Những địa danh ở Thừa Thiên Huế trong ca từ của Trịnh Công Sơn

.

Nhiều người nói rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi sáng tác sử dụng nhiều hình ảnh, âm hưởng của xứ Huế, nhưng lại rất hiếm nhắc đến địa danh cụ thể của vùng đất Cố đô.

Chúng ta thử xem trong kho tàng âm nhạc Trịnh Công Sơn có bao nhiêu địa danh của vùng đất thơ mộng, cũng là quê quán của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Danh ca Khánh Ly và tác giả bài viết khi đến  Gác Trịnh, địa điểm quen thuộc của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn ở Huế. Ảnh: P.V
Danh ca Khánh Ly và tác giả bài viết khi đến Gác Trịnh, địa điểm quen thuộc của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn ở Huế. Ảnh: P.V

Trịnh Công Sơn sáng tác nhạc lấy cảm xúc từ nỗi khổ đau, chia lìa của cuộc sống làm chủ đạo, nên âm nhạc của ông giàu tình cảm, triết lý nhân sinh và cả nỗi buồn triền miên của thân phận con người. Ngay trong bài Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Trịnh Công Sơn đã thể hiện tấm lòng của mình với quê hương, xứ sở khi định danh rõ 3 thành phố lớn của đất nước. Nếu Hà Nội là trung tâm chính trị, Sài Gòn là trung tâm kinh tế thì thành phố Huế là trung tâm văn hóa của cả nước.

Bài Mưa hồng có câu “Đường phượng bay mù không lối vào” gợi đến nhiều con đường ở Cố đô Huế, để từ đó người dân Huế đã gọi tên “Phượng bay” cho các con đường lãng mạn - nơi hò hẹn của các đôi uyên ương. Bàn về đường Phượng bay ở Huế, có người nói đó là đường Lê Duẩn (ngày trước là đường Trịnh Minh Thế), đoạn trước cột cờ ngày xưa đường hẹp và có nhiều cây phượng, tán cây vươn rộng như đang vào nhau. Cũng có người nói đó là đường Nguyễn Trường Tộ. Còn đường Phượng bay mà người dân Huế đặt tên chính là đường Đoàn Thị Điểm; nếu xét về yếu tố không gian thì thấy hợp lý, vì “mù không lối vào” có thể gợi sự liên tưởng đến hình ảnh sương mù dày đặc, khiến mọi người không thể thấy đường để đi vào, tức là vào Thành Nội, cho dù con đường này không có nhiều cây phượng.

Hình ảnh “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” trong bài Diễm xưa gợi nhớ đến tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ. Có nhiều bình luận cho rằng, tháp cổ chính là tháp nhà thờ Phủ Cam, hay cũng có thể là cổ của một nàng thiếu nữ có ba ngấn... Dù mọi người bình thế nào, nhưng tâm thức người dân xứ Huế khi nghe đến tháp cổ thì nghĩ ngay đến tháp Phước Duyên ở chùa Linh Mụ.

Trong bài Bến sông có đoạn “Ai quay về nghe giọng hò hát Nam Ai, Nam Bình, nghe rồi buồn vu vơ” nhắc đến hai điệu hò Nam Ai, Nam Bình trong ca Huế. Hay trong bài Bà mẹ Ô Lý, địa danh châu Ô, châu Lý chính là một phần của vùng đất Thừa Thiên Huế bây giờ, do vua Trần Nhân Tông gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, để rồi sau đó nhận được sính lễ là hai châu Ô, Lý.

Hay hình ảnh “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng” trong ca khúc Nắng thủy tinh gợi hình ảnh những ngọn thanh lạp trên ngàn cây thông trên đồi Thiên An. Cũng có người cho rằng đó là những ngọn nến lấp lánh trên hàng cây long não ở đường Nguyễn Trường Tộ, trước căn gác mà Trịnh Công Sơn đã sống và sáng tác gần 20 năm.

Trong ca khúc Lời thiên thu gọi có câu “Về chân núi thăm nấm mồ/ giữa đường trưa có tôi bơ phờ”. Phải chăng hình ảnh người con đi thăm mộ bia của cha mình ở chân núi Ngự và những ám ảnh về thân phận, sinh tử của kiếp người đã tạo nên ca khúc Lời thiên thu gọi, Một cõi đi về...?

Cuối năm 2019, danh ca Khánh Ly ghé thăm Gác Trịnh (căn gác mà Trịnh Công Sơn cùng gia đình đã sống gần 20 năm). Bà rất xúc động khi bước vào Gác Trịnh, trong giai điệu của ca khúc Một cõi đi về vang lên với giọng hát của bà thời xuân xanh. Bà nói trong ngập ngừng: “Bản nhạc này ông Trịnh Công Sơn đã tập cho tôi hát ở căn gác này…”.

Ngoài các địa danh giúp người nghe nhạc của Trịnh Công Sơn liên tưởng đến những hình ảnh đẹp của Cố đô Huế, hay những địa danh cụ thể liên quan đến Thừa Thiên Huế như đã đề cập trong bài viết, hẳn còn nhiều ca khúc của nhạc sĩ tài hoa này có hình ảnh xứ Huế. Những “tín đồ” nhạc Trịnh nên có những chuyến hành hương đến những địa danh đặc biệt này khi đến Huế, cũng như đến những nơi mà ông đã từng “ở trọ” trong chốn trần gian này để hiểu hết những triết lý trong ca từ của ông.

LÊ HUỲNH LÂM



 

;
;
.
.
.
.
.