Trang

.

Mẹ sinh em vào một đêm mưa, mưa đầu mùa. Mái tôn lốp đốp, âm thanh ấy, vừa dồn dập, vừa chát chúa, vừa đau, như chính cơn đau mẹ vừa trải qua để đón chờ âm thanh nguyên sinh trong vắt từ em. Em khóc oe oe oe, mẹ cười ràn rụa nước mắt. Mẹ ôm em vào lòng, đôi mắt hướng lên trần nhà, không chớp. Mẹ nghĩ rồi, nghĩ kỹ lắm rồi, mẹ đặt tên em là Trang.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trang không phải theo nghĩa một loài hoa đầu ngõ. Cây hoa trang luôn đỏ rực cho dù nắng gắt hay mưa dầm. Cây được mẹ trồng từ khi mái nhà tôn được dựng lên nơi xóm mới này. Với mẹ, Trang được hiểu gọn ghẽ theo một chiều suy nghĩ của mẹ thôi, “sang trang”. Mẹ muốn sang trang cuộc đời mình bằng chính cuộc đời em. Một cuộc đời mới. Mầm sống mới. Được chăm bón từ cuộc đời cũ, là mẹ. Từ đêm mưa đầu mùa này, nụ mầm của mẹ sẽ bắt đầu xanh ươm lên. Niềm tin, niềm thương nhưng chắc chắn sẽ không có niềm đau nào cả, mẹ tràn đầy, dồn dập, bù đắp vào em.

Trang mỏng mảnh, hiền lành từ đôi mắt tròn xoe đến mái tóc. Mái tóc mà từ lúc Trang chào đời đến khi Trang 10 tuổi, mẹ chưa một lần dùng kéo để cắt, tóc mềm như tơ và hơi vàng. Từng sợi mỏng suôn thẳng, óng mượt. Tôi nhớ đến Trang với mỗi sáng ghé tiệm bánh mì của mẹ em, cũng là lúc em 10 tuổi, ngồi nướng bánh cho mẹ.

Gọi là tiệm bánh mì chứ thực ra chỉ là một cái xe đẩy nhỏ cùng bộ bàn ghế nhỏ nằm cạnh góc hẻm nhỏ. Bao năm rồi trở thành nơi quen thuộc của tôi, của cái xóm Bình An ven sông quê tôi. Đôi má em ửng hồng bên cạnh bếp than. Tôi mê mải nhìn, ngày nào cũng như ngày nào vẫn một câu quen thuộc “bé Trang nhà cô Tám xinh quá”. Cô cười hiền, nhưng không giấu được sự tự hào đong đầy trên từng dấu chân chim nơi đuôi mắt. Là cô cười mỗi khi có Trang, chứ khi Trang vắng mặt, cô vẫn hay nhìn xa xăm vào khoảng không rồi bảo với tôi rằng “mấy đứa con không cha, đứa nào cũng rứa con à, trời thương, trời nuôi, trời dưỡng…”.

Đến bây chừ tôi vẫn còn ngẩn ngơ với chính mình mỗi bận đi về lại xóm cũ, ngang tiệm bánh mì của cô mà nhớ quay nhớ quắt câu nói ấy. Câu nói bật ra nhẹ nhàng, thoảng nhẹ trong gió sớm, như từ nỗi niềm, hay từ sự mong đợi, hay từ những sắp xếp thuận theo lẽ tự nhiên nào đó. Tôi không lý giải được, càng không đi tìm sự cắt nghĩa. Tôi chỉ biết rằng, mỗi khi nhớ đến câu nói đó thì ngay lập tức liền mạch nghĩ là hình ảnh của Trang với đôi má ửng hồng và mái tóc mềm suôn mượt.

Trang thành thiếu nữ cũng là lúc tôi vào đại học. Trang lên đại học lại là lúc tôi ra trường đi làm. Trang xin được việc làm khi tôi đã rời xóm cũ, lấy chồng sinh con. Lâu thiệt lâu, tôi không gặp lại Trang. Cô Tám vẫn bán bánh mì góc hẻm nhỏ, mà tôi thì đã đánh mất thói quen xưa.

Trang cưới chồng. Cũng một ngày đầu mùa mưa, nhưng trời không mưa. Tháng 12 với nắng vàng hanh nhẹ, đẹp đằm thắm. Hôm ấy, tôi đưa con về xóm cũ thăm dì, tình cờ thấy một dàn xe đếm chừng bảy chiếc nằm thẳng tắp trên con đường quê, tôi hỏi dì, mới hay đó là dàn xe đến đón dâu, rước Trang về phố. Dì hào hứng kể tôi nghe rằng con bé Trang hiền xinh lấy được anh chồng kỹ sư con nhà gia giáo nơi phố, dì tôi bâng quơ kết luận “nhà bà Tám có phước thật”.

Tự dưng, Trang của thời chập chững lên ba, lên mười, thành thiếu nữ ùa về trong tôi. Không chỉ đôi mắt tròn xoe, mái tóc dài thượt. Không chỉ cái răng khểnh lại thêm cái má lúm đồng tiền trên khuôn mặt trắng hồng của Trang. Tự dưng, câu nói của dì tôi mờ nhạt dần. Mà thay vào đó, ngay lập tức, rõ mồn một trong tôi lời cô Tám nhẹ nhàng năm xưa “mấy đứa con không cha, trời thương, trời nuôi, trời dưỡng…”. Tự dưng tôi hân hoan, cuống quýt trong lòng đến tràn ngập, như những giọt nắng vàng hanh nhẹ, ngọt ngào nhảy nhót và nao nao trên tán lá me xanh…

NGHI THẢO

;
;
.
.
.
.
.