Thấu hiểu và đồng hành trẻ tự kỷ

Giáo trình trách nhiệm và yêu thương

.

Đối với trẻ tự kỷ, các trường, cơ sở giáo dục đang áp dụng rộng rãi phương pháp Montessori - cách dạy học thông qua việc khai thác tiềm năng sẵn có, không áp đặt, chỉ quan sát đưa ra gợi ý và hỗ trợ khả năng tự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, giáo trình hiệu quả nhất vẫn là tình yêu thương, sự kiên nhẫn, chịu khó quan sát, lắng nghe và đồng hành với trẻ.

Những em bé khuyết tật đang tham gia lớp học ngoài trời tại Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm. Ảnh: TIỂU YẾN
Những em bé khuyết tật đang tham gia lớp học ngoài trời tại Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm. Ảnh: TIỂU YẾN

Khó có giáo trình chung

8 năm trước, con gái K.H (phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được anh Lê Thanh mang đến gửi gắm cho các thầy, cô ở Trường Chuyên biệt (CB) tư thục Thanh Tâm (phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Chừng đó năm, con đường dài hàng chục cây số từ Quảng Nam ra Đà Nẵng chứng kiến bao mồ hôi, niềm hy vọng của hai cha con. Bé H. bị chứng tự kỷ nặng, thị lực yếu, “sống tách biệt” trong suy nghĩ và hành động của mình.

Dõi theo từng thay đổi tích cực của con tại ngôi trường này, anh Thanh xúc động nói: “Tại đây, con tôi được các cô yêu thương, dạy chữ, dạy kỹ năng vận động và kiêm cả chuyện cho ăn, vệ sinh, tắm. Nay bé nghe rõ hơn, nói nhiều hơn, biết lo cho bản thân và quan tâm đến người thân trong gia đình. Đây là những điều mà trước đây chúng tôi chưa bao giờ thấy ở con”.

Tại Trường CB tư thục Thanh Tâm, B.H (quận Cẩm Lệ) vừa bước sang tuổi 15 nhưng vẫn ngây ngô, trẻ thơ, dễ cười, dễ khóc. H. bị thiểu năng, tự kỷ thể nhẹ, từ nhỏ được gia đình yêu thương, cưng chiều. Mẹ H. kể, sau nhiều tháng tìm kiếm địa chỉ phù hợp nhất, chị hoàn toàn yên tâm gửi con trai vào ngôi trường này.

“Tôi tham gia fanpage “Trường CB tư thục Thanh Tâm” và “Nhóm phụ huynh trường Thanh Tâm” để theo sát những giờ học, luyện tập của con ở trường. Sau nhiều năm đưa con đến nơi này, điều đọng lại trong tôi là các cô rất nhiệt tình, có nhiều phương pháp giảng dạy tốt và con biết tự chăm sóc bản thân, ngoan hơn khi trở về nhà”, chị chia sẻ.

Trường CB tư thục Thanh Tâm có hơn 50 giáo viên và 11 nhân viên chăm sóc gần 300 học sinh khuyết tật dạng bại liệt, bại não, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, khiếm thính. Trong đó, khối mầm non có 129 em, khối tiểu học có 155 em và hướng nghiệp dạy nghề cho 27 thanh, thiếu niên khuyết tật. Năm 2011, Trường CB tư thục Thanh Tâm bắt đầu thí điểm mô hình lớp học dành cho trẻ tự kỷ. Từ đó đến nay, mô hình này đã giúp nhiều trẻ em được can thiệp sớm, hình thành những thói quen tốt, tái hòa nhập cộng đồng.

Sơ Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường CB Thanh Tâm cho biết, khi tiếp nhận học sinh, nhà trường đều tiến hành trắc nhiệm tâm lý, tiếp xúc để đánh giá khả năng ngôn ngữ, khả năng nhận biết của trẻ, sau đó lập kế hoạch can thiệp dựa trên kết quả đánh giá. Sau một thời gian sẽ tiếp tục trắc nghiệm, đánh giá lại, điều chỉnh nội dung và phát triển chương trình can thiệp để trẻ tiến bộ hơn. Ngoài các phương pháp như Montessori, các cô còn áp dụng phương pháp phân tích hành vi, phát triển quan hệ xã hội, phương pháp trị liệu và giáo dục trẻ có khó khăn về giao tiếp, thường xuyên trao đổi, kể chuyện, đánh giá khả năng nhận thức và tái hòa nhập của trẻ. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức các lớp tập huấn cho phụ huynh về phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ có rối loạn tự kỷ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và trẻ tăng động giảm tập trung.

Sơ Tuyết Lan chia sẻ: “Đối với mỗi đứa trẻ khuyết tật chúng tôi đều có những phương pháp dạy và tiếp cận khác nhau. Thật khó để đưa ra một giáo trình chung cho trẻ tự kỷ bởi mỗi em có một biểu hiện, thái độ và nhận thức khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các phương pháp tại trường đều hướng đến mục tiêu giúp trẻ cải thiện hành vi, nhận thức, biết phối hợp tay - chân, cảm nhận, bắt chước, vận động thô, tự lập và tự điều chỉnh những hành vi không phù hợp. Một giáo trình tốt phụ thuộc hoàn toàn vào tình thương và sự kiên nhẫn của mỗi cô giáo, mỗi bậc phụ huynh, đó còn là sự theo sát để nhận biết những thay đổi dù nhỏ nhất để tiếp tục giúp trẻ vượt lên chính mình”.

Cho trẻ môi trường phù hợp nhất

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (trước đây là Trường Phổ thông CB Nguyễn Đình Chiểu) hiện có khoảng 40 trẻ tự kỷ theo học. Trong khi đó, Trường CB Tương Lai không thể nhận thêm học sinh tự kỷ vì thiếu giáo viên, cơ sở vật chất không bảo đảm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường CB Tương Lai có 2 cơ sở cùng 3 bậc học: mầm non, tiểu học và THCS với hơn 250 học sinh khuyết tật. Chương trình tiểu học của một trẻ khuyết tật kéo dài trong 7 năm và các em sẽ kết thúc bậc THCS vào năm 16 tuổi.

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường CB Tương Lai cho biết, trẻ tự kỷ có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Có thời điểm trường tiếp nhận hàng chục hồ sơ xin vào học nhưng do thiếu giáo viên dạy tiết giáo dục cá nhân và giáo viên đứng lớp nên không thể nhận hết. Theo thầy Quy, nếu nhận thêm, trường phải tăng số lượng học sinh ở mỗi lớp mà như thế thì không thể bảo đảm chất lượng dạy và học.

Trong khi đó, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cũng đang loay hoay tìm kiếm giáo viên cho các tiết dạy cá nhân: 1 cô - 1 trò. Hiện Trung tâm có 10 phòng dành riêng cho giáo dục trẻ hòa nhập ở 10 trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Riêng quận Liên Chiểu, Hải Châu và huyện Hòa Vang, mỗi quận/huyện có 2 phòng sắp xếp theo các cụm trường. Ngoài tham gia giảng dạy tại trung tâm ở quận Liên Chiểu, các giáo viên chia nhau đến hỗ trợ các trường có học sinh hòa nhập, từ hướng dẫn phương pháp, cung cấp tài liệu, dạy mẫu, tham gia các buổi đánh giá chất lượng học sinh và xây dựng kế hoạch, mục tiêu giúp trẻ tiến bộ.

Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết, các phòng đặc biệt này được xây dựng ở trường có từ 10-15 trẻ khuyết tật theo học; các trường nằm gần đó có số lượng học sinh hòa nhập ít hơn 10 sẽ đến tham gia học chung. Điều này bảo đảm cho học sinh học hòa nhập vừa có điều kiện phát triển bản thân, vừa đánh giá sự thay đổi (tích cực hay tiêu cực) để đưa ra phương pháp dạy phù hợp.

Chuyện con chữ đối với trẻ em khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng chưa bao giờ dễ dàng, chưa kể sau khi học xong khối tiểu học, THCS, các em không biết đi đâu, về đâu. Nhiều phụ huynh chia sẻ, điều họ mong muốn nhất là con mình có được môi trường học tập phù hợp với năng lực, hành vi để có thêm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Đối với trẻ tự kỷ, phụ huynh không cần cố gắng tìm cho con ngôi trường tốt nhất, mà cần tìm ngôi trường phù hợp nhất là lời khuyên của bác sĩ CK I Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Theo bác sĩ Vân, trẻ tự kỷ nếu được can thiệp sớm trước 2 tuổi thì cơ hội phát triển bình thường lên đến 80%, sau 2 tuổi hiệu quả can thiệp còn 50% và tỷ lệ giảm dần nếu phát hiện muộn hơn. Do đó, ngay từ khi đứa trẻ chào đời, cha mẹ cần có kỹ năng nhận biết những dấu hiệu không bình thường ở trẻ, thường xuyên giao tiếp, dạy trẻ cách nói chuyện, phân biệt màu sắc, phát triển ngôn ngữ, tập cho trẻ hiểu về giá trị bản thân, tránh tự làm đau và tránh xa các hành động nguy hiểm.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.