Nhà văn, nhà báo 'đi thực tế'

.

Dù nhà văn hay nhà báo, dù sáng tác một tác phẩm văn học dài hơi hay viết một bài báo ngắn vài ba trăm chữ thì tác giả cũng phải thâm nhập thực tế đời sống, khai thác những chi tiết của hiện thực đời sống, lấy chất liệu của đời sống để làm nên tác phẩm. Từ đó, một vấn đề đặt ra là trong tình hình hiện nay, nhà văn, nhà báo “đi thực tế” như thế nào?

Nhà văn hay nhà báo đều phải thâm nhập thực tế đời sống, lấy chất liệu của đời sống để làm nên tác phẩm. Ảnh: XUÂN SƠN
Nhà văn hay nhà báo đều phải thâm nhập thực tế đời sống, lấy chất liệu của đời sống để làm nên tác phẩm. Ảnh: XUÂN SƠN

Khoảng mươi năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều hơn những ý kiến bày tỏ sự quan tâm đến mối quan hệ giữa nghề văn, nghề báo. Người thì nói đến xu hướng hiện đại đang có sự tách bạch giữa văn chương và báo chí, đang dần hình thành khuynh hướng báo chí “chia tay với văn chương” để trở thành một loại hình sáng tạo chuyên biệt.

Có người lại lập luận và chứng minh rằng, từ lịch sử lâu đời, nghề văn, nghề báo vốn gắn chặt với nhau, rất nhiều nhà văn đồng thời là nhà báo, và ngược lại nhiều cây bút báo chí sắc sảo đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm văn chương. Câu chuyện sẽ không có hồi kết, bởi thực tế hiện nay vẫn tồn tại tình trạng nhiều nhà văn đang thai nghén, ấp ủ những tác phẩm văn học dài hơi nhưng vẫn đang phải viết báo để vừa nhập cuộc đời sống, vừa thực hiện ý đồ “lấy ngắn nuôi dài”.

Thực ra, vấn đề đi vào thực tế đời sống của quần chúng công nông binh để sáng tác đã được thực hiện rầm rộ và sôi nổi từ thời kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, nhất là vào khoảng những năm 1946-1948. Đó là thời kỳ “văn nghệ sĩ đầu quân” với những tên tuổi như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Thâm Tâm, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Trọng Lư, Huỳnh Văn Nghệ... hầu hết đều tình nguyện nhập ngũ, nhiều người được phiên chế về các đơn vị để “ba cùng” với chiến sĩ.

Nhưng khi nói đến cụm từ “đi thực tế” là chúng ta nhắc đến một chủ trương của một thời đoạn lịch sử nhất định, đó là thời kỳ sau hòa bình mới lập lại trên miền Bắc. Đây là một chủ trương lớn, một cách thức để tạo điều kiện cho các nhà văn, nghệ sĩ, kể cả các nhà báo có thêm vốn sống để sáng tạo nên tác phẩm trong giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế, cần có những tác phẩm phản ánh “cuộc sống mới, con người mới”, phản ánh cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa “hai con đường” trong bước đầu của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ chủ trương đúng đắn đó, rất nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo có dịp đi thực tế tại các nhà máy, công trường, những làng quê đang chuyển mình, từ đó đã có những chuyển biến sâu sắc về nhận thức và tình cảm, thâu nhận đầy ắp chất liệu đời sống để xây dựng nên những tác phẩm sôi động một thời và có giá trị bền lâu.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lan rộng cả hai miền Nam - Bắc, vấn đề thâm nhập cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta, cả ở tiền tuyến lẫn hậu phương, là một yêu cầu nhiệm vụ cao cả, là mệnh lệnh trái tim của các nhà văn, nhà báo, đồng thời cũng là nhu cầu tự thân của tất cả những người cầm bút. Trong những năm tháng ấy, bản thân hiện thực đời sống, từ tiền tuyến đến hậu phương, đã là thực tế rồi, đã là nguồn chất liệu dồi dào phong phú và đầy góc cạnh rồi.

Nhà nghệ sĩ đã đắm mình thực sự trong cái biển thực tế nồng đậm ấy, nên tác phẩm ra đời mang hơi thở đời sống là một kết quả tự nhiên. Riêng với những nhà văn, nhà báo bám trụ ở chiến trường miền Nam qua những thời kỳ gay go ác liệt nhất, họ đã thực sự sống sâu, sống kỹ, sống “tận đáy” của hiện thực với vô vàn chi tiết sinh động, cụ thể về lòng căm giận và tình cảm yêu thương, về sự tàn bạo của kẻ thù và những gương hy sinh dũng cảm không bút nào tả hết. Với họ, không thể gọi là “đi thực tế” mà là “sống với thực tế”, một thực tế mà có khi chỉ trong cuộc sống chiến đấu của dân tộc ta chống lại những thế lực “hung nô của thời đại” mới diễn ra như vậy.

Trên phạm vi cả nước, lần lượt các nhà văn, nhà báo cũng đã có mặt ở các chiến trường nóng bỏng với những chuyến đi thực tế ngắn hay dài, tuyến lửa Vĩnh Linh hay tận cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ… Với sự nhạy cảm của người cầm bút, cộng với thực tế sinh động, hàng loạt tác phẩm xuất sắc ra đời, góp phần hình thành một nền văn học mang tầm vóc lớn lao, “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay”, như đánh giá trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

Góp phần vào thành tựu chung ấy, không chỉ có các nhà văn, nghệ sĩ, mà phải nói rộng ra là tất cả những người cầm bút, cầm máy, trong đó có các nhà báo. Có thể nói, những nhà báo, nhất là những phóng viên mặt trận là những người do yêu cầu của nghề nghiệp mà phải trực tiếp giáp mặt với những tình thế hiểm nguy, thậm chí với cái chết. Mỗi bản tin ngắn, mỗi bức ảnh, mỗi thước phim đều phải được làm nên bởi sự chứng kiến, tham dự trực tiếp của nhà báo.

Trong cuộc sống xây dựng hòa bình hiện nay, hiện thực diễn ra trước mắt văn nghệ sĩ và nhà báo là công cuộc đổi mới, hội nhập với thế giới. Hiện thực đời sống trong cơ chế thị trường trở nên đa dạng, đan chéo các mảng sáng tối, nhiều góc khuất của cuộc đời, nhiều mảng sống mà người nghệ sĩ, người làm báo không phải ai cũng có điều kiện đến được, thậm chí muốn đến cũng không được.

Để phản ánh về những vấn đề đặt ra trong làm ăn kinh tế, để xây dựng được những mẫu người năng động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, các nhà văn, nhà báo không dễ dàng đi vào các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh.

Dường như mỗi đơn vị có một “bí quyết” kinh doanh riêng, không chia sẻ hoàn toàn, đầy đủ được với ai, kể cả nhà văn, nhà báo. Các nhà báo hiện nay không phải lúc nào cũng được đi thực tế trong cái nghĩa có phần tươi vui “lãng mạn” như xưa, khi họ được đến với những nơi tiên tiến, sống cùng những con người tiên tiến để phản ánh những mảng hiện thực tươi sáng động viên không khí hăng say lao động, tất nhiên có cả phê phán những cái tiêu cực lạc hậu, nhưng mục đích phê phán để khẳng định là chính.

Các nhà báo hiện nay, nhất là những phóng viên được giao nhiệm vụ tiếp cận hiện trường để làm phóng sự điều tra về những khuất tất trong làm ăn kinh doanh, trong những phi vụ lâm tặc phá rừng, những tình trạng bảo kê cho việc gian lận thương mại, làm hàng giả, tình trạng thực phẩm bẩn,... thường phải bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, dũng cảm và khôn khéo mới hoàn thành được bài báo, những thiên phóng sự điều tra thật giá trị để phơi bày những mặt tiêu cực trong xã hội.

Những chuyến “đi thực tế” như vậy cũng phải đánh đổi bằng sự vất vả, kể cả những hiểm nguy. Đối với các nhà văn, nhu cầu được sống lâu, sống sâu, được gắn bó như là một người thân quen của một xí nghiệp, nhà máy, một đơn vị kinh doanh nào đó như những chuyến đi thực tế thời kỳ trước đây, nay đã thành chuyện quá xa vời. Như vậy thì làm sao chúng ta có được những tác phẩm có chiều sâu về một giai đoạn phát triển sôi động của đất nước đang trong thời kỳ hội nhập sâu với thế giới.

Từ đó, vấn đề đặt ra là làm sao để nhà văn, nhà báo có thể đi vào thực tế đời sống và được đón nhận một cách cởi mở, chân thành. Phải chăng đây đang là câu hỏi đặt ra với những người lãnh đạo quản lý văn hóa văn nghệ, những nhà quản lý doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, kể cả các địa phương, đơn vị? Chỉ khi nhà văn, nhà báo được sống thực trong một môi trường “mở”, với tất cả những mảng tối - sáng của nó thì những chuyến đi thực tế trong tình hình hiện nay mới thực sự có ý nghĩa. Còn không, chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, bằng lòng với những bề nổi của hiện thực, khó lòng có được những tác phẩm chiều sâu, có tính bao quát và mang tầm sử thi rộng lớn.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.