Dũng khí của người làm báo

.

Dường như thời nào thì điều tra vẫn là thể loại báo chí hấp dẫn nhất. Bởi vậy nên các tòa soạn luôn đề cao các phóng viên thạo mảng điều tra, đồng thời đầu tư nhiều nhân lực, tài lực cho những tuyến bài dạng này. Đối với người trong nghề, báo chí điều tra luôn là thách thức.

Trong Nhà báo hiện đại (NXB Trẻ, 2014), nhóm biên soạn The Missouri Group thuộc Khoa Báo chí - Đại học Missouri (Mỹ) đã chỉ ra 3 trở ngại khi thực hiện bài báo điều tra, gồm tiền bạc, nhân sự và lòng dũng cảm; trong đó, lòng dũng cảm là vấn đề lớn nhất. Ít tiền hay thiếu người, hai chuyện này có thể khắc phục được; còn dũng khí, nếu thiếu thì thua! Và dũng khí không chỉ cần có ở những người trực tiếp thực hiện điều tra (hay phóng sự điều tra) mà phải thấm trong máu của lãnh đạo các báo, đài nữa.

"Đang làm việc ở một tờ báo thiếu tiền hay thiếu nhân sự, bạn vẫn có thể tìm ra phương cách để làm phóng sự điều tra, nếu bạn thật sự khát khao. Nhưng nếu bạn thấy mình đang làm việc ở một tờ báo thiếu lòng dũng cảm, bạn chỉ có hai lựa chọn - bỏ ý định hoặc thôi việc” (Nhà báo hiện đại, tr.396).

Lòng dũng cảm phục vụ cho mục đích gì? Trước tiên là để thực hiện thành công bài điều tra, bài được đăng và sau đó không phải sửa đổi hay gỡ bỏ bởi bất kỳ sức ép nào. Bài báo phục vụ bạn đọc, đồng thời phơi bày sự thật ra ánh sáng, mục đích tối thượng - suy cho cùng - là phục vụ cho chính nghĩa. Tất nhiên, đã là báo chí cách mạng thì thể loại nào cũng phải hướng tới chính nghĩa, phải “phò chính, diệt tà”. Ở đây dẫn nhập bằng chuyện về điều tra - thể loại báo chí dù khó “nhằn” nhất song đội ngũ người làm báo trong nước chưa bao giờ buông bỏ - để nhấn mạnh một điều rằng nghề báo chân chính luôn thật sự là một nghề dũng cảm, hy sinh và cống hiến rất nhiều. Vì hai chữ “chính nghĩa” quý báu ấy mà trong suốt hành trình kháng chiến cứu quốc, giành độc lập dân tộc cho đến công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước hiện nay, đã có biết bao nhà báo xông pha, bất chấp hiểm nguy để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Tự thân mỗi con người đều đã có nhân- trí - dũng. Trong từng nhà báo, “nhân” là một thuộc tính cố hữu; “trí” phải học và luyện mới thành; còn “dũng” - phẩm chất này có tính bản năng, thiếu thì không làm nghề được hoặc sớm muộn cũng sẽ bị đào thải. Với nghề báo, làm tròn 3 nguyên tắc: trung thực, độc lập, khách quan, chính là “dũng”. Dịch bệnh hoành hành, phương thức tiếp cận thông tin của độc giả thay đổi nhanh và liên tục… khiến làng báo gặp rất nhiều khó khăn, vậy nhưng vẫn phát hành đều đặn và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị lẫn phản biện xã hội, đó cũng là “dũng”. Sự va đập liên tục và dữ dội của thực tiễn cuộc sống không khiến người làm báo nao núng, ngược lại ngọn lửa uy dũng trong họ vẫn cháy bùng. Thỉnh thoảng đây đó có xảy ra sự việc bất nhã của người trong nghề, song nhìn toàn cục, làng báo chưa bao giờ “chạy sai làn”. Cái làn chính nghĩa vẫn là làn chủ đạo, dẫn dắt.

Thông tin, tuyên truyền, tranh đấu, phản biện - những hoạt động chủ lưu luôn sục sôi trong làng báo. Chẳng phải tự khen, đấy chính là đánh giá của người đứng đầu Chính phủ. Trong thư chúc mừng gửi tới Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu hôm 13-6 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những nhà báo luôn “đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, là diễn đàn của người dân để thực hiện quyền giám sát công tác điều hành của chính quyền các cấp”.

Nhà báo dũng cảm trong tác nghiệp thôi, chưa đủ! Phải dũng cảm vượt qua sức sát thương của “viên đạn bọc đường”, tức là chiến thắng chính mình, đó mới là dũng khí toàn diện. Dịp 21-6-2020 này là tròn 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam - khoảng thời gian đủ dài để nhìn lại và tự hào. Từ quá khứ đến hiện tại, phải khẳng định một trong những yếu tố làm nên sự thành công của báo chí nước ta chính là dũng khí của người cầm bút.

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.