẫm.
Đọc các câu hỏi và thầm trả lời, tôi chợt nhớ lại cô gái bé nhỏ năm nào với mơ ước được khoác lên mình bộ quần áo blouse trắng, tay cầm ống nghe y tế và được khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Năm lớp 5, lớp tôi tham gia hội trường với tiết mục hóa trang thành nhiều ngành nghề trong xã hội. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác lâng lâng sung sướng khi cô giáo giao cho mình đúng bộ quần áo blouse trắng và hãnh diện diễu hành say sưa khắp sân trường. Thế rồi, khi trưởng thành, tôi lại bước vào giảng đường chuyên ngành Quản lý Nhà nước và rẽ sang một hướng hoàn toàn khác với ước mơ ngày nào. Tôi vẫn cất giữ đâu đó trong ký ức mình mơ ước ý nghĩa đó; bởi lẽ, chẳng phải tuổi thơ có ước mơ là một tuổi thơ hồng và đẹp đó sao.
Cũng tò mò tìm hiểu câu trả lời của vài người bạn thân, tôi lại càng thấm thía, ước mơ thật ra là một điều gì đó rất ý nghĩa và đáng trân trọng đối với tuổi thơ của mỗi người. Bạn tôi - có người mơ ước lớn lên làm chính trị gia, có người mơ ước được làm phi công Nasa vì thích được bay vào vũ trụ... Mới đọc qua có lẽ nhiều người sẽ phì cười nhưng có giới hạn nào cho các ước mơ? Hơn nữa, biết đâu chính nhờ ước mơ “đầy tính chính trị” đó mà bạn tôi giờ đây đang tiếp tục tiến bước trên con đường nghiên cứu sinh chuyên ngành Hành chính - Chính trị, còn người bạn thích phiêu lưu kia thì lại đang mạnh dạn, kiên trì và quyết tâm trên con đường khởi nghiệp với một công ty riêng về nhận diện thương hiệu. Ước mơ, ở một khía cạnh nào đó, có thể giúp định hướng phần nào cho tư tưởng, hành động của mỗi người, dù có thể khó trở thành hiện thực thì nó cũng thôi thúc mỗi người nỗ lực, cố gắng hơn trong cuộc sống.
Có một sự thật khi tham gia trò chơi này cùng mọi người, tôi nhận ra, phần lớn các bạn mình, cũng như mình, đã làm một nghề khác hẳn với ước mơ ngày nhỏ. Thực tế với nhiều đổi thay, tác động, ảnh hưởng đã dẫn dắt mỗi người vào con đường khác nhau. Có người hài lòng với thực tại hơn, có người vẫn còn nghĩ về những mơ ước xa xăm đó. Nhưng nếu quá khứ là một kỷ niệm đẹp và tương lai là một điều bí ẩn, thì thực tại chính là món quà mà mỗi người nên đón nhận, tận hưởng bằng tất cả tâm - tình.
Bản thân tôi, nếu so sánh ngành nghề hiện tại của mình và ước mơ ngày nhỏ, chắc chắn tôi không thể khẳng định được bên nào tốt hơn. Chỉ biết rằng, con đường tôi đang đi là do tôi lựa chọn và tôi phải có trách nhiệm với sự lựa chọn đó. Mỗi một hướng đi đều có những chông gai, “chướng ngại vật” riêng. Dặn lòng không để sự lựa chọn của mình trở nên vô nghĩa sẽ giúp mỗi người nhẫn nại và quyết tâm hơn để bước tiếp và để thành công.
Chỉ với một trào lưu trả lời thử thách gây bão mạng, nhưng tôi nghĩ nó cũng giúp nhiều người sống lại phần nào với tuổi thơ và ngẫm nghĩ về những gì mình đang làm, sẽ làm. Ngoài ra, trào lưu này cũng nhắc nhở ít nhiều các bậc phụ huynh về việc quan tâm đến ước mơ của con trẻ. Ngay lập tức sau khi tham gia, tôi đã trò chuyện cùng con về mơ ước nghề nghiệp sau này của bé. Một số mơ ước có thể chỉ là ước mơ, nhưng biết đâu một số mơ ước lại thực sự mang tính hướng nghiệp và định hướng nhiều hoạt động có ích sau này. Chẳng hạn, cùng với giấc mơ phi hành gia, bé có thể say mê những bài học thiên văn đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. Hay nếu bé thích nghề diễn viên, bé có thể chăm chỉ rèn luyện kỹ năng biểu đạt cảm xúc và giao tiếp. Hoặc nếu sau này bé có trở thành vũ công hay không thì niềm yêu thích nhảy múa cũng giúp bé có cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh...
Nhớ về giấc mơ ngày bé và ngẫm về công việc hiện tại - không phải để so sánh hơn thua, đúng sai, mà để có động lực hơn và có trách nhiệm hơn trong cuộc sống.
ĐỖ LAN HƯƠNG