Vun đắp hạnh phúc gia đình

Để mỗi gia đình luôn hạnh phúc

.

Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, phát huy truyền thống tốt đẹp từ các thế hệ đi trước, chống lại các tệ nạn xã hội. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU về “Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, nhận thức của cộng đồng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ngày một nâng cao; số vụ BLGĐ có chiều hướng giảm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Các thành viên trong  gia đình chia sẻ niềm vui sau khi đoạt giải tại Hội thi Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc.  Ảnh: Đ.H.L
Các thành viên trong gia đình chia sẻ niềm vui sau khi đoạt giải tại Hội thi Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: Đ.H.L

Bảo vệ nạn nhân kịp thời

“Vụ việc về bé gái đó sao rồi?”, “Hiện bên em đã gặp gỡ bé để nghe bé tâm sự, chia sẻ”, “Bố đẻ bé nói gì?”, “Bố bé mong muốn đưa bé về nuôi anh ạ”, “Vậy mọi người làm báo cáo gấp tình hình vụ việc cho bên anh nhé”. Đó là cuộc điện thoại trao đổi công việc giữa bà Trần Thị Thu Huyền, Trưởng ban Luật pháp - Chính sách, kiêm Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài (Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố) và đại diện cơ quan công an về một vụ việc của một gia đình đang tranh quyền nuôi con khi có nghi ngờ bé gái bị bố dượng lạm dụng tình dục.

Dù xã hội ngày càng tiến bộ nhưng BLGĐ vẫn là vấn nạn gây nhức nhối cho toàn xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân, trong đó đa phần là phụ nữ, trẻ em. BLGĐ có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi với tính chất, mức độ nghiêm trọng khác nhau và có điểm chung là xoay quanh các xung đột vợ - chồng, cha mẹ - con cái, giữa các thành viên khác trong gia đình…

Bà Trần Thị Thu Huyền chia sẻ: “Hầu hết các vụ việc phức tạp mới tìm đến Trung tâm, chủ yếu là BLGĐ, xâm hại tình dục, tư vấn ly hôn, chia tài sản. Những vụ bạo lực mới sơ khai thì Trung tâm giúp hòa giải, còn xảy ra có tính hệ thống thì phối hợp với các cấp, ngành vào cuộc. Đặc biệt, những vụ việc mang tính chất hình sự, Trung tâm sẽ làm việc với công an. Những người tìm đến Trung tâm là khách hàng nên thông tin phải được bảo mật. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là tư vấn pháp lý và tham gia hoạt động giám sát trên tinh thần hỗ trợ nạn nhân và xử lý người gây BLGĐ nhằm hạn chế và chấm dứt bạo lực trong cộng đồng”.

Qua 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đã xác định được vai trò, trách nhiệm và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đối với công tác phòng, chống BLGĐ. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, các địa phương đã và đang triển khai nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ mang lại hiệu quả cao. Từ đó nâng cao ý thức người dân, đồng thời bảo vệ kịp thời các nạn nhân và ngăn ngừa tình trạng BLGĐ nghiêm trọng.

Địa bàn phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) trước đây được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng BLGĐ. Tính từ năm 2009 đến nay, toàn phường có 25 cặp vợ chồng thường xuyên xảy ra bạo lực, nguyên nhân chính là công ăn việc làm không ổn định, rượu chè, ghen tuông, kinh tế, tình dục… Bà Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết, các chị thường nhận thông tin bạo lực xảy ra lúc ban đêm, vì vậy Hội thường xuyên phối hợp với Công an phường đến hiện trường can thiệp hòa giải những vụ mâu thuẫn đơn giản, còn phức tạp hơn thì lập hồ sơ cảm hóa kiểm điểm giáo dục trước dân.

Đối với những trường hợp tái đi tái lại nhiều lần thì đề nghị xử phạt hành chính và đã có 7 đối tượng bị xử phạt với tổng số tiền gần 10 triệu đồng. “Với tình hình BLGĐ như vậy, phụ nữ bị tổn thương, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng về mặt tinh thần, kinh tế gia đình sa sút, ảnh hưởng đến nền văn hóa gia đình Việt Nam.

Do vậy, công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ hết sức cần thiết. Hội đã tham mưu UBND phường thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống BLGĐ, bố trí cán bộ phụ trách công tác gia đình và công nhận thành lập 5 địa chỉ tin cậy, 3 CLB Gia đình hạnh phúc bền vững. Đặc biệt, Hội LHPN phường được Hội LHPN thành phố đầu tư dự án “Năng lực tài chính giảm thiểu BLGĐ” trong 2 năm do một dự án của Tây Ban Nha tài trợ kinh phí, trên cơ sở đó đã giải quyết nhiều vụ việc thành công, đem lại hạnh phúc cho 25 cặp gia đình”, bà Bích Liên chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cũng cho biết, trong thời gian qua, UBND phường đã thành lập 70 tổ hòa giải ở cơ sở do tổ phó tổ dân phố làm tổ trưởng, các hội, đoàn thể ở khu dân cư làm thành viên. Đến nay, toàn phường có 3 địa chỉ tin cậy nhằm kịp thời tiếp nhận thông tin, phản ánh và giải quyết các vụ việc liên quan đến BLGĐ. Hằng năm, Công an phường tổ chức 2 đợt gặp mặt, đối thoại với những người có hành vi bạo lực và người bị bạo lực; đồng thời trực chiến đấu 24/24 giờ để tiếp nhận các tin liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có tiếp nhận và giải quyết các tin báo liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra, Công an phường còn triển khai mô hình “CLB nói không với BLGĐ” tại khu vực Đà Sơn. Nhờ vậy, tình trạng bạo lực trên địa bàn phường đã giảm rõ rệt.

Tăng cường răn đe, giáo dục đối tượng vi phạm

Cùng với việc can thiệp xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra, công tác tuyên truyền, giáo dục các đối tượng vi phạm cũng rất quan trọng. Hằng năm, Công an thành phố đều xây dựng kế hoạch, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh phòng, chống BLGĐ; đồng thời thường xuyên rà soát, lên danh sách các đối tượng hay sử dụng hành vi bạo lực, có nguy cơ BLGĐ để đưa vào diện quản lý, cảm hóa, giáo dục. Từ năm 2009 đến nay, lực lượng công an đã rà soát lên danh sách đưa vào cảm hóa, giáo dục trên 2.000 lượt đối tượng BLGĐ, nhờ đó đã hạn chế các vụ bạo lực có thể xảy ra. Tuy nhiên, tình trạng BLGĐ hiện nay vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau; tính chất của các vụ việc ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường làm ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an ninh, trật tự xã hội.

Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, qua công tác đấu tranh phòng, chống BLGĐ cho thấy, BLGĐ do nhiều nguyên nhân: do đối tượng và nạn nhân thiếu thốn về điều kiện kinh tế, tình cảm; văn hóa ứng xử chưa văn minh trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày; chưa có tình yêu thương thật sự giữa vợ chồng; thiếu sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau dẫn đến sự hoài nghi, ghen tuông. Khi được tư vấn và giải quyết thì nạn nhân của BLGĐ thường mang tâm lý bảo thủ, bao che vụ việc.

Đa số nạn nhân thường nhẫn nhịn, sợ mất uy tín, giữ thể diện nên không báo chính quyền địa phương; chỉ khi BLGĐ xảy ra thường xuyên thì mới báo cơ quan chức năng nên việc răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn. Cũng theo Đại tá Trần Mưu, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác nắm tình hình và tham mưu cho các cấp trong việc phòng ngừa, đấu tranh các hành vi liên quan đến BLGĐ. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành trong việc quản lý, tiếp nhận và xử lý thông tin; đồng thời thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tố cáo các hành vi BLGĐ để can thiệp, xử lý kịp thời.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Về phía địa phương, bà Trần Thị Bích Liên cho rằng, khó khăn hiện nay là sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể còn ít, chủ yếu can thiệp khi có sự vụ xảy ra. Một số hộ dân còn xem BLGĐ là vấn đề của cá nhân, ngại va chạm và né tránh. Việc nhận thức của một số đối tượng còn hạn chế, thậm chí xem thường pháp luật dẫn đến bạo lực kéo dài. Do đó, điều quan trọng nhất là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức về công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ cho các tầng lớp nhân dân.

Thứ hai là sự vào cuộc có trách nhiệm của tổ dân phố, cảnh sát khu vực và các ngành chức năng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và giải quyết vụ việc. Thứ ba là triển khai nhân rộng mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững, nhóm BLGĐ và lồng ghép sinh hoạt cùng CLB Gia đình văn hóa đã thành lập trên địa bàn. Song song đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống BLGĐ; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm. Nếu thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nạn BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ...

Theo Hội LHPN thành phố, đến nay 56/56 phường, xã đã thành lập mô hình phòng, chống BLGĐ theo hướng dẫn của ngành văn hóa và thể thao. Một số phường, xã còn thực hiện theo mô hình do Hội LHPN thành phố hướng dẫn. Toàn thành phố đã thành lập 237 CLB Gia đình phát triển bền vững và các CLB khác có hoạt động về gia đình và phòng, chống BLGĐ; 277 nhóm, tổ phản ứng nhanh phòng, chống BLGĐ.

Tất cả các phường, xã xây dựng đường dây nóng với 168 số điện thoại và 569 địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về BLGĐ thông qua số điện thoại UBND, Công an, Hội LHPN phường/xã, tổ trưởng tổ dân phố và số điện thoại của cảnh sát khu vực.

Toàn thành phố có 1.944 tổ hòa giải với 9.354 hòa giải viên. Trong thời gian qua các tổ đã thụ lý được 4.080 vụ việc về mâu thuẫn trong gia đình, hòa giải thành công 3.428 vụ việc, đạt 84%. Qua hoạt động hòa giải, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở các gia đình được hòa giải kịp thời; phòng tránh, ngăn ngừa được nhiều trường hợp có nguy cơ bạo lực, BLGĐ.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.